Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Thắt Lưng: điều trị và cách phòng chống

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng đau lưng, có thể lan xuống mông đùi, cẳng chân, bàn chân một hoặc hai bên, thường xảy ra sau khi vận động sai tư thế như mang vác nặng, ngã… hoặc sau một thời gian dài đau âm ỉ thắt lưng…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
1. Đại cương:
Cột sống thắt lưng là vùng gánh chịu nhiều sức nặng của nửa trên cơ thể, đặc biệt là khi ngồi, thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc từ ngồi sang đứng và ngược lại. Chính vì vậy cột sống thắt lưng là một trong những vùng rất dễ bị thoái hóa, chấn thương, hoặc thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhày đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Bệnh thường gây đau nhức, khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, cần phát hiện sớm để điều trị bệnh kịp thời, làm chậm quá trình tiến triển và hạn chế biến chứng nặng có thể xảy ra.
2. Nguyên nhân:
Ở người trẻ tuổi thường do yếu tố sai tư thế khiến đĩa đệm cột sống bị đè ép quá nặng như động tác gập xoay cột sống, gập duỗi và nghiêng của cột sống hoặc do chấn thương vùng cột sống thắt lưng đột ngột như ngã ngồi, tai nạn…
Ở người trung niên và cao tuổi, nguyên nhân bệnh thường do cột sống bị thoái hóa.
3. Triệu chứng Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Thắt Lưng
Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có các biểu hiện như:
– Đau vùng CSTL và đau dọc theo đường đi của rễ và dây thần kinh tọa, có thể đau âm ỉ liên tục hoặc thành cơn, nghỉ ngơi giảm đau, khó đứng trên đầu ngón chân hoặc gót chân. Giai đoạn muộn có teo cơ, yếu cơ, hạn chế vận động, co cứng cơ cạnh sống.
– Có dấu hiệu điểm đau Valleix, bấm chuông, Lassegue.
– Phản xạ gân xương giảm hay mất do tổn thương rễ L4, phản xạ gân gót giảm trong tổn thương rễ S1
– Chụp MRI Cột sống thắt lưng thấy hình ảnh phồng, lồi, thoát vị đĩa đệm
4. Điều trị
YHHĐ thường điều trị bằng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, giãn cơ, vitamin nhóm B, corticoid …
II. Hạn chế y học hiện đại
Các thuốc điều trị trên có thể giảm triệu chứng bệnh khá nhanh nhưng cũng rất dễ gây tác dụng phụ như: loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa… Vì vậy, điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng thuốc đông y kết hợp vật lý trị liệu là một trong những phương pháp thường được người bệnh ưu tiên lựa chọn hiện nay
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
1. Đại cương
Trong YHCT thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng còn có thể gọi là Yêu thống (đau lưng), Yêu thống liên tất (đau lưng lan xuống dưới gối)… Bệnh thuộc phạm vi Chứng Tý.
2. Nguyên nhân
– Do Can Thận hư suy, cân cốt nuôi dưỡng không đầy đủ
– Tà khí phong, hàn, thấp xâm nhập vào cơ thể làm cho sự vận hành của khí huyết trở trệ
– Sang chấn làm khí huyết bị ứ trệ ảnh hưởng đến kinh mạch lạc mạch gây nên các triệu chứng bệnh
3. Triệu chứng
– Thể Phong hàn thấp: sau khi gặp mưa, gió, lạnh xuất hiện triệu chứng đau vùng thắt lưng, có thể lan xuống mông, mặt sau ngoài đùi, cẳng chân. Vận động đi lại khó. Cơ lưng căng cứng… Sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù
– Thể Khí trệ huyết ứ: sau khi vận động lưng sai tư thế, ngã, sau phẫu thuật hoặc gây tê vùng lưng xuất hiện các triệu chứng đau dữ dội vùng thắt lưng, có thể lan xuống mông, mặt sau ngoài đùi, cằng chân. Vận động hạn chế. Cơ lưng co cứng. Chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết.
– Thể Can thận hư: thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, đau mỏi âm ỉ vùng thắt lưng, có thể tê lan xuống mông, mặt sau ngoài đùi, cẳng chân, mất ngủ, ù tai, hay quên, tiểu tiện nhiều, mạch trầm tế.
4. Điều trị
– Do phong hàn thấp: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc (hành khí, hoạt huyết).
– Do khí trệ, huyết ứ: Hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ thống.
– Do Can thận hư:
+Bổ can thận trợ dương.
+Bổ thận tư âm.
IV. Hạn chế y học cổ truyền
– Thời gian điều trị bệnh lâu hơn, triệu chứng thuyên giảm từ từ
– Với các bệnh nhân điều trị bằng các biện pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm… người bệnh phải đi đến các cơ sở y tế điều trị hàng ngày. Đôi khi có những trường hợp hay vựng châm nên không thể châm cứu
V. Phương pháp điều trị kết hợp
– Điều trị thuốc đông y bằng các bài thuốc như Độc hoạt tang ký sinh, Hữu quy hoàn, Tả quy hoàn gia giảm có tác dụng khu phong, tán hán, trừ thấp, hành khí hoạt huyết, bổ can thận…
– Kết hợp vật lý trị liệu như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, thủy châm, hồng ngoại, xông thuốc, siêu âm, kéo giãn cột sống… có tác dụng làm giảm đau, lưu thông khí huyết, tăng cường tuần hoàn, giảm áp lực lên cột sống.
VI. Cách phòng chống hiệu quả
– Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý: hạn chế đứng lâu ngồi nhiều, nằm đệm cứng
– Tập đu xà, bơi lội. Hạn chế các môn thể thao như tennis, golf…
– Giảm cân, chống béo phì
– Đeo đai lưng…