Trĩ: Nguyên nhân, phòng bệnh và cách điều trị hiệu quả

Bệnh Trĩ là một bệnh rất phổ biến “thập nhân cửu trĩ”. Tuy bệnh Trĩ ít nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền phức trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng công việc và tâm sinh lý của người bệnh.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Bệnh Trĩ
1. Đại cương
– Trĩ là cấu trúc mạng mạch hoàn toàn bình thường mà ai cũng có để khép kín lòng ống hậu môn khi ta nín nhịn đại tiện và là ngã tư tuần hoàn của cơ thể.
– Khi có sự thay đổi của mạng mạch trĩ như chảy máu hoặc tắc mạch hay các yếu tố liên quan đến mạng mạch trĩ như sa lồi… thì búi trĩ từ sinh lý đã trở thành bệnh lý.
– Theo Bensaude A. “bệnh trĩ là một biểu hiện tổng hợp bệnh lý của bó mạch trĩ và những tổ chức quanh các mạch máu này, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra”.
– Phân loại: có nhiều cách phân loại trĩ:
+ Theo giải phẫu:
Trĩ nội: Chân búi trĩ ở trên đường lược, niêm mạc tuyến của trực tràng phủ búi trĩ.
Trĩ ngoại: Chân búi trĩ ở dưới đường lược, da ống hậu môn phủ búi trĩ.
Trĩ hỗn hợp: Có cả búi trĩ ở trên và dưới đường lược.
+ Theo vị trí: Người bệnh ở tư thế nằm ngửa (tư thế sản khoa), sự phân bố thông thường nhất của các búi trĩ là ở vị trí 3h, 8h, 11h.
– Phân loại theo mức độ: (Chỉ áp dụng cho trĩ nội)
+ Độ 1: Là trĩ ở giai đoạn khởi đầu, búi trĩ nổi lên ở trong ống hậu môn, khi đại tiện hoặc rặn thì búi trĩ cương to lên nhưng chưa lòi ra khỏi hậu môn, dễ chảy máu.
+ Độ 2: Các búi trĩ to thành búi rõ rệt, khi đại tiện hoặc rặn búi trĩ lòi ra khỏi lỗ hậu môn, khi thôi rặn tự co vào được – có chảy máu hậu môn.
+ Độ 3: Các búi trĩ khá lớn sa ra ngoài khi gắng sức hoặc rặn không tự co vào được phải đẩy lên. Có búi trĩ phụ, có chảy máu hậu môn, có thể thiếu máu.
+ Độ 4: Các búi trĩ lớn, ngoài các búi chính còn có búi trĩ phụ, sa thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn. Các búi trĩ liên kết tạo thành vòng trĩ. Có thể có chảy máu gây thiếu máu mãn tính.
2. Nguyên nhân
– Rối loạn tiêu hóa và lưu thông ruột: táo bón, ỉa chảy, lị mót rặn nhiều.
– Một số giai đoạn sinh lý: hành kinh, có thai, sau sinh đẻ.
– Sự suy yếu của tổ chức nâng đỡ (thoái hóa keo của dây chằng cơ nâng hậu môn).
– Chế độ ăn uống: ăn uống quá mức, lạm dụng các chất gia vị, uống rượu, cà phê nhiều.
– Thói quen ít vận động, đứng lâu ngồi nhiều: nhân viên văn phòng, thợ may, lái xe…
– Một số bệnh lý: lỵ, viêm đại tràng…
– Một số hình thức thể dục thể thao gây một gắng sức mạnh, mất cân bằng đột ngột của tuần hoàn tại chỗ vùng hậu môn trực tràng.
– Một số dị ứng tại chỗ: do dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc đặt ở hậu môn, thuốc chống cúm, giảm đau, thuốc ngủ…
3. Triệu chứng
– Đại tiện ra máu, màu thường đỏ tươi, chảy nhỏ giọt hoặc thành tia ở cuối bãi phân như “cắt tiết gà”, đôi khi chảy máu khi va chạm nhẹ (chùi giấy vệ sinh…).
– Đau rát, ngứa khó chịu ở hậu môn nhất là sau khi đại tiện xong.
– Sa búi trĩ ra ngoài ống hậu môn khi đại tiện, đi bộ hoặc ngồi xổm lâu, lúc đầu tự co lên về sau đẩy mới lên và cuối cùng là sa thường xuyên ra ngoài.
4. Điều trị
– Trĩ mà không có triệu chứng gì thì cần được tôn trọng kể cả khi kích thước có hơi lớn. Trĩ chỉ được điều trị khi nó gây ra trở ngại hay rối loạn cho người bệnh.
– Điều trị nội khoa bằng thuốc:
+ Thuốc có tác dụng điều hòa lưu thông ruột: Chống táo bón bằng thuốc nhuận tràng. Chống ỉa lỏng.
+ Thuốc đạn và mỡ: Đặt, bôi ở hậu môn có tác dụng che phủ bảo vệ niêm mạc ở búi trĩ và bôi trơn cho phân dễ đi qua.
+ Các thuốc làm tăng trương lực, bền vững thành mạch.
+ Các thuốc chống viêm.
+ Thể dục liệu pháp, đại tiện theo nề nếp nhất định, tránh ngồi lâu, ngâm rửa hậu môn nhất là sau đại tiện.
+ Bôi thuốc đông y.
– Điều trị bằng các thủ thuật: Có tới 80 – 90% bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp này.
+ Nong dãn hậu môn
+ Tiêm thuốc gây sơ hóa búi trĩ
+ Thắt búi trĩ bằng vòng cao su
+ Áp lạnh
+ Thắt búi trĩ bằng chỉ không cắt
– Điều trị phẫu thuật cắt đơn lẻ hoặc cắt toàn bộ vòng trĩ: Chiếm 10 – 20%. Chỉ định mổ được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Trĩ nội sa ra ngoài kèm theo đau ngứa, rát, khó chịu ở hậu môn.
+ Trĩ có biến chứng: chảy máu dai dẳng gây thiếu máu, yếu cơ thắt hậu môn, viêm, phù nề, nghẹt và hoại tử.
+ Trĩ kèm theo nứt, dò, viêm quanh hậu môn.
+ Trĩ kết hợp với sa niêm mạc trực tràng (trĩ vòng).
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Bệnh Trĩ
– Điều trị nội khoa chỉ áp dụng cho những búi trĩ nhỏ, chưa bị chảy máu nhiều, đang giai đoạn cấp tính gây đau đớn, viêm nhiễm.
– Phẫu thuật hay dùng thủ thuật có giá thành rất cao, ngoài ra có thể gặp những biến chứng sau phẫu thuật như: Nhiễm trùng, hẹp hậu môn, tác dụng phụ của thuốc tây… Mặt khác, sau đó vẫn cần kết hợp phục hồi chức năng hậu môn và điều trị ngăn chặn tái phát.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Bệnh Trĩ
1. Đại cương
– Bệnh trĩ có bệnh danh Trĩ sang, là một trong những chứng sa giáng của Y học cổ truyền
2. Nguyên nhân
– Do tỳ hư hạ hãm, do tỳ không kiện vận, khí cơ không thăng lên được mà xuống dưới khiến cho búi trĩ lòi ra ngoài, dân gian hay gọi là “lòi dom”, tỳ hư không thống nhiếp được huyết gây ra chứng chảy máu, búi trĩ làm chít hẹp hậu môn làm cho phân ra ngoài không dễ dàng nhất là khi bị táo bón nên gây cảm giác đau rát.
– Uống nhiều rượu bia và ăn thức ăn cay nóng khiến thấp nhiệt ứ trệ và sinh trĩ
– Tràng táo: táo nhiệt ở đại trường lâu ngày làm tổn thương âm tân dịch hư hao, huyết nhiệt, nhiệt bức huyết vong hành gây ra chảy máu.
– Khí hư khí trệ lâu ngày khiến đại tràng không thông, làm cho cơ nhục yếu và tổn thương giáng hạ mạch lạc sinh ra tình trạng huyết ứ ở trực tràng hậu môn. Nếu không cải thiện khí trệ và huyết ứ kịp thời, mạch lạc giãn ngày càng sa xuống khiến búi trĩ ứ huyết và chảy máu.
– Thấp nhiệt cũng có thể hình thành do thường xuyên ngồi lâu, lao động quá sức và phòng dục quá độ khiến huyết ứ và khí trệ dồn xuống trực tràng hậu môn.
3. Triệu chứng
– Thể huyết ứ (trĩ nội độ 1, 2): khi đại tiện có màu tươi kèm phân. Máu có thể không nhiều (thấm giấy vệ sinh hoặc tưới len cục phân từng giọt) hoặc nhiều như cắt tiết gà. Đau. Táo bón
– Thể thấp nhiệt (trĩ ngoại bội nhiễm): vùng hậu môn sưng đỏ, tiết dịch nhiều. Búi trĩ sưng đau, sa ra ngoài không đẩy lên được, có thể có các điểm hoại tử trên búi trĩ. Đại tiện táo, nước tiểu đỏ, bứt rứt, đứng ngồi không yên.
– Thể khí huyết hư (trĩ ở người già, trĩ lâu ngày gây thiếu máu): đại tiện ra máu lâu ngày, sắc mặt nhợt, hoa mắt, ù tai, người mệt mỏi, ngại nói, hay ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế.
4. Điều trị
– Thể huyết ứ: lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết, khứ ứ.
– Thể thấp nhiệt: thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết chỉ thống.
– Thể khí huyết hư: bổ khí huyết, thăng đề, chỉ huyết.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Bệnh Trĩ
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, phương pháp ngâm bôi trĩ bằng các bài thuốc hoặc lá cây… tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Bệnh Trĩ
– Tùy từng thể bệnh sử dụng các bài thuốc khác nhau như Hoạt huyết địa hoàng thang, Hòe hoa tán, Tứ vật đào hồng thang, Bổ trung ích khi thang gia giảm
– Thuốc ngâm trĩ (bột tam hoàng, bột tiêu viêm…) ngày ngâm hậu môn 02 gói chia 2 lần (mỗi lần ngâm 15 phút)
– Thuốc bôi trĩ: ngày bôi hậu môn 2 lần sau khi ngâm trĩ.
– Kinh nghiệm dân gian:
+ Lá diếp cá rửa sạch, giã nát với muối lấy bã đắp lên búi Trĩ ngày 2 lần. Hoặc đun diếp cá lên xông hậu môn, khi nước nguội lấy nước đó rửa hậu môn, sử dụng bã để đắp hậu môn. Có thể ăn sống Diếp cá hay xay sinh tố uống hàng ngày.
+ Lá thiên lý rửa sạch, giã cùng một chút muối, sau đó đổ thêm nước vào lọc lấy nước cốt. Sử dụng bông sát trùng thấm nước đắp lên búi ngày 2 lần.
– Châm cứu: Trường cường, Thứ liêu, Đại trường du, Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Tam âm giao, Thừa sơn, Hợp cốc…
VI. Cách phòng chống Bệnh Trĩ hiệu quả
– Tập thói quen đi đại tiện đều đặn hàng ngày.
– Uống nhiều nước (1.5 – 2 lít/ngày)
– Ăn nhiều chất xơ từ rau củ quả, nước ép, trái cây tươi.
– Hạn chế các chất kích thích như rượu, trà, cà phê…, các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu…
– Tập thể dục, dưỡng sinh và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
– Tránh đứng lâu ngồi nhiều.
– Tránh căng thẳng, strees hoặc thừa cân.