Viêm Loét Dạ Dày Tá Tràng

Viêm Loét dạ dày tá tràng
Viêm Loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng, dân gian thường gọi là đau dạ dày (đau bao tử), là bệnh lý rất thường gặp, điều trị không khó nhưng lại rất dễ tái phát.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm loét dạ dày tá tráng

1. Đại cương

Dạ dày là nơi chứa đựng, nghiền nhuyễn thức ăn và trộn nó với dịch vị. Tá tràng là phần đầu của ruột non, làm nhiệm vụ trung hòa dịch mật và tụy trong thức ăn trước khi nó xuống ruột non. Tá tráng nối liền với dạ dày, nên bệnh lý cũng thường đi kèm với nhau, hay gặp nhất là viêm loét. Vì vậy, người ta gọi chung là Viêm loét dạ dày tá tràng.
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý viêm và mất tổ chức niêm mạc có giới hạn ở phần ống tiêu hóa có bài tiết acid và pepsin. Đây là một sự phá hủy cục bộ niêm mạc dạ dày tá tràng do các yếu tố tấn công như acid HCl, pepsin, vi khuẩn HP.

2. Nguyên nhân

– Yếu tố tâm lý: sang chấn tinh thần, căng thẳng áp lực trong công việc, stress gây tăng tiết axit, tăng co bóp cơ trơn dạ dày, giảm bài tiết chất nhầy.

– Rối loạn vận động dạ dày và ruột. 

Các yếu tố môi trường:
  + Thức ăn cay nóng
  + Chất kích thích: rượu, thuốc lá, cà phê…
  + Thuốc giảm đau chống viêm như aspirin, corticoid. Các thuốc giảm đau không steroid như mobic, voltaren…
  + Xoắn khuẩn Helicobacter Pylori (HP): 90% trường hợp loét dạ dày, và 95% trường hợp loét tá tràng có sự hiện diện HP nơi ổ loét.

Di truyền: bệnh có tần suất cao ở một số gia đình và loét đồng thời xảy ra ở 2 anh em sinh đôi đồng noãn, hơn là dị noãn.

3. Triệu chứng 

– Đau ở vùng thượng vị (trên rốn) là chủ yếu: Đau quặn thắt, nóng rát hoặc nặng nề âm ỉ.
  + Đau thường kéo dài 15p – 1 giờ. Nếu loét dạ dày thường đau lệch sang trái, loét tá tràng thường lệch sang bên phải, đôi khi đau lan ra hông sườn phải hoặc sau lưng
  + Đau có tính chất từng đợt, có thể kéo dài 2 – 8 tuần, cách nhau vài tháng đến vài năm, tăng sau bữa ăn trưa và ăn tối hoặc vào mùa đông. Tuy nhiên, nếu loét lâu ngày có thể đau âm ỉ liên tục.

– Rối loạn tiêu hóa:
  + Nôn, buồn nôn: thường gặp ở loét dạ dày.
  + Táo bón.
  + Đầy bụng, chậm tiêu, ợ hơi, ợ chua…

4. Điều trị 

– Nội khoa:
  + Nhóm thuốc kháng acid.
  + Nhóm ức chế thụ thể histamine H­2.
  + Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI).
  + Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  + Các kháng sinh diệt H.pylori.

Điều trị ngoại khoa: Rất hạn chế, chỉ phẫu thuật khi:
  + Xuất huyết tiêu hóa do chảy máu dạ dày hành tá tràng điều trị nội khoa thất bại.
  + Thủng dạ dày – hành tá tràng
  + Hẹp môn vị.
  + Ung thư hóa.
  + Rò dạ dày tá tràng vào các tạng lân cận.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm loét dạ dày tá tráng

Triệu chứng bệnh thuyên giảm nhanh, tuy nhiên thuốc có một số tác dụng phụ như: Nhóm thuốc kháng acid gây tiêu chảy. Nhóm ức chế thụ thể histamine H­2 gây giảm chuyển hóa gan và tăng men transaminase. Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày có thể gây táo bón. Các thuốc kháng sinh rất dễ nhờn thuốc nếu không sử dụng đúng và đủ liều.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm loét dạ dày tá tráng

1. Đại cương

Theo Y học cổ truyền, bệnh Viêm loét dạ dày tá tràng được xếp vào bệnh lý của tỳ vị, với bệnh danh là Vị quản thống, Vị thống.

2. Nguyên nhân

Nội nhân: tình chí bị kích thích như giận dữ, uất ức, lo nghĩ … khiến can khí uất kết, mất khả năng sơ tiết làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây đau, ợ hơi, ợ chua…
Bất nội ngoại nhân: Ăn uống thất thường, ăn đồ sống lạnh…làm tỳ mất khả năng kiện vận, hàn tà nhân đó xâm nhập gây các triệu chứng bệnh.

3. Triệu chứng

– Thể Khí trệ: Đau thượng vị từng cơn, lan ra 2 bên hông sườn xuyên ra sau lưng, ấn vào đau tăng, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, dễ cáu giận hay thở dài, ăn kém, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, mạch huyền.
– Thể Hỏa uất: Đau thượng vị kiểu nóng rát, ấn vào không giảm đau hoặc đau tăng. Uống nước lạnh dễ chịu, thích chườm lạnh, miệng khô, ợ chua, nóng ruột, cồn cào. Có thể táo bón, nước tiểu đỏ, bứt rứt, vật vã, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
– Thể Huyết ứ: Đau dữ dội một vị trí nhất định, ấn vào đau tăng.
   + Thực chứng (bệnh cấp): nôn ra máu, ỉa phân đen, môi đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực.
   + Hư chứng (bệnh hoãn): sắc mặt xanh nhợt, mệt mỏi, chân tay lạnh, chất lưỡi bệu có điểm ứ huyết, rêu lưỡi nhuận, mạch hư đại hoặc tế sác.
– Thể hư hàn: Đau thượng vị âm ỉ, liên tục, thích xoa bóp chườm nóng, sợ lạnh, tiếp xúc lạnh đau thêm, lao động mệt nhọc đau tăng, sắc mặt vàng héo, sợ lạnh, chân tay lạnh, mệt mỏi kém sức, nôn nước trong, phân lúc nát lúc táo, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch hư tế.

4. Điều trị

– Thể Khí trệ:
  + Pháp: Sơ can, lý khí, hòa vị, chỉ thống.
  + Phương: Gia vị sài hồ sơ can thang.

– Thể Hỏa uất:
  + Pháp: Sơ can tiết nhiệt (thanh can hòa vị)
  + Phương: Hóa can tiễn, Tá kim hoàn gia giảm

– Thể Huyết ứ:
  + Thực chứng: Hoạt huyết thông lạc. Bài thuốc: Thất tiêu tán.
  + Hư chứng: Bổ huyết, chỉ huyết. Bài thuốc: Tứ quân tử thang gia giảm.

– Thể Hư hàn:
  + Pháp: Kiện tỳ ôn trung.
  + Phương: Lý trung thang, Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm loét dạ dày tá tráng

Thời gian điều trị kéo dài, triệu chứng thuyên giảm chậm hơn thuốc tây y.
Một số thuốc tán, dạng bột không tan trong nước nên khó uống.

V. Phương pháp kết hợp điều trị hiệu qu Viêm loét d dày tá tràng

Đông y:
  + Dùng thuốc: tùy từng thể bệnh mà kê đơn gia vị cho phù hợp. Thuốc Nam: bột nghệ, mật ong…
  + Không dùng thuốc:
         Châm cứu: Trung quản, Thiên khu, Quan nguyên, Khí hải, Can du, Tỳ du, Vị du, Thái xung, Tam âm giao…
         Thủy châm: Can du, Tỳ du, Vị du…
         Chườm nóng (thể hư hàn): cứu ngải, chườm ngải cứu vùng d dày thượng vị

Kết hợp với thuốc Y học hiện đại: Omeprazol, Nexium…

Chế độ ăn uống hợp lý, tránh căng thẳng, stress.

VI. Cách phòng chống hiệu quả

Kiêng rượu, bia, chất chua cay, thuốc lá (thuốc lào) và các chất gây kích thích khác như trà đặc, cà phê…
Tránh căng thẳng tâm lý, strees. Nghỉ ngơi, thư giãn.
Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc giảm đau, giảm đau chống viêm, corticoid…

VII. Lời khuyên.

Khi có triệu chứng của bệnh Viêm loét dạ dày tá tràng, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời. Tránh các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, thủng, hẹp môn vị, loét, ung thư hóa.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ