Thoái hóa cột sống cổ bệnh lý đau cổ gáy của dân văn phòng hay mắc

THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ
THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ

Thoái hóa cột sống cổ là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, hay gặp ở độ tuổi trung niên và người già, tuy nhiên có thể gặp sớm và nặng hơn ở những người lao động chân tay, đặc biệt liên quan đến mang vác, đội vật nặng trên đầu… Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây giảm chức năng thần kinh, giảm chất lượng sống của người bệnh.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Thoái hóa cột sống cổ

1. Đại cương

Cột sống cổ gồm 7 đốt sống được kí hiệu C1 – C7, uốn hình chữ C. Đốt sống cổ đầu tiên C1 ở ngay dưới xương sọ và đốt sống cổ cuối C7 tiếp giáp với các đốt sống ngực.
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi và/hoặc liên quan đến tư thế vận động. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa ở bất kỳ đoạn nào song đoạn C5-C6-C7 là thường gặp nhất

2. Nguyên nhân

Quá trình lão hóa của tổ chức sụn, tế bào và tổ chức khớp và quanh khớp (cơ cạnh cột sống, dây chằng, thần kinh…). − Tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.

3. Chẩn đoán

– Đau: Đau cổ gáy âm ỉ, đau tăng khi vận động cột sống cổ ở các tư thế (cúi, ngửa, nghiêng, quay) hoặc khi ho, hắt hơi, ngồi lâu…và giảm khi nghỉ ngơi. Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, có thể đau liên tục và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
– Tùy theo vị trí bị thoái hóa mà có thể đau tại vùng cổ gáy hoặc lan xuống vai tay, bệnh nhân có cảm giác nhức nhối, đau sâu trong cơ xương; có thể kèm cảm giác kiến bò, tê rần dọc cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay một hoặc hai bên.
– Có thể co cứng vùng cơ cạnh cột sống cổ, ấn cơ cạnh sống cổ đau, cảm thấy tiếng lục khục khi cử động cột sống, hạn chế vận động cột sống cổ…
– Có thể kèm theo hiện tượng chóng mặt, nhức đầu vùng chẩm, thái dương, trán và hai hố mắt thường xảy ra vào buổi sáng. Yếu cơ hoặc teo cơ tại vai, cánh tay bên tổn thương.
– Biểu hiện khác: dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc…
– Tùy theo vị trí và mức độ thoái hóa của cột sống cổ, các biểu hiện trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời.

4. Điều trị

– Nội khoa
+ Thuốc giảm đau
+ Thuốc chống viêm giảm đau không steroid.
+ Thuốc chống thoái hóa sụn khớp.
+ Thuốc giãn cơ.
– Ngoại khoa : Chỉ định áp dụng trong các trường hợp: có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống tiến triển nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc đã thất bại với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau 03 tháng.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Thoái hóa cột sống cổ

– Hiện nay, chưa có thuốc điều trị thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng tùy theo từng mức độ, giai đoạn của bệnh. Các loại thuốc Tây y giúp cắt nhanh các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ hoặc dễ tương tác với nhau khi dùng không đúng cách. Trong khi đó, bệnh nhân thường tự mua thuốc về uống, tăng giảm liều tùy ý hoặc ngừng thuốc ngay khi bệnh thuyên giảm. Vì vậy, dễ xảy ra tình trạng nhờn thuốc hoặc gặp tác dụng phụ.
– Nhóm thuốc giảm đau cũng có nhiều tác dụng phụ như độc cho gan, thận: huỷ hoại tế bào gan cấp khi dùng liều cao
– Nhóm thuốc chống viêm không steroid có nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: gây viêm loét dạ dày tá tràng…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Thoái hóa cột sống cổ

1. Đại cương

Thoái hóa cột sống cổ được mô tả trong phạm vi chứng Tý của YHCT. Tý đồng âm với bí, tức bế tắc lại không thông, dùng để diễn tả biểu hiện đau, tê, mỏi, nặng, sưng, nhức, buốt… ở da thịt, khớp xương và diễn tả tình trạng bệnh sinh là sự bế tắc không thông của kinh lạc, khí huyết.

2. Nguyên nhân

Do chính khí hư yếu, tà khí (phong hàn thấp), xâm phạm vào cơ thể, làm cho sự vận hành khí huyết không thông suốt, gây nên đau, cử động khó khăn… Ở người cao tuổi, chức năng của tạng can và thận bị suy giảm, cân cốt không được nuôi dưỡng đầy đủ mà gây nên bệnh.

3. Triệu chứng

Đau mỏi âm ỉ vùng cổ vai gáy đôi khi tê nhức lan xuống tay, đau tăng khi gặp mưa lạnh ẩm thấp, khi vận động cổ nhiều hoặc ngồi lâu một tư thế, chườm nóng hoặc xoa bóp đỡ đau… kèm theo các triệu chứng: lưng gối mỏi, ù tai, hay quên, tiểu tiện nhiều lần, mạch trầm tế.

4. Điều trị

Phác đồ điều trị: Bổ can thận, thông kinh hoạt lạc

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Thoái hóa cột sống cổ

– Các triệu chứng thuyên giảm chậm, thời gian điều trị kéo dài.
– Khi điều trị bằng các phương pháp Châm cứu, Thủy châm, Xoa bóp… Bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế điều trị hàng ngày hoặc năm nội trú tại viện, nên khá tốn thời gian.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Thoái hóa cột sống cổ

– Thuốc Đông y: Bài thuốc Quyên tý thang gia giảm.
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống cổ.
– Châm cứu: Các huyệt Phong trì, Kiên tỉnh, Đại trữ, Phong môn, Đốc du, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc
– Thủy châm: Vitamin 3B…
– Chườm nóng: Xông thuốc, Chườm ngải cứu
– Vật lý trị liệu: Điện xung, Điện phân, Siêu âm, Hồng ngoại…
– Thuốc Tây y: Mobic, Myonal…

VI. Cách phòng chống Thoái hóa cột sống cổ hiệu quả

– Hạn chế các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động: Khi ngồi bàn làm việc liên tục 45 – 60 phút, nên nghỉ ngơi vận động cổ nhẹ nhàng 5 – 10 phút. Ngồi cách màn hình vi tính 50 – 60cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10 – 20 độ.
– Khi ngủ: tránh gối cao, nằm lâu một tư thế. Không nằm sấp, bởi tư thế này sẽ khiến cho cổ bị gập xuống rất dễ gây nên chứng thoái hóa đốt sống cổ.
– Tránh các động tác đột ngột hoặc quá mạnh khi mang vác, đẩy, xách, nâng…
– Chống tình trạng béo phì bằng chế độ dinh dưỡng, thể dục thích hợp.
– Tăng cường thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D (Tôm, cua, trứng, sữa…). Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo (đồ chiên rán, phủ tạng động vật…)
– Tập thể dục: Bơi lội, thái cực quyền… tập các bài tập cột sống cổ.
– Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng và dễ bị Thoái hóa khớp để phát hiện và điều trị sớm.
– Kiểm tra sức khỏe 6 tháng / lần nhằm phát hiện sớm các trường hợp loãng xương, thiếu canxi…

VII. Lời khuyên.

Khi có triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy, nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhằm hạn chế các biến chứng do chèn ép rễ thần kinh và tủy sống gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống (các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống)

hellosuckhoe.net 

Chia Sẻ