Viêm Mũi Dị Ứng: Nguyên nhân và cách điều trị với cây thuốc vườn nhà

Hiện nay bệnh Viêm mũi dị ứng ngày càng có xu hướng gia tăng do môi trường ô nhiễm và thời tiết khắc nghiệt, là bệnh khó chữa dứt điểm nhưng rất dễ tái phát
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm mũi dị ứng
1. Đại cương
Viêm mũi dị ứng là một bệnh miễn dịch. Do các dị nguyên ngoại lai gây ra và con đường xâm nhập chủ yếu là niêm mạc mũi.
Bệnh biểu hiện tại chỗ ở mũi của một bệnh dị ứng toàn thân, do niêm mạc mũi trở nên quá nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh (dị nguyên), gây nên phản ứng quá mẫn.
Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện theo mùa (vào dịp đông xuân do bụi phấn hoa cây cỏ) hoặc quanh năm (do lông súc vật, bụi từ quần áo, chăn, giường chiếu hay các loại khói bụi khác).
2. Nguyên nhân
– Cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.
– Dị nguyên đường thở: bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa…
– Dị ứng nguyên thực phẩm: Trứng, sữa, các lại hải sản (tôm, cua, sứa….)
– Dị nguyên là các loại thuốc: Kháng sinh…
– Cơ địa dị ứng: trong huyết thanh của những người cơ địa dị ứng có chứa yếu tố mẫn cảm gọi là kháng thể Reagin.
3. Triệu chứng
– Sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mũi, có thể kèm theo ngứa mắt, ngứa vòm họng.
– Bệnh nhân hoặc gia đình thường có tiền sử hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng, nổi mày đay, .…
– Khám nội soi mũi thường thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong.
– Nếu bệnh kéo dài, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như polyp mũi, viêm họng hạt, viêm tai giữa thanh dịch, thâm quầng mi mắt.
4. Điều trị
– Kiểm soát môi trường, hạn chế tiếp xúc với dị nguyên một cách tối đa
– Điều trị bằng thuốc:
Kháng sinh, steroids dạng uống, dạng xịt, co mạch đường uống, co mạch đường tại chỗ.
Kháng histamine dạng uống, dạng xịt.
Kháng cholinergic, thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào.
Thuốc kháng leukotrien.
– Điều trị miễn dịch
– Điều trị miễn dịch là phương pháp đưa vào cơ thể bệnh số lượng tăng dần chất chiết xuất từ dị nguyên (giống trong sản xuất vaccin). Nhằm đạt được liều hiệu quả là cho bệnh nhân có thể giảm bớt triệu chứng một khi tiếp xúc với dị nguyên nhạy cảm.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm mũi dị ứng
– Những thuốc điều trị viêm mũi dị ứng chỉ là tạm thời, chủ yếu là điều trị triệu chứng hoặc phòng ngừa nên chỉ có thể khống chế bệnh hoặc giảm các triệu chứng trong một thời gian ngắn. Không thể khỏi được bệnh trong một khoảng thời gian dài hay khỏi hoàn toàn được bệnh.
– Một số tác dụng phụ của thuốc khi lạm dụng:
Thuốc chống ngạt mũi
Naphazolin: gây nhức đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, tim nhanh, kích động, lo âu; đặc biệt là gây co mạch ở não, tim, da đầu có thể dẫn đến tử vong.
Phenylephrin: làm tăng huyết áp, tăng nhãn áp…
Corticoid uống kéo dài, liên tục có thể gây suy thượng thận cấp.
Corticoid hít không độc nhưng cũng có thể: đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ.
– Phương pháp điều trị miễn dịch mất nhiều thời gian và khá tốn kém.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm mũi dị ứng.
1. Đại cương
Viêm mũi dị ứng Y học cổ truyền gọi là Tỵ cửu.
2. Nguyên nhân
Do vệ khí, phế khí hư không khống chế được phong hàn xâm nhập.
3. Triệu chứng
Ngứa mũi hai bên, hắt hơi thành từng tràng liên tục 5 – 10 cái, có khi hắt hơi nhiều gây váng đầu. Chảy nước mũi. Sau cơn ngứa mũi hắt hơi, chảy nước mũi trong, có khi thành giọt. Tăng khi thay đổi thời tiết, sáng sớm hoặc buổi tối… Sợ lạnh, mệt mỏi, đoản hơi, rêu lưỡi trắng mỏng, chất lưỡi nhạt.
4. Điều trị
Pháp điều trị: Bổ khí cố biểu, khu phong tán hàn
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm mũi dị ứng.
Triệu chứng thuyên giảm chậm và thời gian điều trị kéo dài hơn sử dụng thuốc tây y.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Viêm mũi dị ứng
– Thuốc đông y: bài thuốc Ngọc bình phong tán hợp Quế chi thang gia giảm
– Thuốc nam: Hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn): rửa sạch, giã nát lấy nước nhỏ vào mũi.
– Châm cứu:
Châm: Nghinh hương, Hợp cốc, Túc tam lý
Cứu: Phế du, Cao hoang
– Cấy chỉ: Các huyệt như trên
– Thuốc tây y: Telfast, Otilin…
VI. Cách phòng chống hiệu quả
– Tránh tiếp xúc với dị nguyên như : bụi nhà, khói thuốc lá , lông mèo, lông chó, phấn hoa, .…
Không nuôi thú trong nhà.
Nếu có nuôi, cần tắm thú nuôi 2 lần/ tuần.
– Sử dụng hệ thống lọc khí tốt, vệ sinh máy điều hòa, thường xuyên
– Tăng cường vệ sinh nhà cửa, ga gối, xe cộ trong mùa phấn hoa để hạn chế tiếp xúc.
– Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp.
– Chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi. Không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi.
– Hạn chế ăn đồ sống, lạnh, tanh, chất kích thích, tránh khói thuốc lá.
– Tập thể dục nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì, tránh stress.
– Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.
VII. Lời khuyên.
Khi bị Viêm mũi dị ứng, phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, hạn chế bệnh tái phát và biến chứng: Làm nặng thêm các bệnh dị ứng khác như viêm kết mạc dị ứng, hen phế quản… Gây viêm mũi xoang mạn tính polyp mũi, viêm thanh khí phế quản…