Thiểu năng tuần hoàn não: Chóng mặt, giảm trí nhớ…

Ngày nay, với áp lực lớn từ công việc cùng với thói quen ăn uống sinh hoạt không lành mạnh đang khiến cho chứng bệnh Thiểu năng tuần hoàn não có xu hướng gia tăng do các nguyên nhân từ các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, nhiễm mỡ máu, thừa cân, béo phì….
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Thiểu năng tuần hoàn não
1. Đại cương
– Não là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, được tưới máu bởi hai nguồn động mạch chính là: hệ động mạch cảnh ở phía trước và hệ động mạch đốt sống thân nền ở phía sau.
– Ở người bình thường, lưu lượng máu tưới lên não là 55ml máu/100g não/phút, khi lưu lượng máu đến não quá thấp, dưới 20ml/100g não/phút thì gây ra hiện tượng thiếu máu não, gây bệnh thiểu năng tuần hoàn não.
– Thiểu năng tuần hoàn não là danh từ để chỉ trạng thái bệnh lý với nhiều biểu hiện khác nhau nhưng đều có chung một cơ chế sinh bệnh là thiếu máu nuôi não. Các biểu hiện bệnh thường lặp đi lặp lại mạn tính, do vậy nếu không được điều trị, não bộ bị thiếu máu trong thời gian dài có thể dẫn tới suy giảm chức năng của hệ thần kinh và ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường khác của cơ thể..
– Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là người lao động trí óc, nam bị nhiều hơn nữ.
2. Nguyên nhân
– Nguyên nhân chính là tăng huyết áp, vữa xơ động mạch.
– Nguyên nhân rối loạn tuần hoàn chung: huyết áp thấp, bệnh tim mạch, dị tật bẩm sinh động mạch (gấp khúc), viêm tắc mạch, chấn thương.
– Nguyên nhân ngoài động mạch đốt sống: mỏ gai xương, hư xương sụn đốt sống cổ, viêm khớp cột sống cổ, hẹp lỗ mỏm ngang, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
3. Triệu chứng
– Đau nhức đầu: âm ỉ, không cố định một chỗ mà có thể lan tỏa khắp đầu hoặc khu trú vùng chẩm gáy – trán. Đau tăng khi căng thẳng thần kinh; cảm giác nặng nề, u ám.
– Chóng mặt, hoa mắt: Khi thay đổi tư thế đột ngột có thể bị choáng, mặt mũi tối sầm, người loạng choạng, nhiều khi phải nằm hoặc ngồi nghỉ mới đỡ.
– Giảm trí nhớ, hay quên, giảm sự tập trung, khả năng sắp xếp lại theo trình tự giảm, nghe kém, ù tai.
– Ngủ kém, mất ngủ, khó đi vào giấc, ngủ không sâu và dễ tỉnh giấc.
– Dễ xúc động, dễ cáu gắt hoặc mệt mỏi khi xử lý công việc.
– Tê bì chân tay, cảm giác như có kiến bò, đôi khi còn nhức mỏi vùng vai gáy, chuột rút….
– Nếu thiếu máu não cấp tính ở mức độ nghiêm trọng (còn gọi là thiếu máu não cục bộ), người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như giảm thị lực đột ngột, khó nói, nói ngọng bất thường, ù tai không nghe rõ, cảm giác không tỉnh táo… Lúc này, cần được cấp cứu càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng tới tính mạng.
4. Điều trị
Một số thuốc thường dùng để điều trị Thiểu năng tuần hoàn não: Cinnarizin, Piracetam, Cerebrolysin, Ginkgo biloba, Saponin
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Thiểu năng tuần hoàn não
– Không tự ý sử dụng thuốc Tây y vì có thể gây các tác dụng không mong muốn như: Đau dạ dày, rối loạn tiêu hoá, ngủ gà, mệt mỏi, cảm giác bồn chồn, dễ bị kích động, nhức đầu, mất ngủ…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Thiểu năng tuần hoàn não
1. Đại cương
– Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh thiểu năng tuần hoàn não thuộc chứng Huyễn vựng, Đầu thống, Hư lao, Kiện vong…
– Huyễn là hoa mắt. Vựng là chóng mặt, chòng chành mọi vật xoay chuyển, nghiêng ngả, không yên, người như muốn ngã.
2. Nguyên nhân
– Lo lắng, cáu giận, buồn bực làm can khí uất kết, khí uất hóa hỏa, can dương thượng cang, can phong nội động nhiễu loạn thanh khiếu gây nên huyễn vựng.
– Ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ béo ngọt, uống rượu… làm rối loạn chức năng vận hóa thủy thấp của tỳ vị, thấp tụ thành đàm, đàm trọc ứ trệ bưng bít thanh dương gây nên huyễn vựng.
– Lao động quá sức, sinh hoạt tình dục quá độ, tuổi cao sức yếu, ít vận động… đều làm cho thận tinh hao hư, não tủy bất túc và gây nên bệnh.
– Bệnh lâu ngày làm khí huyết hao hư hoặc do rối loạn chức năng tỳ vị làm rối loạn nguồn hóa sinh huyết dịch gây nên khí huyết bất túc: khí hư làm thanh dương không thăng, huyết hư làm não không được nuôi dưỡng gây bệnh.
3. Triệu chứng
– Phong dương thượng nhiễu: hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đầu căng đau, khi mệt mỏi hoặc cáu giận làm bệnh nặng thêm, chân tay run, ngủ kém, hay mê, đau lưng mỏi gối, sắc mặt hồng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế sác.
– Can hỏa thăng bốc: chóng mặt, đau đầu, mắt đỏ, đắng miệng, đau tức ngực sườn, bứt rứt, dễ cáu giận, ngủ kém hay mê, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng bẩn, mạch huyền sác.
– Đàm trọc ứ trệ thanh khiếu: đầu nặng căng, nhìn đồ vật quay cuồng, tức ngực, buồn nôn, nôn ra nhiều đờm dãi, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch huyền hoạt.
– Khí huyết lưỡng hư: hoa mắt, chóng mặt, khi vận động bệnh nặng thêm, khi mệt mỏi bệnh lại phát sinh, sắc mặt trắng, tinh thần uể oải, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch tế nhược.
– Can thận âm hư: hoa mắt chóng mặt lâu ngày không khỏi, thị lực giảm, hai mắt khô sáp, bứt rứt, khô miệng, ù tai, tinh thần uể oải, đau lưng, mỏi gối, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền tế.
– Huyết ứ trệ khiếu: hoa mắt, chóng mặt, hay quên, hồi hộp, mất ngủ, tinh thần uể oải, tai ù, mặt môi ánh tím, chất lưỡi có ban điểm ứ huyết, mạch huyền sáp hoặc tế sáp.
4. Điều trị
– Phong dương thượng nhiễu: bình can tiềm dương, tư dưỡng can thận.
– Can hỏa thăng bốc: thanh can tả hỏa, thanh lợi thấp nhiệt.
– Đàm trọc ứ trệ thanh khiếu: táo thấp khứ đàm, kiện tỳ hòa vị.
– Khí huyết lưỡng hư: bổ ích khí huyết, kiện vận tỳ vị.
– Can thận âm hư: tư dưỡng can thận, dưỡng tâm trấn tinh.
– Huyết ứ trệ khiếu: khứ ứ sinh tân, thông khiếu hoạt lạc.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Thiểu năng tuần hoàn não
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Thiểu năng tuần hoàn não
– Thuốc sắc: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như: Thiên ma câu đằng ẩm, Long đởm tả can thang, Bán hạ bạch truật thiên ma thang, Quy tỳ thang, Tả quy hoàn, Thông khiếu hoạt huyết thang…
– Châm cứu: Tùy từng thể bệnh và thể trạng người bệnh có thể sử dụng phối hợp các huyệt sau: Thái xung, Hành gian, Huyền chung, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, Túc tam lý, Huyết hải, Lương khâu, Can du, Tâm du, Trung quản, Cưu vĩ, Tỳ du, Vị du, Phong trì, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc, Toản trúc, Tình minh, Thái dương, Bách hội, Đầu duy, Xuất cốc.
– Xoa bóp bấm huyệt toàn thân: sử dụng các động tác xát, xoa, lăn, chặt, vê, vờn, bấm, phân, hợp… có tác dụng tăng tuần hoàn, chuyển hóa dinh dưỡng và bài tiết, điều hoà quá trình bệnh lý, thư giãn cơ.
– Chườm ấm: chườm ngải cứu, xông hơi thuốc, bùn nóng… có tác dụng giãn mạch tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng.
– Thuốc Tây y: Cinnarizin, Piracetam, Cerebrolysin, Ginkgo biloba…
VI. Cách phòng chống Thiểu năng tuần hoàn não hiệu quả
– Chế độ ăn uống hợp lý:
+ Tăng cường rau, củ, quả, cá…
+ Hạn chế ăn nhiều thịt, mỡ động vật, phủ tạng động vật, đồ béo ngọt, thức ăn mặn,,,.
– Nên hạn chế tối đa uống rượu, bia.
– Nên bỏ thuốc lá, thuốc lào.
– Tập thể dục đều đặn nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân…
– Khi đã được xác định bị thiểu năng tuần hoàn não, cần tuân theo hướng dẫn của y bác sĩ, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc.
– Không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về và mùa lạnh, nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa.
– Mỗi khi thức dậy, nhất là lúc nửa đêm gần sáng hoặc mùa đông, cần nằm tĩnh dưỡng một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột, khiến mạch máu co lại đột ngột làm não thiếu máu đột xuất sẽ rất dễ gây tai biến mạch máu não.
VII. Lời khuyên.
– Khi thường xuyên có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
– Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc tăng giảm liều dùng khi chưa được chỉ định. Theo dõi phát hiện những tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra trong quá trình sử dụng, kịp thời báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
– Nên duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ để được kiểm soát huyết áp, mỡ máu, thoái hóa cột sống cổ… Đồng thời, áp dụng chế độ ăn, uống hợp lý, không nên lạm dụng rượu, bia… Cần vận động cơ thể thường xuyên tùy theo điều kiện và sức khỏe của mình để khí huyết lưu thông tốt hơn.