Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đau mỏi cổ gáy, tê bì ngón tay

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gây đau nhức vùng cổ, vai, gáy, có thể tê lan xuống vai tay một hoặc hai bên…Tình trạng đau tê kéo dài có thể tăng nặng khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
1. Đại cương
– Cột sống cổ gồm 7 đốt sống được kí hiệu C1 – C7, uốn hình chữ C. Đốt sống cổ đầu tiên C1 ở ngay dưới xương sọ và đốt sống cổ cuối C7 tiếp giáp với các đốt sống ngực. Giữa hai đốt sống từ C2 trở xuống có các đĩa đệm.
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ xảy ra khi khối nhân nhầy thoát ra khỏi bao xơ và gây chèn ép lên rễ dây thần kinh hoặc tủy cổ có thể gây đau lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh đến cánh tay, bàn ngón tay thậm chí gây ra liệt.
2. Nguyên nhân
– Lão hóa: Khi tuổi cao, quá trình thoái hóa trong cơ thể diễn ra khiến các đĩa đệm bị bào mòn, mất nước, sụn khớp hư tổn, bao xơ vốn đã mòn yếu bị rách ra và nhân nhầy thoát ra ngoài.
– Chấn thương, tai nạn, lao động nặng hay bê vác vật nặng trên đầu có thể khiến bao xơ bị rách đột ngột, gây thoát vị đĩa đệm.
– Hoạt động sai tư thế: Ngồi làm việc ở một tư thế quá lâu, hay nằm ngủ gối cao đầu… gây ảnh hưởng đến cột sống và đĩa đệm.
– Bẩm sinh, di truyền: cơ địa cột sống yếu, dễ thoái hóa và thoát vị đĩa đệm.
– Béo phì: Thừa cân nặng làm cột sống phải gánh chịu trọng lực tương đối lớn dễ dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
3. Triệu chứng
Tùy vị trí, mức độ, giai đoạn thoát vị mà có các triệu chứng khác nhau:
– Đau nhức, tê bì cổ vai gáy, có thể lan lên vùng gáy hoặc vai tay
– Đau tăng khi gặp lạnh, khi vận động cột sống cổ hoặc giữ đầu cổ ở một tư thế lâu như ngồi làm việc, gõ máy tính… Giảm khi nghỉ ngơi, xoa bóp, chườm ấm.
– Cơ vùng cổ vai gáy co cứng. Ấn vào cột sống cổ và các cơ cạnh sống cổ có điểm đau tăng, đôi khi lan xuống vai tay hoặc lan lên gáy.
– Có thể hạn chế vận động cột sống cổ khi gấp, duỗi, nghiêng, xoay, đôi khi thấy lạo xạo khi quay cổ.
– Đôi khi gây đau đầu, chóng mặt mất thăng bằng, sử dụng vai tay nhanh mỏi, cánh tay và bàn ngón tay giảm cảm giác hoặc giảm khả năng vận động.
– Chụp cộng hưởng từ cột sống cổ cho thấy hình ảnh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.
4. Điều trị
– Thuốc giảm đau.
– Thuốc chống viêm steroid và không steroid.
– Thuốc giãn cơ.
– Vitamin nhóm B liều cao.
– Phẫu thuật: Chỉ áp dụng cho các trường hợp điều trị nội khoa tích cực kết hợp PHCN không có kết quả, có ép tủy ép rễ thần kinh hoặc trượt đốt sống.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
– Các loại thuốc này tuy có tác dụng giảm đau nhanh nhưng hiệu quả không dài, tái phát đau nhanh. Bên cạnh đó, thuốc Tây tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như gây đau dạ dày, độc cho gan thận…
– Phẫu thuật có thể giúp bệnh nhân hồi phục chức năng vận động vùng cổ nhưng sẽ rất đau đớn và tiềm ẩn biến chứng nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
1. Đại cương
– Các triệu chứng của Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thuộc phạm vi chứng Tý của YHCT.
– Tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông, dùng để diễn tả biểu hiện đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở da thịt, khớp xương và diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.
2. Nguyên nhân
– Ngoại nhân: Do phong hàn thấp xâm nhập, làm cho khí huyết vận hành trở trệ mà gây bệnh
– Nội nhân: Do chính khí hư (can thận khuy tổn) làm cho kinh lạc bị ứ trệ, khí huyết không lưu thông gây ra đau và hạn chế vận động.
– Bất nội ngoại nhân: Do chấn thương làm huyết ứ, khí huyết bị ứ trệ ảnh hưởng đến kinh mạch lạc mạch gây nên các triệu chứng bệnh.
3. Triệu chứng
– Thể Phong hàn thấp: sau khi gặp mưa, gió, lạnh xuất hiện triệu chứng đau nhức cổ vai gáy, có thể lan xuống vai, cánh tay, bàn tay một hoặc hai bên. Cơ vùng cổ gáy căng cứng, ấn đau, chườm ấm dễ chịu… Sợ gió sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
– Thể Khí trệ huyết ứ: sau khi vận động đầu sai tư thế hoặc ngã, xuất hiện các triệu chứng đau dữ dội vùng cổ gáy, có thể đau tê lan xuống vai, cánh tay, bàn tay. Vận động cột sống cổ hạn chế. Cơ vùng cổ vai gáy co cứng. Chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch sáp.
– Thể Can thận hư: thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, đau mỏi âm ỉ vùng cổ vai gáy, có thể tê lan xuống vai, cánh tay, bàn tay, kèm theo đau lưng mỏi gối, mất ngủ, ù tai, hay quên, tiểu tiện nhiều, mạch trầm tế.
4. Điều trị
– Thể phong hàn thấp: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc (hành khí, hoạt huyết).
– Thể khí trệ, huyết ứ: Hành khí hoạt huyết hóa ứ, chỉ thống.
– Thể Can thận hư: Bổ can thận, thông kinh hoạt lạc.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
– Thuốc Đông y làm các triệu chứng thuyên giảm chậm, thời gian điều trị kéo dài nên kết hợp điều trị bằng Châm cứu, Thủy châm, Xoa bóp… Tuy nhiên, khi điều trị bằng các phương pháp trên bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế điều trị hàng ngày hoặc nằm nội trú tại viện.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
– Thuốc Đông y: tùy từng thể bệnh có thể sử dụng bài thuốc: Ma hoàng quế chi thang, Tứ vật đào hồng gia giảm, Quyên tý thang gia giảm…
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cổ vai tay.
– Châm cứu: Phong trì, Kiên tỉnh, Đại trữ, Phong môn, Kiên ngung, Khúc trì, Thủ tam lý, Ngoại quan, Hợp cốc, Lạc chẩm…
– Thủy châm: Vitamin 3B, Mobic, Nucleo CMP…
– Chườm ấm: Xông thuốc, Chườm ngải cứu, chườm lá lốt, Cứu ngải vùng cổ vai tay
– Vật lý trị liệu: hồng ngoại, điện xung, điện phân, siêu âm, kéo giãn cột sống cổ…
– Thuốc Tây y: Mobic, myonal, Nivalin…
VI. Cách phòng chống Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hiệu quả
– Nếu phải ngồi lâu nên có thời gian nghỉ để tránh căng cứng các cơ. Bàn làm việc phù hợp với chiều cao, đúng tư thể.
– Không nên gối cao khi ngủ.
– Giữ ấm vùng cổ vai khi trời lạnh, không nên để điều hòa lạnh.
– Tránh các động tác đột ngột hoặc làm căng cơ cổ như xách vật nặng một bên tay, đeo túi xách một bên vai.
– Tập thể dục rèn luyện đề có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững chắc
VII. Lời khuyên.
– Khi có triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy, tê tay, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế các biến chứng do chèn ép rễ thần kinh và tủy sống.