Viêm gân gót chân sau vận động thể thao bị chấn thương

Viêm gân gót chân hay còn gọi Viêm gân Achilles là hiện tượng đau nhức ở gót chân xảy ra do gân Achilles bị tổn thương do phải làm việc quá sức.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm gân gót chân
1. Đại cương
– Gân gót hay còn gọi là gân Achilles là gân của cơ tam đầu cẳng chân, bám vào mặt sau trên của xương gót, đây là gân lớn nhất và mạnh nhất trong cơ thể. Nó nối liền cơ vùng cẳng chân vào xương gót và được sử dụng khi chúng ta đi lại, chạy, leo cầu thang, nhảy và đứng trên các ngón chân.
– Viêm gân gót chân là bệnh lý do thoái hóa các sợi của gân gót ngay tại nơi bám của nó vào xương gót. Bệnh lý này có thể kết hợp với viêm túi hoạt dịch sau xương gót hoặc viêm bao gân gót.
– Bệnh thường xảy ra ở những người hoạt động thể chất liên tục với cường độ cao: vận động viên điền kinh, bóng rổ hoặc quần vợt… Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp ở những người chạy bộ đột ngột tăng cường độ và thời gian chạy.
2. Nguyên nhân
– Áp lực lặp đi lặp lại vào gân: Đi lại, chạy nhảy quá nhiều, chạy tăng tốc độ, mang vác vật nặng, đi trên đường không bằng phẳng… gây tổn thương đứt rách các sợi gân nơi bám vào xương gót.
– Đột ngột tăng mức độ hoặc cường độ luyện tập: tăng khoảng cách chạy mỗi ngày vài Km mà không để cơ thể có thời gian thích nghi.
– Cơ bụng chân căng: những người có cơ bụng chân căng chặt kết hợp với luyện tập cường độ mạnh đột ngột có thể gây áp lực lên gân Achilles.
– Gai xương: chồi xương mọc tại điểm bám gân vào xương gót có thể cọ xát vào gân và gây đau.
3. Triệu chứng
– Đau dọc theo gân phía sau gót chân.
– Đau tăng về sáng hoặc khi bước đi, nhất là các động tác kéo căng gân gót như kiễng chân.
– Nhìn gân gót đôi khi thấy sưng đỏ. Nắn bóp hoặc gõ lên gân gót đau tăng.
– Có thể thấy phì đại phía sau xương gót (biến dạng kiểu Haglund).
4. Điều trị
– Nghỉ ngơi: hạn chế hoặc ngưng hẳn các hoạt động có thể làm cho gót chân bị đau thêm.
– Thuốc kháng viêm không steroid. Có thể sử dụng các miếng dán nitroglycerin để làm tăng tưới máu cho vùng gót.
– Tiêm corticoid tại chỗ
– Phẫu thuật; Thường được chỉ định khi việc điều trị nội khoa ít nhất 6 tháng mà không có kết quả
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm gân gót chân
– Thuốc kháng viêm không steroid chỉ giúp bớt đau chứ không có tác dụng làm mất đi các tổn thương do thoái hóa như rách gân gót, gai xương gót gây chèn ép gân gót, biến dạng xương gót, mặt khác thuốc có thể gây đau dạ dày…
– Tiêm corticoid tại chỗ: thường không được chỉ định vì làm chết gân, dễ đưa đến biến chứng đứt gân gót.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm gân gót chân
1. Đại cương
Các triệu chứng của Viêm gân gót chân được mô tả trong chứng Tý của Y học cổ truyền. Tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông, dùng để diễn tả biểu hiện đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở da thịt, khớp xương và diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.
2. Nguyên nhân
– Can thận hư: gân do can huyết sinh ra và nuôi dưỡng (Can sinh cân), khi can huyết không đầy đủ thì gân sẽ bị suy yếu, khô, kém đàn hồi và dễ bị tổn thương do ngoại tà.
– Sang chấn: chấn thương vùng bàn chân làm cho khí huyết lưu thông kém, khí trệ huyết ứ tại đó mà gây đau
3. Triệu chứng
– Thể Can thận hư: đau âm ỉ phía sau gót chân, không sưng nóng đỏ, đi lại đau tăng, day ấn dễ chịu, kèm theo đau mỏi lưng gối, ù tai, hay quên, ngủ ít, mạch trầm tế.
– Thể Khí trệ, huyết ứ: Đau buốt hoặc đau như dùi đâm phía sau gót chân, đi lại hoặc đứng bằng mũi chân khó và đau, ấn vào đau tăng nhiều, có thể sưng nhẹ, sắc mặt xanh tối, chất lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch sáp.
4. Điều trị
– Thể Can thận hư: Bổ can thận, thông kinh lạc
– Thể Khí trệ, huyết ứ: Hành khí hoạt huyết hóa ứ, tiêu viêm chỉ thống.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm gân gót chân
– Thuốc Đông y thường hiệu quả chậm hơn, thời gian điều trị dài vì vậy nên kết hợp sử dụng các biện pháp Vật lý trị liệu, Chườm ấm.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Viêm gân gót chân
– Nghỉ ngơi và tập các bài tập theo hướng dẫn.
– Chườm ấm: Xông thuốc, chườm ngải cứu, cứu ngải vùng gót chân.
– Thuốc Đông y: Lộc giác giao hoàn, Huyết phủ trục ứ thang, Đan sâm ngưu tất thang gia giảm…
– Thuốc Nam:
+ Xương rồng gai một đoạn, loại bỏ hết gai, dùng dao tách làm hai mảnh, đắp trùm lên chỗ đau ở gót chân, dùng vải băng buộc chặt, cố định trong 12 giờ trở lên, ngày hôm sau thay miếng xương rồng khác, làm liên tục như vậy trong 7 ngày.
+ Rễ cây đỗ tương (phần dưới mặt đất) 500g, sắc kỹ rồi ngâm chân hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ trong 40 – 60 phút.
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động nhẹ nhàng cùng cẳng chân, gót chân
– Vật lý trị liệu: Điện xung, điện phân, siêu âm, hồng ngoại, sóng xung kích…
– Thuốc Tây y: mobic, prednisolon
VI. Cách phòng chống Viêm gân gót chân hiệu quả
– Khởi dộng kỹ trước khi tham gia các hoạt động thể thao. Trong quá trình tập luyện, nên bắt đầu bài tập với cường độ nhẹ, tăng dần cường độ và thời gian tập. Nếu tập luyện gây cảm giác đau, nên dừng lại và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
– Chọn giày phù hợp: nên chọn những đôi giày vừa chân có miếng đệm lót chân, giúp giảm tác động căng thẳng lên gót chân. Đồng thời nên hạn chế mang giày cao gót vì đây chính là nguyên nhân phổ biến gây viêm gân gót chân.
– Kéo căng cơ bắp: Bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để kéo căng cơ bắp và gân chân vào mỗi buổi sáng trước khi tập thể dục. Cách làm này sẽ giúp tránh tái phát viêm gân gót chân. Bên cạnh đó, giúp tăng cường sức khỏe cho gân và cơ bắp, hạn chế tình trạng viêm.
VII. Lời khuyên.
– Viêm gân gót chân tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu không điều trị có thể gây ảnh hưởng đến khả năng đi lại. Vì vậy, khi thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng.