Thoái Hóa Khớp Gối: nguyên nhân và cách điều trị, phòng chống hiệu quả

THOÁI HÓA KHỚP GỐI
THOÁI HÓA KHỚP GỐI

Khớp gối là khớp chịu rất nhiều trọng lực của cơ thể, đặc biệt là khi đi, đứng hoặc chuyển từ ngồi sang đứng. Vì vậy khớp gối rất dễ bị tổn thương hoặc thoái hóa.

I. Quan niệm Y học hiện đại về thoái hóa khớp gối

1. Đại cương:

Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hoá và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hóa, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hóa, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.

2. Nguyên nhân

Sự lão hóa là nguyên nhân chính của thoái hóa khớp gối nguyên phát. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi. Các yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hóa (mãn kinh, đái tháo đường…) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.
Một số nguyên nhân khác có thể gây thoái khóa khớp gối thứ phát, thường gặp ở mọi lứa tuổi:
– Chấn thương: gãy xương nội khớp, can lệch, tổn thương sụn chêm, vi chấn thương liên tiếp…
– Bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ta ngoài, khớp gối quay vào trong, khớp gối quá duỗi…
– Sau các tổn thương viêm khác tai khớp gối: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm cột sống dính khớp, gout, hemophilia…

3. Triệu chứng

Đau âm ỉ khớp gối. Đau tăng khi đi lại, lên xuống dốc, hoặc đứng lên ngồi xuống. Nghỉ ngơi đỡ đau.
Có tiếng lục cục trong gối khi cử động
Có thể có sưng, nóng, đỏ tại khớp. Ấn vào khớp gối có thể đau tăng
Hình ảnh chụp X.Q khớp gối thấy
• Hẹp khe khớp không đồng đều, không hoàn toàn
• Mọc gai xương ở phần tiếp giáp giữa xương và sụn
• Đặc xương dưới sụn

4. Điều trị

Thuốc điều trị triệu chứng: 
– Thuốc kháng viêm không steroid
– Thuốc giảm đau thông thường
– Corticoid nội khớp
Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm:
– Glucosamin Sulphat
– Diacerin
– Chondroitin sulphat
– Acid Hyaluronic nội khớp
Phẫu thuật được chỉ định ở các thể nặng tiến triển, có giảm nhiều chức năng vận động. Thường áp dụng ở những bệnh nhân trên 60 tuổi. Thay khớp gối một phần hay toàn bộ khớp.

II. Hạn chế y học hiện đại

– Hiện nay, chưa có thuốc điều trị thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng tùy theo từng mức độ, giai đoạn của bệnh
– Nhóm thuốc giảm đau cũng có nhiều tác dụng phụ như độc cho gan, thận: hủy hoại tế bào gan cấp khi dùng liều cao
– Nhóm thuốc chống viêm không steroid có nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: gây viêm loét dạ dày tá tràng…
– Tiêm Corticoid tại khớp chỉ có tác dụng giảm mạnh các triệu chứng trong vài tuần nhưng không có tác dụng lâu dài. Có thể làm tổn thương sụn khớp, teo cơ, phì đại tổ chức dưới da, teo tổ chức ở dưới da, nếu tiêm hàng tuần sẽ gây ra thoái hóa sụn khớp.

III. Quan niệm Y học cổ truyền về thoái hóa khớp gối

1. Đại cương:

Bệnh thoái hóa khớp gối còn được gọi là Hạc tất phong thuộc phạm vi chứng Tý của YHCT. Tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông. Tý được dùng mô tả các triệu chứng đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở cơ nhục, khớp xương.

2. Nguyên nhân

– Ngoại nhân: Khi cơ thể suy yếu thì tà khí Phong, Hàn, Thấp thừa cơ xâm nhập vào làm cho sự vận hành của khí huyết tắc lại, gây sưng, đau, tê ở khớp.
– Can, tạng thận hư suy khiến cho cân mạch, cốt tủy không được nuôi dưỡng đầy đủ gây đau nhức trong xương – khớp, cơ nhục.
– Sang chấn: các vi chấn thương ảnh hưởng đến xương, đến cân mạch. Các chấn thương đụng giập ảnh hưởng đến huyết mạch, cơ nhục, gây ứ huyết và gây đau

3. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Dựa vào nguyên nhân, triệu chứng, YHCT xếp chứng Hạc tất phong vào các thể bệnh:

– Thể phong hàn thấp: sau nhiễm mưa, gió lạnh, thời tiết chuyển mùa thấy gối đau nhức một hoặc hai bên, có thể có sưng nóng, vận động đi lại đau tăng và khó khăn, chườm ấm đỡ đau … sợ gió, sợ lạnh, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
– Thể can thận hư: người lớn tuổi hoặc mắc bệnh lâu ngày có biểu hiện một hoặc hai gối nhức mỏi âm ỉ, có thể có biến dạng khớp, teo cơ, đi đứng khó khăn, eo lưng đau mỏi, ù tai, ngủ kém, ăn uống kém, tiểu tiện nhiều, mạch trầm tế.
– Thể khí trệ huyết ứ: Một hoặc hai bên gối đột nhiên đau nhức dữ dội hoặc từ t tăng dần, vận động đi lại hoặc gấp duỗi gối đau và khó, ấn vào đau tăng

4. Điều trị thoái hóa khớp gối

– Do phong hàn thấp: Khu phong thán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc
– Do can thận hư: Bổ can thận, thông kinh hoạt lạc
– Do khí trệ huyết ứ: Hành khí hoạt huyết

IV. Hạn chế y học cổ truyền

Thời gian điều trị kéo dài
Khi điều trị bằng các phương pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm… Bệnh nhân phải đến điều trị nội trú hoặc đến cơ sở y tế hàng ngày

V. Phương pháp kết hợp điều trị

– Thuốc YHCT: : Độc hoạt ký sinh thang gia giảm, Khương hoạt thắng thấp thang gia giảm, Tứ vật đào hồng gia giảm
– Chườm ấm (khi không có sưng nóng đỏ): dùng ngải cứu rang muối đắp nóng tại chỗ
– Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động khớp gối: độc tỵ, tất nhãn, lương khâu, huyết hải, túc tam lý, dương lăng tuyền, ủy trung…
– Thủy châm: mobic
– Vật lý trị liệu: Siêu âm trị liệu, điện phân, điện xung
– Thuốc YHHĐ: Meloxicam 7,5 – 15mg/ngày. Voltaren Emugel bôi tại chỗ đau 2-3 lần/ ngày…

VI. Cách phòng chống hiệu quả thoái hóa khớp gối

– Giảm cân, chống béo phì, giúp cho khớp gối không phải chịu áp lực quá nặng
– Có chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý, bảo vệ khớp tránh quá tải. tránh đứng lâu, đi lại nhiều. Đạp xe: điều chỉnh yên xe sao cho khi duỗi gối hết mức, gối gập góc từ 0 – 15 độ. Bơi lội sẽ rất tốt cho khớp thoái hóa vì ít áp lực lên các khớp, duy trì độ mềm dẻo của cơ quanh khớp, giảm sưng đau khớp.
– Ăn chế độ ăn đủ dinh dưỡng, cân đối giữa đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Bổ sung thức ăn giàu canxi như trứng, sữa, tôm, cua, rau củ… Giảm tinh bột, giảm đường như mía, bánh kẹo, nước ngọt…
– Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài..).

VII. Lời khuyên về thoái hóa khớp gối

Khi có triệu chứng đau khớp gối nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra như biến dạng khớp, hạn chế vận động khớp gối
Giảm tải trọng trên khớp bằng các loại đai, nẹp, gậy, nạng hỗ trợ

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ