Viêm xoang mạn tính tác nhân và cách phòng chống hiệu quả.

Viêm xoang mạn tính không nguy hiểm nhưng gây khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống của người bệnh.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm xoang mạn tính
1. Đại cương
– Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh mũi và thông với hốc mũi. Xoang có vai trò làm nhẹ đầu, có tác dụng cộng hưởng, làm cho mỗi người có một giọng nói riêng, làm ấm, làm ẩm và lọc không khí từ bên ngoài đi vào.
– Bình thường, các lỗ của xoang thông thoáng, dịch do xoang tiết ra và không khí luôn có sự lưu thông. Khi những lỗ này bị tắc nghẽn, sự lưu thông bị ngừng trệ sẽ dẫn tới viêm xoang.
– Viêm xoang mạn tính là viêm niêm mạc mũi xoang với các triệu chứng: đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, giảm ngửi, ho, khịt khạc đờm, soi mũi thấy khe giữa… Do sự biến đổi không hồi phục của niêm mạc xoang, gây nên loạn sản, dạng pôlip, tiết dịch, tiết nhầy hoặc viêm mủ.
– Các triệu chứng này kéo dài trên 12 tuần.
2. Nguyên nhân
– Do viêm mũi xoang cấp không được điều trị đúng mức.
– Do viêm mũi xoang dị ứng.
– Do các yếu tố môi trường (thuốc lá, ô nhiễm, chất kích thích,…).
– Do cấu trúc giải phẫu bất thường (Vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, V.A quá phát,…).
– Do hội chứng trào ngược.
3. Triệu chứng
– Ngạt tắc mũi thường xuyên.
– Chảy nước mũi kéo dài làm người bệnh phải xì mũi hoặc khịt, khạc, nhổ thường xuyên.
– Đau nhức vùng mặt.
– Mất ngửi hoặc ngửi kém.
– Có thể bị đau đầu, ho, mệt mỏi, hơi thở hôi..
4. Điều trị
– Điều trị toàn thân
+ Thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau…
+ Thuốc corticosteroid uống.
+ Giảm mẫn cảm nếu có dị ứng.
+ Nhổ, chữa răng nếu do răng.
+ Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng.
– Điều trị tại chỗ:
+ Dùng thuốc co mạch.
+ Rửa mũi bằng nước mũi sinh lý.
+ Làm thuốc mũi, rửa mũi xoang.
+ Thuốc corticosteroid dạng xịt.
– Điều trị phẫu thuật viêm đa xoang mạn tính khi các phương pháp điều trị trên không hiệu quả
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm xoang mạn tính
– Thuốc điều trị Viêm xoang mạn tính thường gây ra nhiều tác dụng phụ đối với gan, thận, hệ thần kinh và hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bệnh nhân hay tự ý kết hợp thuốc có thể gây tương tác thuốc nguy hiểm: Thuốc co mạch giúp thông mũi, nhưng nếu dùng lâu có thể gây tắc nghẽn nghiêm trọng hơn.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm xoang mạn tính
1. Đại cương
Theo Y học cổ truyền, Viêm xoang thuộc chứng Tỵ Lậu, Tỵ Uyên, Não Lậu.
2. Nguyên nhân
Do phong nhiệt, nhiệt độc kết hợp với phế khí và vệ khí hư mà gây bệnh.
3. Triệu chứng
Người bệnh có cảm giác đau xoang hàm xoang trán, thường xuyên chảy nước mũi, có mủ, mùi hôi, suy giảm khứu giác, nhức đầu.
4. Điều trị
Pháp điều trị: Dưỡng âm nhuận táo, thanh nhiệt, giải độc.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm xoang mạn tính
Điều trị viêm xoang mạn tính bằng Đông y thường không làm giảm triệu chứng đau nhức nhanh chóng. Do đó, bệnh nhân phải điều trị thường xuyên và trong thời gian dài, điều đó làm mất thời gian và tốn nhiều công sức của người bệnh.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Viêm xoang mạn tính
– Thuốc Đông y: dùng các vị thuốc như Kim ngân, Ké đầu ngựa, Tân di, Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn…
– Thuốc Nam:
Cây hoa cứt lợn tươi 50g, rửa sạch, để ráo, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau khoảng 15-20 phút. Rút bông ra để dịch mủ từ trong xoang và mũi giải phóng ra ngoài rồi xì nhẹ nhàng. Tránh xì mũi mạnh mủ gây viêm tai giữa
Cây cỏ cứt lợn tươi 4g, tỏi 2 nhánh, hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước nhỏ vào mũi ngày 3-4 lần
– Xoa bóp bấm huyệt: Day ấn huyệt Nghinh hương, Tỵ thông, Ấn đường, Thái dương, Thừa khấp, Hợp cốc, Khúc trì…
– Cấy chỉ: các huyệt như trên
– Xông, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, các vị thuốc có tinh dầu, kháng khuẩn: Trầu không, Kim ngân…
– Thuốc Tây y: Telfast, Otilin…
VI. Cách phòng chống Viêm xoang mạn tính hiệu quả
– Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên. Đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm như quét nhà, làm vườn…
– Vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ. Tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hạn chế tối đa tiếp xúc với người bị cảm.
– Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia.
– Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang, cảm cúm.
– Điều trị triệt để các bệnh lý liên quan như Viêm xoang cấp tính, Dị dạng vách ngăn…
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là trước bữa ăn. Không nên cho tay vào ngoáy mũi vì dễ mang vi trùng vào, khiến cho bệnh càng nghiêm trọng thêm
– Xì mũi đúng cách: lấy 1 tay bịt một bên lại và xì lần lượt từng bên một, không cố gắng xì mạnh vì sẽ đẩy chất viêm vào vòi nhĩ và tai.
– Sử dụng máy tạo độ ẩm khi sử dụng điều hòa, lò sưởi. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thiết bị làm ẩm để đảm bảo không khí trong nhà sạch sẽ, không có nấm mốc.
– Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể trạng.
VII. Lời khuyên.
Bệnh viêm xoang mạn tính do nhiều nguyên nhân, điều trị thường dài ngày nên để tránh tái phát nên đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng như Viêm tai giữa, Viêm thanh quản, Viêm phần trước ổ mắt, Viêm màng não, Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang…
Cách hiệu quả nhất và kinh tế nhất là cách xịt rửa mũi thường xuyên giúp cơ thể loại bỏ được một số tác nhân gây viêm xoang, hãy tạo cho mình thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày…