Viêm loét dạ dày tá tràng

Kết hợp Đông Tây y điều trị Viêm loét dạ dày tá tràng
-
Định nghĩa về Viêm loét dạ dày tá tràng
- Theo Y học hiện đại: Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý viêm và mất tổ chức niêm mạc có giới hạn ở phần ống tiêu hóa có bài tiết acid và pepsin. Đây là một sự phá hủy cục bộ niêm mạc dạ dày tá tràng do các yếu tố tấn công như acid HCl, pepsin, vi khuẩn HP.
- Theo Y học cổ truyền, bệnh Viêm loét dạ dày tá tràng được xếp vào bệnh lý của tỳ vị, với bệnh danh là Vị quản thống, Vị thống.
-
Nguyên nhân Viêm loét dạ dày tá tràng
- Theo Y học hiện đại: Viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiều nguyên nhân gây nên như: Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, steroid, rượu, cà phê, thuốc lá, căng thẳng tinh thần… Trong đó nhiễm HP là nguyên nhân chủ yếu và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của viêm loét dạ dày tá tràng. HP có mặt với một tỷ lệ khá cao vào khoảng 70% – 80% trong bệnh lý viêm loét dạ dày.
- Theo Y học cổ truyền: Các yếu tố về tinh thần như lo lắng, suy nghĩ, tức giận quá độ và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị làm tỳ không kiện vận vị mất chức năng thu nạp dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn. Tức giận nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tạng can, làm can khí uất kết ảnh hưởng đến chức năng của tỳ, vị. Nếu can khí uất lâu ngày sẽ hóa hỏa, hỏa sẽ thiêu đốt tân dịch làm tổn thương đến vị âm làm chính khí suy tổn. Ngoài ra, còn do ngoại cảm hàn tà xâm nhập vào vị hoặc do ăn uống không điều độ ảnh hưởng đến tỳ vị: như ăn quá no hoặc để quá đói, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, chua, mặn, lạnh đều làm ảnh hưởng đến chức năng của tỳ vị, làm khí cơ bị trở trệ dẫn đến đau.
-
Triệu chứng Viêm loét dạ dày tá tràng
- Y học cổ truyền chia chứng vị quản thống làm các thể: Can khí phạm vị và Tỳ vị hư hàn (Can khí phạm vị còn gọi là can vị bất hòa, can khắc tỳ, can mộc khắc tỳ thổ… thường chia ra 3 thể nhỏ: thể khí trệ (khí uất), thể hỏa uất, thể huyết ứ).
- Thể Khí trệ: Đau thượng vị từng cơn, lan ra 2 bên hông sườn xuyên ra sau lưng, ấn vào đau tăng, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, dễ cáu giận hay thở dài, ăn kém, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, mạch huyền.
- Thể Hỏa uất: Đau thượng vị kiểu nóng rát, ấn vào không giảm đau hoặc đau tăng. Uống nước lạnh dễ chịu, thích chườm lạnh, miệng khô, ợ chua, nóng ruột, cồn cào. Có thể táo bón, nước tiểu đỏ, bứt rứt, vật vã, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
- Thể Huyết ứ: Đau dữ dội một vị trí nhất định, ấn vào đau tăng.
Thực chứng (bệnh cấp): nôn ra máu, ỉa phân đen, môi đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực.
Hư chứng (bệnh hoãn): sắc mặt xanh nhợt, mệt mỏi, chân tay lạnh, chất lưỡi bệu có điểm ứ huyết, rêu lưỡi nhuận, mạch hư đại hoặc tế sác
- Thể Tỳ vị hư hàn: Đau thượng vị âm ỉ, liên tục, thích xoa bóp chườm nóng, sợ lạnh, tiếp xúc lạnh đau thêm, lao động mệt nhọc đau tăng, sắc mặt vàng héo, sợ lạnh, chân tay lạnh, mệt mỏi kém sức, nôn nước trong, phân lúc nát lúc táo, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch hư tế.
- Một số điểm liên hệ giữa hình ảnh nội soi dạ dày và chứng trạng theo y học cổ truyền:
- Niêm mạc dạ dày xung huyết, loét trợt, gồ lên và dịch mật trào ngược vào dạ dày, phần nhiều là triệu chứng nhiệt, chứng thực.
- Niêm mạc dạ dày trắng xanh phù đỏ xen lẫn, nhưng trắng là chủ yếu, phần nhiều là triệu chứng hàn, hư.
- Niêm mạc dạ dày giảm tiết, khô phần nhiều là âm dịch suy hao.
- Niêm mạc dạ dày tăng tiết, loãng phần nhiều là đàm thấp.
- Môn vị co giãn không điều hòa phần nhiều là can vị bất hòa.
-
Điều trị kết hợp Viêm loét dạ dày tá tràng
- Đông y:
- Thuốc sắc: tùy từng thể bệnh mà kê đơn gia vị cho phù hợp: Sài hồ sơ can thang, Hóa can tiễn, Tá kim hoàn , Tứ quân tử thang, Lý trung thang, Hoàng kỳ kiến trung thang
- Bột dạ dày gia truyền Phúc Mạc Đường
- Thuốc Nam: bột lá khôi, chè dây, bột nghệ, mật ong, mai mực…
- Không dùng thuốc:
Châm cứu: Trung quản, Thiên khu, Quan nguyên, Khí hải, Can du, Tỳ du, Vị du, Thái xung, Tam âm giao…
Chườm nóng (thể hư hàn): cứu ngải, chườm ngải cứu vùng dạ dày thượng vị
- Kết hợp với thuốc Y học hiện đại: Omeprazol, Nexium, Amoxicilline, Clarithromycine…
- Chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress, kiêng rượu, bia, chất chua cay, thuốc lá (thuốc lào) và các chất gây kích thích khác như trà đặc, cà phê… hellosuckhoe.net