Viêm Họng Cấp là gì, cách điều trị với vị thuốc đơn giản dễ kiếm trong vườn.

Thời tiết thay đổi hoặc khi gặp lạnh (điều hòa lạnh, uống nước nhiều nước lạnh…), chúng ta rất hay bị Viêm họng cấp, đặc biệt là trẻ em. Bệnh thường gây đau họng, sốt, ho, mệt mỏi… Nếu không điều trị đúng có thể gây viêm tai giữa, viêm phế quản… nguy hiểm hơn nữa là gây viêm cơ tim nếu do liên cầu beta tan huyết nhóm A gây ra.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm họng cấp
1. Đại cương
Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng.
Viêm họng cấp tính tức là viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amiđan (A) khẩu cái, một số ít trường hợp kết hợp với viêm amiđan đáy lưỡi.
Là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amiđan, viêm mũi, viêm xoang … hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi…
2. Nguyên nhân
– Do virus là chủ yếu, chiếm 60-80%.
– Do vi khuẩn chiếm 20-40%.
– Do thời tiết thay đổi, nhất là về mùa lạnh. Viêm họng đỏ cấp thường bắt đầu bằng sự nhiễm virus. Sau đó do độc tố của virus, cấu trúc giải phẫu của amiđan và sức đề kháng của cơ thể đã gây nên sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác.
3. Triệu chứng
– Viêm họng cấp thường xảy ra đột ngột.
– Sốt vừa 38 – 39°C hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn. Phản ứng hạch góc hàm di động, ấn đau.
– Đau họng nhất là khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng. Khi nuốt, ho, nói thì đau nhói lên tai. –
– Có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy.
– Soi họng thấy: toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết, hai amiđan khẩu cái cũng sưng to đỏ, có khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng.
4. Điều trị
– Hạ sốt, giảm đau
– Kháng sinh
– Kháng viêm
– Xông họng: kháng sinh + giảm viêm
– Xúc họng: BBM ngày 3 – 4 lần.
– Bổ sung các yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin …
II. Hạn chế Y học hiện đại khi điều trị Viêm họng cấp
Thuốc Tây y giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ hoặc dễ tương tác với nhau khi dùng không đúng cách. Trong khi, bệnh nhân thường tự mua thuốc về uống mà chưa qua thăm khám, tăng giảm liều tùy ý hoặc ngừng thuốc ngay khi bệnh thuyên giảm. Do vậy bệnh dễ tái phát, người bệnh dễ bị nhờn thuốc hoặc dị ứng thuốc.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm họng cấp
1. Đại cương
Viêm họng cấp được mô tả trong chứng Hầu tý của Y học cổ truyền.
2. Nguyên nhân
Do cảm phải phong tà bên ngoài kết họp với đàm nhiệt bên trong.
3. Triệu chứng
Họng đỏ, nóng, khô, rát, niêm mạc họng hơi nề, kèm sốt, nhức đầu, nuốt đau, có đờm dính họng.
4. Điều trị
Pháp điều trị: Sơ phong thanh nhiệt, hóa đàm.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm họng cấp
Thuốc đông y làm giảm chậm các triệu chứng bệnh, thời gian điều trị kéo dài hơn sử dụng thuốc Tây y
V. Phương pháp kết hợp điều trị Viêm họng cấp
– Thuốc Đông y: Bài thuốc Ngân kiều tán gia giảm.
– Thuốc Nam: Nhai hạt Mướp đắng nuốt nước.
+ Thân rễ cây rẻ quạt ngâm nước vo gạo 1 – 2 ngày, xắt mỏng, phơi khô để dùng dần. Khi dùng, lấy 3 – 6g tán bột mịn để ngậm nuốt nước dần. Có thể sắc với 300ml nước, còn lại 100ml, ngậm nuốt dần. Dùng liên tục 3 – 5 ngày.
+ Nước cốt chanh 1 muống cà phê + nước ấm 300ml + 50g muối. Ngậm nhiều lần trong ngày hoặc ngậm nuốt dần.
+ Lá húng chanh 3 lá + sơn đậu căn 3 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5 – 6 lần.
– Châm cứu: huyệt Thiên đột, Liệt khuyết, Hợp cốc, Khúc trì.
– Thuốc Tây y: amoxicilin, anpha trymochipsin, paracetamol…
VI. Cách phòng chống Viêm họng cấp hiệu quả
– Tránh tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng sinh hoạt, thức ăn với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm …
– Đeo khẩu trang khi ở nơi đông người hoặc khu vực nhiều khói bụi.
– Giữ ấm mũi họng. Không nên để cổ họng bị sốc nhiệt, lạnh quá mức hoặc nóng quá mức.
– Vệ sinh răng miệng tốt. Súc miệng bằng nước muối ấm hằng ngày trước khi đi ngủ.
– Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể.
– Uống nhiều nước, tránh đồ uống chứa chất kích thích. Bỏ thuốc lá
– Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.
VII. Lời khuyên
– Khi bị viêm họng, không nên tự ý điều trị , nên đến cơ sở y tế khám và dùng thuốc theo đơn tránh hiện tượng nhờn thuốc và biến chứng.
– Nên tăng cường sử dụng các loại đồ ăn thức uống:
+ Hoa quả chứa nhiều vitamin C; Cam, chanh, bưởi, dâu, dưa hấu, rau xanh…
+ Thực phẩm giàu kẽm: Ngao, tôm, sò, củ cải, rau chân vịt, nước cốt dừa… Nhóm thực phẩm này giúp chống lại virus hiệu quả.
+ Đồ ăn có tính mát: Bí xanh, bầu, mồng tơi, rau đay, mướp… Nấu canh từ những loại thực phẩm này giúp thanh nhiệt, giảm sự cọ sát lên niêm mạc họng.
+ Nên ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo súp…
+ Uống nhiều nước ấm nước ép hoa quả: Nước cung cấp độ ẩm, giảm khô rát và khó chịu cho họng.
– Hạn chế dùng các thực phẩm:
+ Đồ ăn có tính cay nóng, đồ ăn chiên nướng: ớt, hạt tiêu, thịt nướng…
+ Đồ ăn khô cứng: bánh mì, bánh quy, ngũ cốc khô…
+ Thức ăn, nước uống lạnh đá: kem, nước đá…
+ Các loại hạt: Hướng dương, hạt bí, hạt dưa…
+ Rượu, chất kích thích, nước có ga.