Triệu chứng Sỏi thận: Cách điều trị bằng y học cổ truyền

Sỏi thận; triệu chứng và cách chữa dân gian
Sỏi thận; triệu chứng và cách chữa dân gian

Triệu chứng Sỏi thận và phương pháp điều trị

Đau vùng mạng sườn thắt lưng là một triệu chứng hay gặp, nhưng ít người nghĩ đến nguyên nhân do Sỏi thận. Hiện nay, do thói quen ngồi nhiều, ngại uống nước, bổ sung nhiều canxi… nên bệnh lý Sỏi thận ngày càng phổ biến.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Sỏi thận

1. Đại cương

– Sỏi thận là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi ở trong thận.
– Sỏi thận hình thành theo 3 giai đoạn: tạo nhân, dính các phân tử vào thượng bì đường niệu và lắng đọng, to dần thành sỏi.
– Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau. Nước từ mạch máu ngấm qua tế bào thận, bài tiết nước tiểu qua ống thận vào lòng thận, theo niệu quản xuống bàng quang và thoát ra ngoài.
– Theo thành phần hóa học: sỏi có calci và sỏi không có calci. Có 5 loại sỏi thường gặp: 
   + Sỏi calci: chiếm 60 – 80% các loại sỏi, sỏi calci rất cản quang.
   + Sỏi phosphat: chiếm 5 – 15% các loại sỏi, sỏi phosphat cản quang.
   + Sỏi acid uric: chiếm 10 – 20%, không cản quang.
   + Sỏi xystin: chiếm 1 – 2%, ít cản quang.
   + Sỏi carbonat: ít cản quang.

2. Nguyên nhân

– Sỏi thận sinh ra do sự kết dính của các muối và khoáng chất trong nước tiểu tạo thành.
– Những người có nguy cơ mắc bệnh:
   + Thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi.
   + Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, hay phơi nắng, người thừa cân béo phì, nghiện rượu…
   + Bệnh nhân phải bất động lâu ngày: chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương…
   + Bệnh cường tuyến phó giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh
   + Người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền).
– Nguy cơ mắc bệnh liên quan đến yếu tố nghề nghiệp:
   + Người lao động làm việc trong môi trường lao động nóng, ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận.
   + Công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc qui… và tiếp xúc với một số chất độc hại…

3. Triệu chứng sỏi thận

Đau vùng mạng sườn thắt lưng
+ Đau cấp tính: “cơn đau quặn thận”, đột nhiên đau dữ dội vùng thắt lưng sau lao động hoặc vận động mạnh, đau từng cơn đau lan xuống vùng bẹn sinh dục, không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.
+ Đau mạn tính: luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), đau tăng khi vận động.
– Đái ra máu: sau lao động vận động, xuất hiện đau và đái máu toàn bãi, nước tiểu có màu hồng như màu nước rửa thịt, không có máu cục.
– Có thể đái ra sỏi, đái đục (Đái ra mủ).
– Khi có nhiễm khuẩn niệu: đái buốt, đái rắt. Sốt. Nhức đầu, nôn và buồn nôn. Huyết áp tăng….

4. Điều trị

Tùy theo vị trí, kích thước và tính chất của sỏi mà lựa chọn các biện pháp điều trị khác nhau:
– Điều trị nội khoa: Thường áp dụng điều trị cơn đau do sỏi, các trường hợp sỏi nhỏ (sử dụng thuốc làm tan sỏi hay tống sỏi ra ngoài…).
– Tán sỏi ngoài cơ thể: sóng siêu âm, sóng sốc thủy điện hoặc tia LASER y học…
– Phẫu thuật lấy sỏi ra khỏi cơ thể.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Sỏi thận

– Một số thuốc Tây y thường có tác dụng không mong muốn nhất định, dễ tái phát.
– Dụng cụ, máy tán sỏi qua da bắn bằng siêu âm để làm tan sỏi cho kết quả điều trị tốt, tuy nhiên chi phí cao và không phải ở nơi nào cũng áp dụng được.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Sỏi thận

1. Đại cương

– Trong y học cổ truyền, triệu chứng sỏi thận, sỏi tiết niệu được gọi là chứng “sa lâm” là các sỏi nhỏ, “thạch lâm” là các sỏi lớn, gồm các triệu chứng chủ yếu như đau lưng, tiểu tiện khó, tiểu ra máu v.v…

2. Nguyên nhân

– Thấp nhiệt hạ tiêu: thấp tà, nhiệt tà xâm phạm hạ tiêu, nhiệt kết bàng quang làm hư hao thủy dịch, cặn lắng kết lại sinh sỏi, nhỏ gọi là sa, to gọi là thạch. Sa và thạch làm trở ngại đến việc bài tiết nước tiểu, gây tiểu tiện khó, ứ lại gây đau. Thấp nhiệt còn gây sốt, huyết ứ trệ gây chảy máu
– Nằm lâu bất động, khí huyết ứ trệ, thủy dịch kém được lưu thông, cặn có điều kiện kết lắng mà thành sỏi.

3. Triệu chứng sỏi thận

Dựa vào chứng trạng triệu chứng sỏi thận, đông y chia thành các thể bệnh khác nhau:

– Thể thấp nhiệt hạ tiêu (tương ứng với sỏi tiết niệu có viêm nhiễm kèm theo): bụng và eo lưng đau dữ dội lan xuống đùi và bộ phận sinh dục ngoài. Tiểu buốt, tiểu dắt, mót tiểu, cảm giác nước tiểu xuống không hết, có thể tiểu ra máu, tiểu ra sỏi. Gai sốt hoặc ớn lạnh. Miệng khô khát. Lưỡi đỏ, rêu vàng. Mạch huyền sác hoặc hoạt sác.
– Thể ứ trệ (tương ứng với trường hợp sỏi gây sung huyết, chảy máu nhiều): đau lưng liên miên, hạ vị đầy trướng đau, tiểu tiện khó không dứt, tiểu ra máu, chất lưỡi đỏ có điểm ứ huyết, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền sác
– Thể tỳ thận khí hư: sỏi tiết niệu không có cơn đau, không tiểu buốt tiểu dắt, tiểu tiện không nhiều, đỏ, sáp. Khi gặp thời tiết thay đổi, vận động mệt mỏi thì bệnh thường tái phát; trong nước tiểu thấy có sạn sỏi (sa thạch) đi theo, lưng gối đau mỏi, mệt mỏi vô lực, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược.

4. Điều trị sỏi thận

– Thấp nhiệt hạ tiêu: Thanh nhiệt lợi thấp, bài thạch.
– Thể ứ trệ: lý khí hành trệ, hoạt huyết thông tiểu.
– Thể tỳ thận khí hư: kiện tỳ, bổ thận, lợi niệu.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Sỏi thận

– Đông y điều trị tốt nhiều trường hợp sỏi thận, sỏi tiết niệu, làm cho sỏi nhỏ lại tự tiêu hoặc tiểu tiện ra ngoài, tuy nhiên thuốc thường tác dụng chậm, thời gian điều trị lâu dài đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Trong trường hợp cấp có cơn đau quặn thận, sỏi gây ứ nước ứ mủ ở thận, nên xử trí bằng các phương pháp của Tây y trước sau đó sử dụng các bài thuốc Đông y để tránh tái phát.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Sỏi thận

– Thuốc Đông y: tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Đạo xích tán, Tứ vật đào hồng, Lợi niệu bài thạch thang gia giảm…
– Thuốc Nam:
   + Kim tiền thảo 30g, hạt mã đề (hoặc cây mã đề), dừa nước, kim ngân hoa mỗi thứ 15g. Sắc uống ngày 2 lần.
   + Kim tiền thảo 25g, cây râu mèo, quả cây cối xay, rễ cây mỏ quạ, hoạt thạch, mỗi thứ 15g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 2 lần.
– Kinh nghiệm dân gian:
   + Một quả dứa, khoét 1 lỗ và cho vào đó 0,3g phèn chua. Ninh quả dứa trong 3 giờ, sau đó ăn cả miếng và nước. Dùng liên tục mỗi ngày một quả trong vòng 7 ngày liền.
   + Nướng quả dứa trên lửa cho cháy vỏ ngoài rồi ép lấy nước trộn với 1 quả trứng gà đánh nhuyễn, uống 1 lần. Uống liền 3 ngày và 2 lần/1 ngày.
   + Kim tiền thảo, hạt chuối hột, râu ngô hoặc mã đề… sắc uống hằng ngày thay nước.
– Châm cứu: Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Thận du, Bàng quang du, Túc tam lý

VI. Cách phòng chống Sỏi thận hiệu quả

– Uống nhiều nước để tiểu nhiều (khoảng 2 – 2,5 lít nước).
– Tránh nhịn tiểu khi buồn đi tiểu.
– Điều trị các bệnh lý: nhiễm trùng đường tiết niệu, u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo…
– Không sử dụng quá nhiều các loại vitamin C, D.
– Chế độ ăn vừa phải chất canxi, giảm ăn muối, chất đạm và các thực phẩm chứa nhiều oxalate như, củ cải đường, đậu bắp, rau bina, khoai tây ngọt, trà, sôcôla và các sản phẩm đậu nành…
– Tăng cường vận động, giảm béo phì…
– Người lao động trong điều kiện nóng phải bù đủ lượng nước đã mất qua mồ hôi, trung bình 20 phút nên nghỉ uống nước một lần (kể cả khi không cảm thấy khát) với tổng số khoảng 1 lít nước trong một giờ lao động. Nước uống nên để mát khoảng 10-15°C.
– Người làm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nên thường xuyên khám sức khỏe để kiểm tra phát hiện sớm bệnh sỏi thận.

VII. Lời khuyên

Khi có các triệu chứng sỏi thận như đau vùng mạng sườn thắt lưng, nước tiểu màu hồng… bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, ngoài ra nên sử dụng các bài thuốc đông y, các vị thuốc như kim tiền thảo, râu ngô mã đề… để tránh tái phát.

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ