Viêm bàng quang: Tiểu buốt tiểu dắt, nước tiểu đục, có mùi hôi …

Viêm bàng quang là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng: tiểu buốt, tiểu dắt… Bệnh thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến viêm thận, suy thận mạn…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm bàng quang
1. Đại cương
– Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính tại bàng quang. Thường có biểu hiện tiểu buốt, tiểu dắt, có thể có tiểu máu, tiểu mủ ở cuối bãi. Xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu niệu và vi khuẩn niệu. Bệnh thường gặp ở nữ với tỷ lệ nữ/nam = 9/1.
– Viêm bàng quang cấp hay tái phát, viêm bàng quang mạn tính khi có viêm bàng quang cấp ≥ 4 lần trong năm, thường có biểu hiện đái són, nếu cấy nước tiểu cuối bãi sẽ không dương tính.
2. Nguyên nhân
– Do vi khuẩn: Escherichia coli (70 – 80%), tụ cầu, liên cầu khuẩn tan huyết, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ, nấm CandidasAbican…
– Nguyên nhân thuận lợi:
+ Phì đại lành tính hoặc u tuyến tiền liệt.
+ Sỏi, u bàng quang.
+ Hẹp niệu đạo, hẹp bao qui đầu.
+ Đái tháo đường.
+ Có thai.
+ Đặt sonde dẫn lưu bàng quang hoặc can thiệp bàng quang, niệu đạo…
3. Triệu chứng
– Tiểu buốt, tiểu dắt, có thể tiểu máu, tiểu mủ cuối bãi
+ Cảm giác buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ đi được một ít.
+ Cảm giác đau hoặc bỏng rát khi đi tiểu.
– Nước tiểu có thể đục, mùi hôi.
– Có thể có đau nhẹ vùng trên khớp mu khi bàng quang căng, khó chịu hoặc tức nặng vùng bụng dưới. –
– Thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ ( nhiệt độ < 38oC).
4. Điều trị
– Kháng sinh: Trimethoprim sulfamethoxazol, Cephalexin, Nitrofurantoin, Norfloxacin,
– Uống đủ nước, nước tiểu ít nhất > 1,5 lít/24h và không nhịn tiểu quá 6 giờ.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm bàng quang
– Thuốc Tây y có thể có một số tác dụng phụ như dị ứng, ảnh hưởng xấu đến chức năng gan thận… thuốc nhóm quinolon không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 15 tuổi, người có tiền sử co giật…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm bàng quang
1. Đại cương
– Viêm bàng quang thuộc chứng Ngũ lâm của Y học cổ truyền. Huyết lâm: đái máu, Thạch lâm: đái ra sỏi, Nhiệt lâm: đái dắt, đái buốt, Cao lâm: đái ra dưỡng chấp, Khí lâm: đái khó, bó đái.
2. Nguyên nhân
– Do thấp nhiệt xâm phạm vào cơ thể gây ra bệnh viêm bàng quang cấp, hoặc do âm hư huyết nhiệt, thấp nhiệt tiếp tục tồn tại gây ra bệnh mạn tính.
3. Triệu chứng
– Thể thấp nhiệt (Viêm bàng quang cấp tính): tiểu dắt, tiểu buốt, đau tức vùng hạ vị, có thể tiểu ra máu, sốt, lưỡi vàng, táo bón, mạch huyền sác
– Thể âm hư, thận âm hư kết hợp thấp nhiệt (Viêm bàng quang mạn tính): vùng hạ vị hơi tức, tiểu dắt, nước tiểu vàng, đau mỏi lưng, người mệt, chóng mặt, ù tai, rêu lưỡi mỏng hoặc hơi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.
4. Điều trị
– Thể thấp nhiệt: thanh nhiệt lợi thấp, thông lâm.
– Thể âm hư, thận âm hư kết hợp thấp nhiệt: dưỡng âm bổ thận, thanh nhiệt trừ thấpm thông lâm.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm bàng quang
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, vì vậy trong trường hợp Viêm bàng quang nặng nên kết hợp các biện pháp điều trị của Tây y để rút ngắn thời gian điều trị.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Viêm bàng quang
– Thuốc Đông y: Đạo xích tán, Bát chính tán, Bát vị tri bá gia giảm
– Bài thuốc dân gian:
+ Diếp cá tươi 60g, kim tiền thảo 30g, hạt mã đề 15g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, ngày uống 2 lần.
+ Râu ngô 100g, rau má, mã đề, ý dĩ, mỗi vị 50g, sài đất 40g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, ngày uống 2 lần.
+ Sài đất tươi 30g, bồ công anh 20g, mã đề 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc còn 250ml, ngày uống 2 lần.
– Châm cứu: các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Thận du, Khúc cốt, Tam âm giao, Thái khê…
– Thuốc Tây y: Acid nalidixic, Ciprofloxacin, Perfloxacin, Norfloxacin, Levofloxacin…
VI. Cách phòng chống Viêm bàng quang hiệu quả
– Uống đủ nước 1,5-2l/ngày.
– Không nhịn tiểu mỗi khi buồn tiểu.
– Đi tiểu ngay sau giao hợp. Động tác giao hợp làm niệu đạo bị kéo giãn và tiếp xúc với vi khuẩn ở âm đạo, gây tình trạng viêm niêm mạc làm niệu đạo dễ bị nhiễm trùng. Giao hợp gây tiết ra vi trùng của hệ sinh thái vi khuẩn bình thường có trong âm đạo, có thể gây bệnh cho niêm mạc niệu đạo.
– Tránh để ẩm và nóng: quần áo quá chật sẽ gây tăng nhiệt độ và độ ẩm tại chỗ thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng gây bệnh.
– Không vệ sinh tại chỗ thái quá: vệ sinh quá mức hoặc sử dụng các sản phẩm không phù hợp có thể gây ra những chấn thương cơ học và tổn thương hóa học cho niêm mạc bộ phận sinh dục. Các vi trùng có lợi của âm đạo và âm hộ rất dễ bị tiêu diệt, sẽ kích thích sự phát triển của loại vi khuẩn gây bệnh.
– Giữ vệ sinh khi thấy kinh nguyệt.
– Vệ sinh bộ phận sinh dục từ trước ra sau.
– Tránh táo bón.
– Không tự ý dùng thuốc.
– Điều trị cùng lúc cho cả vợ và chồng nếu bị bệnh lây qua đường tình dục.