Viêm Quanh Khớp Vai: Đau và hạn chế vận động khớp vai

VIÊM QUANH KHỚP VAI
VIÊM QUANH KHỚP VAI

Viêm quanh khớp vai là tình trạng đau, hạn chế vận động của khớp vai như khó chải tóc, khó đưa tay ra sau, không gãi lưng được, có thể đau nhiều về đêm…

I. Y học hiện đại

1. Đại cương:

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai: gân, túi thanh dịch, bao khớp; không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…

2. Nguyên nhân:

– Thoái hóa gân do tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
– Nghề nghiệp lao động nặng  hoặc có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay: công nhân bê vác… 
– Tập thể thao quá sức, chơi một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.
– Chấn thương vùng vai do ngã, trượt, tai nạn ô tô, xe máy.
– Một số bệnh lý khác (tim mạch, hô hấp, tiểu đường, ung thư vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ).

3. Triệu Chứng 

– Đau vai, thường khu trú ở vùng vai và không kèm sưng nóng đỏ.
– Giới hạn tầm vận động khớp vai theo nhiều hướng khác nhau.
– Các nghiệm pháp chuyên biệt đánh giá gân cơ chóp xoay, đầu dài gân cơ nhị đầu cánh tay, dấu hiệu chạm dương tính.
– Siêu âm, MRI khớp vai ghi nhận thương tổn các gân cơ quanh khớp vai, bao khớp dày, co thắt

4. Điều trị

– Điều trị viêm quanh khớp vai bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
– Điều trị cụ thể
+ Thuốc giảm đau thông thường.
+ Thuốc chống viêm không steroid.
+ Tiêm corticoid tại chỗ áp dụng cho thể viêm khớp vai đơn thuần.
+ Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm.
+ Nội soi ổ khớp lấy các tinh thể calci lắng đọng.
+ Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân áp dụng cho các thể đứt bán phần các gân mũ cơ quay do chấn thương ở bệnh nhân < 60 tuổi.
– Ngoại khoa : Chỉ định với thể giả liệt, đặc biệt ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương. Phẫu thuật nối gân bị đứt. Ở người lớn tuổi (> 60 tuổi), đứt gân do thoái hóa, chỉ định ngoại khoa cần thận trọng.

II. Hạn chế y học hiện đại

– Y học hiện đại thường dùng các thuốc giảm đau chống viêm, corticoid bằng đường uống hoặc tiêm tại khớp vai, vì vậy các triệu chứng đau có thể giảm nhanh nhưng thường thì sau khi ngưng thuốc các triệu chứng đau sẽ xuất hiện trở lại, mặt khác thuốc có rất nhiều tác dụng không mong muốn như gây đau dạ dày, ảnh hưởng chức năng gan, thận…

III. Y học cổ truyền

1. Đại cương:

Theo YHCT, bệnh VQKV thuộc phạm vi chứng Kiên tý. Gồm ba thể là Kiên thống, Kiên ngưng và Hậu kiên phong.

2. Nguyên nhân của viêm quanh khớp vai

Do phong, hàn, thấp kết hợp với nhau, làm bế tắc kinh lạc gây ra. Giai đoạn đầu phong hàn thắng, bệnh nhân đau là chủ yếu (kiên thống); giai đoạn sau hàn thấp thắng, hạn chế vận động là chủ yếu (kiên ngưng). Lâu ngày các tà khí này làm tắc đường lưu thông khí huyết, khí huyết không đủ nuôi dưỡng cân cơ, gây ra thể hậu kiên phong.

3. Chẩn đoán viêm quanh khớp vai

– Thể Kiên thống (tương ứng với viêm quanh khớp vai đơn thuần của Y học hiện đại)
+ Triệu chứng: đau là dấu hiệu chủ yếu, đau tăng khi vận động, đau làm hạn chế vận động một số động tác như: chải đầu, gãi lưng. Đau xung quanh khớp vai là chủ yếu, trời lạnh, ẩm đau tăng. Khớp vai không sưng, không đỏ, cơ không teo.
– Thể Kiên ngưng (tương ứng với VQKV thể nghẽn tắc, viêm cứng khớp vai của Y học hiện đại)
+ Triệu chứng: thường gặp ở những bệnh nhân liệt nửa người, chấn thương sọ não, viêm màng não. Khớp vai đau ít hoặc không, chủ yếu là hạn chế vận động hầu hết các động tác, khớp như bị đông cứng lại, toàn thân và khớp vai gần như bình thường, nếu bị bệnh lâu ngày các cơ xung quanh khớp vai teo nhẹ.
– Thể Hậu kiên phong (tương ứng với thể hội chứng vai tay, loạn dưỡng phản xạ chi) một thể bệnh rất đặc biệt gồm viêm quanh khớp vai đông cứng và rối loạn thần kinh vận động ở bàn tay.
+ Triệu chứng: Khớp vai đau, hạn chế vận động, bàn tay phù có khi lan lên cẳng tay, phù to, cứng, da cẳng tay, bàn tay có màu đỏ tía hoặc tím, da lạnh. Đau toàn bộ bàn tay, đau cả ngày đêm, cơ bàn tay teo rõ rệt, cơ lực giảm, vận động hạn chế, móng tay giòn, dễ gãy.

4. Điều trị (phác đồ chung )

– Thể Kiên thống: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết
– Thể Kiên ngưng: Hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc.
– Thể Hậu kiên phong: Bổ khí huyết, hoạt huyết tiêu ứ

IV. Hạn chế y học cổ truyền

– Thời gian điều trị kéo dài, Bệnh nhân có thể sẽ đau tăng trong quá trình châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động khớp vai.

V. Phương pháp kết hợp điều trị viêm quanh khớp vai

Thuốc Đông y: Quyên tý tang gia giảm.

– Xoa bóp  bấm huyệt, tập vận động khớp vai.

– Châm cứu: Huyệt Kiên tỉnh, Kiên ngung, Tý nhu, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Vân môn, Cự cốt.

– Thủy châm: mobic, vitamin nhóm B

– Chườm nóng: Xông hơi thuốc, chườm ngải cứu, cứu ngải vào khớp vai.

– Vật lý trị liệu:

+ Nhiệt nóng tại chỗ: parafin , hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm để giảm đau, giãn cơ, chống viêm và giảm xơ dính.
+ Điện phân dẫn thuốc để giảm đau, chống viêm ( Novocain, Salicilat….)
+ Điện xung để giảm đau.

– Vận động trị liệu :

+ Kéo giãn và di động khớp nhằm làm tăng tầm vận động khớp.
+ Tập chủ động với các dụng cụ: các bài tập với gậy, dây, thang tường, ròng rọc nhằm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai.
+ Bài tập Codman đong đưa khớp vai: bài tập này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.
– Hoạt động trị liệu: thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có sử dụng tay như mặc áo quần, tắm rửa, chải tóc,…

VI. Cách phòng chống hiệu quả viêm quanh khớp vai

– Có chế độ sinh hoạt vận động hợp lý: Tránh lao động nặng trong thời gian dài, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai lặp đi lặp lại nhiều lần
– Tăng cường dinh dưỡng, tập thể dục nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

VII. Lời khuyên.

Cần tái khám định kỳ để theo dõi và điều chỉnh chương trình tập vận động tại nhà cho phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.

 Trong giai đoạn đau vai cấp tính cần phải để cho vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị có hiệu quả thì bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai, đặc biệt thể đông cứng khớp vai. 

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ