Viêm khớp dạng thấp: Triệu chứng và phòng ngừa biến chứng

Hiện nay, Viêm khớp dạng thấp đang là căn bệnh được cho là thủ phạm gây tàn phế nhiều nhất, gây đau, teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp… dẫn đến việc giảm hoặc mất khả năng vận động, thậm chí là tàn phế suốt đời.
I.Quan điểm của Y học hiện đại về Viêm khớp dạng thấp
Đại cương
– Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn điển hình, diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Được coi là bệnh tự miễn quan trọng thứ hai trong nhóm các loại bệnh tự miễn (sau lệnh Lupus ban đỏ) và là bệnh quan trọng nhất trong nhóm bệnh khớp do thấp.
– Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Nguyên nhân
– Hiện nay, Viêm khớp dạng thấp chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh rõ ràng. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu thấy rằng bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn, cơ địa (nữ giới, trung niên, yếu tố HLA) và rối loạn đáp ứng miễn dịch.
Triệu chứng
– Đa số trường hợp bệnh bắt đầu và tiến triển tăng dần từ từ, nhưng có một số trường hợp bệnh bắt đầu đột ngột với triệu chứng cấp tính. Trước khi có triệu chứng ở khớp, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, gầy sút, tê đầu chi, ra nhiều mồ hôi, đau nhức và khó cử động các khớp. Giai đoạn này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
– Biểu hiện tại khớp:
+ Giai đoạn mới: đa số thấy hiện tượng sưng đau, cứng khớp buổi sáng ở một trong các khớp: khớp ở bàn ngón tay, cổ tay, bàn ngón chân, cổ chân, khớp khuỷu, khớp gối…
+ Giai đoạn sau: Sưng đau và hạn chế vận động các khớp, đối xứng 2 bên, ít nóng đỏ, cứng khớp buổi sáng trên 1h, đau tăng nhiều về đêm gần sáng
+ Các khớp viêm tiến triển nặng dần, dẫn đến tình trạng dính khớp, biến dạng khớp, lệch trục…
– Biểu hiện khác:
+ Toàn thân: mệt mỏi, ăn kém, gầy sút, da xanh…
+ Da: xuất hiện “nốt thấp” hay còn gọi là hạt tophi nổi lên ở dưới da và mô của da, chắc, không đau, không di động, đường kính từ 5mm – 20mm. Thường thấy ở khớp bàn ngón, khớp khuỷu… Da khô, nhăn nheo. Gan bàn tay hoặc gan bàn chân dãn mạch đỏ hồng
+ Cơ, gân, bao khớp: teo cơ thường do ít vận động, viêm gân, bao khớp có thể phình ra thành kén hoạt dịch như vùng khoeo…
Điều trị
– Hiện nay, chưa có thuốc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khỏi hoàn toàn, hầu hết các biện pháp nhằm giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.
– Điều trị triệu chứng: nhằm cải thiện triệu chứng viêm, giảm đau, duy trì khả năng vận động. Tuy nhiên các thuốc này không làm thay đổi được sự tiến triển của bệnh.
+ Các thuốc kháng viêm không steroid (KVKS- NSAIDs): Celecoxib
Meloxicam, Etoricoxib, Diclofenac, Brexin…
+ Thuốc corticoid (Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone…).
– Điều trị cơ bản bằng các thuốc chống thấp làm thay đổi tiến triển của
bệnh để làm chậm hoặc làm ngừng tiến triển của bệnh, cần điều trị lâu dài và theo dõi các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trong suốt thời gian điều trị.
+ Methotrexa, Sulfasalazin…
– Các biện pháp hỗ trợ
+ Tập luyện, hướng dẫn vận động chống co rút gân, dính khớp, teo cơ.
+ Trong đợt viêm cấp: để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê, độn tại khớp. Khuyến khích tập ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm, tăng dần, tập nhiều lần trong ngày, cả chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lý của khớp.
+ Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tắm suối khoáng, phẫu thuật chỉnh hình (cắt xương sửa trục, thay khớp nhân tạo khi có chỉ định).
II. Hạn chế của Y học hiện đại khi điều trị Viêm khớp dạng thấp
Thuốc Tây y có thể làm giảm nhanh một số triệu chứng của bệnh, tuy nhiên có thể gây nhiều tác dụng phụ như: gây viêm loét dạ dày tá tràng, loãng xương, tăng huyết áp…
III. Quan điểm của Y học cổ truyền về Viêm khớp dạng thấp
Đại cương
– Triệu chứng bệnh lý của Viêm khớp dạng thấp theo Y học hiện đại nêu trên cũng được mô tả trong phạm vi các chứng của Y học cổ truyền như:
+ Chứng tý: tam tý, ngũ tý.
+ Lịch tiết phong, hạc tất phong, bạch hổ lịch tiết phong
Chứng Tý là một trong những chứng chủ yếu của Y học cổ truyền, Tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông. Tý vừa được dùng để diễn tả biểu hiện của bệnh như là tình trạng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở da thịt, khớp xương; vừa được dùng để diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.
Nguyên nhân
Phong, hàn, thấp xâm nhập vào cơ thể, gây rối loạn sự vận hành khí huyết, làm cho khí huyết bế tắc, lưu thông không điều hòa mà sinh bệnh. Các tà khí này lại bị tắc lưu lại ở kinh lạc, cơ nhục, cân mạch hoặc tạng phủ gây sưng, đau, nhức, tê buồn, nặng, mỏi ở một vùng cơ thể hay các khớp xương.
Vệ khí suy yếu, hoặc khí huyết hư, hoặc tuổi già có can thận hư suy. khí tà phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập mà gây bệnh Do bệnh lâu ngày làm khí huyết hư suy, hoặc do tiên thiên bất túc làm cho khí huyết bất túc, doanh vệ không điều hòa mà sinh bệnh.
Sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, ngâm tẩm thường xuyên dưới nước, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, làm việc mệt nhọc lại bị mưa rét thường xuyên… 3 tà khí xâm nhập gây bệnh.
Triệu chứng
Viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp tính (tương ứng với thể nhiệt tý): sốt, phiền táo, khát, mồ hôi ra nhiều, các khớp xương cơ nhục sưng nóng đỏ, mạch phù hoạt hoặc hồng sác.
Viêm khớp dạng thấp đợt mạn tính: Các khớp còn sưng đau nhưng hết đỏ, hết sốt, dính khớp, cứng khớp hoặc biến dạng khớp, teo cơ.
Viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm: chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán, viêm khớp chưa quá 6 tháng, khớp có viêm, có sưng, có đau nhức, nhưng không nóng đỏ.
+ Thể phong tý: Đau nhiều khớp, đau di chuyển từ khớp này sang khớp khác, sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch phù
+ Thể hàn tý; Đau dữ dội ở một khớp cố định, không lan, trời lạnh đau tăng, chườm nóng đỡ đau, tay chân lạnh, sợ lạnh rêu trắng, mạch huyền khẩn hoặc nhu hoãn.
+ Thể thấp tý: Các khớp nhức mỏi, đau một chỗ cố định, tê bì, đau các cơ có tính cách trì nặng xuống, co rút lại, vận động khó khăn, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoãn.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp tính (tương ứng với thể nhiệt tý): Thanh nhiệt khu phong hoá thấp.
Viêm khớp dạng thấp đợt mạn tính: Khu phong thanh nhiệt trừ thấp tán hàn.
Viêm khớp dạng thấp giai đoạn sớm
+ Thể phong tý: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết. + Thể hàn tý: Tán hàn, khu phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.
+ Thể thấp tý: Trừ thấp, khu phong, tán hàn, hành khí, hoạt huyết.
IV. Hạn chế của Y học cổ truyền khi điều trị Viêm khớp dạng thấp
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.
V. Các phương pháp điều trị kết hợp
Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng
– Giai đoạn khớp viêm cấp:
+ Nghỉ ngơi, giảm vận động. Duy trì khớp đúng khi nghỉ: không đặt gối kê dưới khoeo chân… Mang nẹp nghỉ vào ban đêm.
+ Chườm lạnh các khớp viêm cấp 10 – 15 phút. 2 lần / ngày
+ Vận động: vận động thụ động nhẹ nhàng các khớp phòng ngừa dính khớp, teo cơ. Khuyến khích nằm sấp, gồng cơ tứ đầu đùi, cơ mông.
– Giai đoạn khớp viêm bán cấp
+ Giảm đau bằng ngâm paraphin, bồn nước xoáy, siêu âm trị liệu…
+ Vận động chủ động có trợ giúp để duy trì và tăng tầm vận động của khớp
+ Vận động có đề kháng bằng tay hay dụng cụ để tăng trương lục cơ. Tập luyện chức năng cầm nắm. Tập di chuyển với nạng, gậy trợ giúp…
+ Kéo giãn nhẹ các gân co cứng nhưng không làm quá mức
– Giai đoạn mạn tính:
+ Thực hiện các bài tập kéo giãn ngừa co rút, biến dạng khớp, các bài tập có chủ động có đề kháng tăng thể tích cơ và lực cơ, các bài tập hoạt động trị liệu tăng cường khả năng và các cử động khéo léo của 2 bàn tay
+ Đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, đạp xe đạp, thể dục nhịp điệu để tăng cường sức bền của cơ thể.
+ Tập tăng tiến từ từ, không làm sưng đau hay khởi phát tiến trình viêm khớp
Thuốc Đông Y:
Tuỳ từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Bạch hổ quế chi thang gia vị, Quế chi thược dược tri mẫu thang, Độc hoạt ký sinh thang gia giảm, Phòng phong thang gia giảm, Ý dĩ nhân thang gia giảm…
Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động:
+ Tại các khớp và các cơ quanh khớp bằng các thủ thuật, ấn, day, lăn, bóp…
+ Vận động: vừa xoa bóp vừa tập vận động khớp theo các tư thế cơ năng, từng bước, động viên bệnh nhân chịu đựng và tập vận động tăng dần.
Châm cứu:
châm các huyệt tại khớp sưng đau và các huyệt lân cận.
Dùng thuốc đắp bó ngoài khớp sưng:
+ Ngải cứu, dây đau xương, lưỡi hổ, giã nát, sao lên với dấm đắp hoặc bó ngoài khớp sưng.
+ Ngải cứu, râu mèo, gừng: giã nát sao với rượu đắp lên khớp sưng.
V. Cách phòng bệnh Viêm khớp dạng thấp
– Hiện nay, không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, các can thiệp phòng ngừa chủ động đối với Viêm khớp dạng thấp là những biện pháp chung nhằm nâng cao sức khoẻ, thể trạng bao gồm ăn uống, tập luyện và làm việc, tránh căng thẳng.
Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nhiễm trùng, các tình trạng rối loạn miễn dịch.
VI. Lời khuyên
– Khi có dấu hiệu sưng nóng đỏ đau các khớp nhỏ có tính chất đối xứng, cứng khớp buối sáng trên 1 giờ… bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
– Khi mắc bệnh Viêm khớp dạng thấp:
+ Nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi từng giai đoạn ngắn liên quan tới các giai đoạn phát triển cấp tính. Nên dử dụng các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa và các chế phẩm sữa ít béo, omega 3… Hạn chế chất béo, phủ tạng động vật, thực phẩm chiên rán, đồ ăn mặn, đồ ngọt…
+ Tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng … là các biện pháp không thể thiếu trong mọi chiến lược điều trị. Tập luyện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.
+ Để điều trị duy trì phòng viêm khớp dạng thấp tái phát, bạn có thể sử dụng bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang kết hợp các bài tập theo hướng dẫn của các Y bác sĩ.
+ Sử dụng thuốc Tây y theo đúng chỉ định của Y bác sĩ, không nên tự ý đổi thuốc, phối hợp thuốc hoặc tăng giảm liều để hạn chế các tác dụng phụ hoặc tình trạng nhờn thuốc.