Tay chân miệng: nguyên nhân triệu chứng và cách phòng

tay chân miệng
tay chân miệng

Mùa hè là thời điểm bệnh tay – chân – miệng gia tăng, bệnh dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra với những triệu chứng điển hình như ban đỏ mọng nước ở trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân…

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Bệnh tay chân miệng

1. Đại cương

– Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ gây thành dịch, lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hoá do virus đường ruột gây ra. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
– Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
– Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
– Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương, có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 – 12 hàng năm.
– Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

2. Nguyên nhân

– Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là các virus đường ruột. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là coxsackie A16 và EV71. Trong đó các trường hợp biến chứng nặng có thể gây tử vong thường do EV71.
– Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nhưng cũng có thể lây khi tiếp xúc với chất tiết ở miệng, dịch bọng nước, chất tiết đường hô hấp.

3. Triệu chứng

– Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
– Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
– Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt nhẹ.
+ Nôn.
+ Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
+ Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
– Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
– Các thể lâm sàng:
+ Thể tối cấp: Bệnh diễn tiến rất nhanh có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ.
+ Thể cấp tính với bốn giai đoạn điển hình như trên.
+ Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.

4. Điều trị

Đây là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
– Độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.
+ Hạ sốt: Khi trẻ sốt cao từ 38.50C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ sốt paracetamol.
+ Vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích.
+ Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit), nước trái cây (nước cam, nước chanh, nước dừa…).
+ Bổ sung vitamin C, kẽm…
+ Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee…) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
– Độ 2a: điều trị nội trú tại viện.
– Độ 2b: Điều trị tại phòng cấp cứu hoặc hồi sức.
– Độ 3: Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực..
– Độ 4: Điều trị nội trú tại các đơn vị hồi sức tích cực

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Bệnh tay chân miệng

– Không lạm dụng thuốc hạ sốt Paracetamol, nên dùng cách 4-6h nhằm hạn chế tác dụng phụ của thuốc: suy giảm chức năng gan, thận…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Bệnh tay chân miệng

1. Đại cương

Trong Y học cổ truyền xưa, không thấy đề cập đến căn bệnh có tên “thủ – túc – khẩu” (tay – chân – miệng). Tuy nhiên, căn cứ vào những triệu chứng biểu hiện và tình trạng lây lan nhanh thành dịch, hiện nay Y học cổ truyền đã xếp bệnh “tay – chân – miệng” vào phạm trù của “Ôn bệnh học”.

2. Nguyên nhân

Do thấp độc tấn công vào phần da, thấp tà và nhiệt tà tích đọng, nhiệt tích ở các tạng tâm, tỳ gây bệnh.

3. Triệu chứng

– Thể thấp độc tập phu: miệng và chân tay xuất hiện những phỏng nước kích thước to nhỏ khác nhau. Bộ phận các phỏng nước nhanh chóng vỡ ra thành vết loét. Kèm theo sốt nhẹ, kém ăn, chất lưỡi đỏ nhạt, mạch phù sác…
– Thể thấp nhiệt uẩn kết: mặt, lưng hoặc chung quanh các móng ở ngón chân, ngón tay và gót chân, bàn chân, bàn tay xuất hiện nhiều nốt phỏng nước kích cỡ khác nhau, nốt nhỏ cỡ như hạt gạo, nốt to cỡ như hạt đậu; kèm theo miệng loét, hơi thở hôi, trướng bụng, kém ăn, phiền khát, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ hoặc tiểu đục, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng nhớt, mạch nhu sác.
– Thể tâm tỳ tích nhiệt: trong khoang miệng và vòm khẩu cái có nhiều mụn nước, da quanh mụn ửng đỏ, đầu các ngón chân, ngón tay cũng xuất hiện nhiều mụn nước hoặc vết loét; kèm theo miệng khô khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ; lưỡi ít rêu hoặc rêu lưỡi mỏng; mạch tế sác.

4. Điều trị

– Thể thấp độc tập phu: thanh nhiệt giải độc, hóa thấp hoạt huyết.
– Thể thấp nhiệt uẩn kết: thanh hóa thấp nhiệt, giải độc.
– Thể tâm tỳ tích nhiệt: thanh tả tâm tỳ, lợi niệu giải độc.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Bệnh tay chân miệng

– Thuốc Đông y tác dụng chậm, ở trẻ em diễn biến bệnh thường nhanh và phức tạp, vì vậy khi trẻ sốt cao hoặc tình trạng bệnh nặng nên sử dụng thuốc Tây y để điều trị nhằm hạ sốt, ngăn ngừa biến chứng của bệnh.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Bệnh tay chân miệng

– Nghỉ ngơi, bổ sung nước và vitamin: oresol, nước dừa, nước trái cây, nước rau củ quả, các loại sinh tố…
– Hạ sốt: paractamol 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ (ví dụ: bạn nặng 50kg, nên dùng 500 – 750mg / lần, tối đa 3000mg / ngày).
– Thuốc Đông y: Tùy từng giai đoạn bệnh có thể dùng các bài thuốc Đạo xích tán gia giảm, Tả hoàng thang gia giảm, Thanh ôn bại độc ẩm gia giảm
– Thuốc dùng ngoài:
+ Cam thảo 6g, sài hồ 10g, hoàng cầm 12g, hoàng bá 15g, xích thược 16g, sắc lấy nước, lau nhẹ nhàng vùng bị phỏng nước.
+ Lá và cành hoa lựu trắng lượng vừa đủ, sắc lấy nước, lau nhẹ nhàng vùng phỏng nước.

VI. Cách phòng chống Bệnh tay chân miệng hiệu quả

– Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
– Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
– Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, giặt các đồ dùng của bệnh nhân ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.
– Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
– Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.

VII. Lời khuyên.

– Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Có thể điều trị tay chân miệng tại nhà tuy nhiên cần theo dõi chặt và phát hiện các biến chứng của bệnh nếu có để xử lý kịp thời.
+ Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
+ Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu như: Sốt cao ≥ 390C. Thở nhanh, khó thở. Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều. Đi loạng choạng. Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Co giật, hôn mê.

hellosuckhoe.net

 

 

 

Chia Sẻ