Thoái hóa cột sống thắt lưng: nguyên nhân và cách phòng.

Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp, gây đau mỏi âm ỉ vùng thắt lưng, bệnh không nguy hiểm nhưng gây tình trạng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Thoái hóa cột sống thắt lưng

1. Đại cương

– Đau thắt lưng là hội chứng thể hiện bằng hiện tượng đau ở vùng được giới hạn từ ngang đốt sống thắt lưng 1 (L1) đến nếp lằn mông; bao gồm da, tổ chức dưới da, cơ, xương và các bộ phận ở sâu.
– Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.

2. Nguyên nhân

– Thoái hóa cột sống thắt lưng là hậu quả của nhiều yếu tố: tuổi cao, nữ, nghề nghiệp lao động nặng, tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động…
– Do tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa cột sống.

3. Triệu chứng

– Đau âm ỉ vùng thắt lưng, thường khu trú không lan, hay tái phát, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, có thể đau liên tục và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
– Có thể cảm thấy cứng cột sống vào buổi sáng, gây hạn chế vận động các động tác của cột sống (cúi, ngửa, quay). Ngoài ra có trường hợp gây biến dạng cột sống do mọc các gai xương, do lệch trục khớp như gù, vẹo cột sống
– Khi cử động vùng thắt lưng có thể thấy tiếng lục khục.
– Một số trường hợp có đau rễ dây thần kinh do hẹp lỗ liên hợp hoặc thoát vị đĩa đệm kết hợp: đau tê lan xuống mông, đùi, cẳng chân…
– Không có triệu chứng toàn thân như sốt, thiếu máu, gầy sút cân…
– Chụp X quang thường quy cột sống thắt lưng thấy các dấu hiệu thoái hóa như hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn hoặc hình ảnh gai xương, mỏ xương…

4. Điều trị

– Nội khoa
  + Thuốc giảm đau
  + Thuốc chống viêm không steroid.
  + Thuốc chống thoái hóa sụn khớp.
  + Thuốc giãn cơ.
– Ngoại khoa : áp dụng trong các trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Thoái hóa cột sống thắt lưng

– Hiện nay, chưa có thuốc điều trị thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng tùy theo từng mức độ, giai đoạn của bệnh. Các loại thuốc Tây y giúp cắt nhanh các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ hoặc dễ tương tác với nhau khi dùng không đúng cách. Trong khi đó, bệnh nhân thường tự mua thuốc về uống, tăng giảm liều tùy ý hoặc ngừng thuốc ngay khi bệnh thuyên giảm. Vì vậy, dễ xảy ra tình trạng nhờn thuốc hoặc gặp tác dụng phụ.
  + Nhóm thuốc giảm đau cũng có nhiều tác dụng phụ như độc cho gan, thận: hủy hoại tế bào gan cấp khi dùng liều cao.
  + Nhóm thuốc chống viêm không steroid có nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: gây viêm loét dạ dày tá tràng…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Thoái hóa cột sống thắt lưng

1. Đại cương

– Đau thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng trong YHCT gọi là “Yêu thống”. Yêu là thắt lưng, thống là đau.“Yêu thống” tức là đau thắt lưng, là từ dùng để chỉ chứng trạng đau nhức, tê bì, hạn chế vận động vùng thắt lưng.

2. Nguyên nhân

– Do chính khí cơ thể bị hư, rối loạn chức năng của các tạng phủ: Thận tàng tinh, chủ cốt sinh tủy. Khi Thận khí tốt thì xương khớp rắn chắc linh hoạt, Thận khí kém không thể nhu dưỡng kinh mạch làm cho con người mệt mỏi, đau xương khớp, vận động kém. Cột sống thuộc thận, lưng là phủ của thận nên Thận khí yếu không nhu dưỡng được vùng thắt lưng gây đau mỏi.

3. Triệu chứng

– Đau âm ỉ vùng thắt lưng, đau tăng lên khi thay đổi thời tiết hoặc khi lao động nhiều, nghỉ ngơi đau giảm.
  + Nếu do thận dương hư có thêm các triệu chứng khác như: sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, lạnh vùng bụng dưới, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.
  + Nếu do thận âm hư có thêm các triệu chứng khác như: tâm phiền mất ngủ, miệng ráo, họng khô, sắc mặt đỏ, lòng bàn chân bàn tay nóng, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

4. Điều trị

– Thận dương hư: Ôn thận trợ dương.
– Thận âm hư: Tư bổ thận âm.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Thoái hóa cột sống thắt lưng

– Thuốc Đông y làm thuyên giảm chậm các triệu chứng bệnh, thời gian điều trị kéo dài, nên kết hợp điều trị với các phương pháp điều trị như Châm cứu, Thủy châm, Xoa bóp… Khi điều trị bằng các phương pháp trên, bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế điều trị hàng ngày hoặc năm nội trú tại viện, nên khá tốn thời gian và công sức.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Thoái hóa cột sống thắt lưng

– Thuốc Đông y: Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh gia giảm.
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống thắt lưng.
– Châm cứu: Các huyệt A thị. Thận du, Đại trường du, Mệnh môn, Chi thất, Ủy trung…
– Thủy châm: Vitamin 3B…
– Chườm nóng: Xông thuốc, Chườm ngải cứu…
– Vật lý trị liệu: Điện xung, Điện phân, Siêu âm, Hồng ngoại…
– Thuốc Tây y: Mobic, Myonal

VI. Cách phòng chống Thoái hóa cột sống thắt lưng hiệu quả

– Hạn chế các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động: Khi ngồi bàn làm việc liên tục 45 – 60 phút, nên nghỉ ngơi vận động thắt lưng nhẹ nhàng 5 – 10 phút.
– Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng đồ vật.
– Giảm cân, tránh béo phì bằng chế độ dinh dưỡng, thể dục thích hợp.
– Tập thể dục nâng cao sức khỏe: Bơi lội, thái cực quyền…
– Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hoặc ngoại khoa, ngăn ngừa các thoái hóa khớp thứ phát.
– Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng và dễ bị thoái hóa khớp để phát hiện và điều trị sớm.
– Thăm khám kiểm tra trẻ em, chữa sớm các bệnh còi xương, các tật về khớp gối (vòng kiềng, chân cong), bàn chân ngựa, loạn sản khớp háng, gù, vẹo cột sống.

VII. Lời khuyên.

– Khi có triệu chứng đau mỏi thắt lưng hông, nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế các biến chứng như biến dạng cột sống, chèn ép rễ thần kinh và tủy sống gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống (các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống).

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ