Táo bón: Nỗi niềm của người già và phụ nữ sau sinh…

Táo bón
Táo bón

Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp ở mọi lứa tuổi. Phân cứng và khô, đi phải rặn, hoặc đại tiện ít hơn ba lần mỗi tuần được xem như là bị táo bón.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Táo bón

1. Đại cương

– Đường tiêu hóa của chúng ta trải dài từ miệng đến hậu môn. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thu ở ruột non là chính, tới đại tràng phần lớn nước được hấp thụ làm phân khô, đóng thành khuôn và tích chứa ở trực tràng. Khi lượng phân đủ nhiều sẽ kích thích niêm mạc trực tràng, gây nên phản xạ mót rặn dẫn đến hiện tượng tống phân ra ngoài.
– Bình thường số lần đại tiện từ 1- 2 lần trong một ngày, phân mềm đóng thành khuôn.
– Táo bón là tình trạng giảm số lần đi ngoài, đau và khó khăn khi đi ngoài, đi ngoài không trọn vẹn, phân nhỏ hoặc cứng.
– Táo bón theo tiêu chuẩn quốc tế ( Rome IV – 2016): có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau, đã xuất hiện trong 3 tháng và khởi phát ít nhất 6 tháng trước khi chẩn đoán:
+ Đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần.
+ Rặn, gắng sức tối thiểu ¼ số lần đại tiện.
+ Phân vón cục, lổn nhổn, cứng tối thiểu ¼ số lần đại tiện.
+ Cảm giác của tắc nghẽn hậu môn trực tràng.
+ Cảm giác đại tiện không hết phân.
+ Cần trợ giúp để đại tiện thuận lợi (móc tay, xịt nước, ép bụng…).

2. Nguyên nhân

– Do thói quen ăn uống không khoa học: ăn nhiều đạm, ít chất xơ, uống ít nước, ít vận động làm cho phân cứng, khó thải ra ngoài.
– Lười đi ngoài, nén hoặc nhịn việc đi ngoài, do thói quen đi đại tiện không đều.
– Mất ngủ, stress, căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá, uống quá nhiều trà và cà phê.
– Do uống thuốc tây: thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, thuốc chữa dạ dày, lạm dụng thuốc nhuận tràng…
– Các bệnh lý đại trực tràng, như: tắc ruột, hội chứng ruột kích thích, ung thư đại trực tràng, loạn sản thần kinh ruột …
– Bệnh lý thần kinh: bại não, đột quỵ, thoát vị màng não tủy, u dây sống, tật nứt dọc tủy sống bệnh Parkinson, bệnh tiểu đường…
– Bệnh nội tiết như: suy giáp trạng, đa xơ cứng, tăng hoặc giảm can xi máu…

3. Triệu chứng

– Đi ngoài ít hơn 3 lần/1tuần.
– Phân cứng chắc, to, són phân. Có thế thấy máu quanh phân hoặc trong giấy vệ sinh, rát hậu môn mối lần đi ngoài.
– Phải rặn mạnh khi đi ngoài, sau khi đi vẫn có cảm giác không hết.
– Chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn.
– Có thể đầy bụng, trướng bụng. Sờ hố chậu trái thấy khối phân.

4. Điều trị

– Thay đồi chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và tập thói quen đi đại tiện hàng ngày: thức ăn giàu chất xơ, bổ sung nước, tập thể dục …
– Thụt tháo phân: Poly ethylene glycol, Fleet, Dầu paraffin.
– Các thuốc điều trị táo bón:
+ Thuốc trị táo bón tạo khối (igol, metamucil),
+ Thuốc trị táo bón thẩm thấu (sorbitol, forlax, lactitol): chứa các muối vô cơ, đường. Khi uống vào, thuốc giữ nước trong lòng ruột giúp thải phân ra ngoài dễ dàng hơn.
+ Các thuốc làm mềm phân (docusat) giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm và dễ di chuyển hơn
+ Các thuốc bôi trơn (norgalax, microlax) dùng bơm hậu môn.
+ Thuốc nhuận tràng kích thích (bisacodyl, cascara), tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp các cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Táo bón

– Thuốc Tây y làm giảm nhanh triệu chứng, giúp đi ngoài dễ dàng, tuy nhiên không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng thuốc để tránh hiện tượng nhờn thuốc, tác dụng phụ của thuốc như: đau bụng, tiêu chảy, táo bón nặng hơn…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Táo bón

1. Đại cương

– Theo Y học cổ truyền, Táo bón thuộc chứng Bí kết, Tiện bí. Tức là tình trạng đại tiện bí kết không thông, người bệnh khi đi ngoài phải ngồi lâu hoặc muốn đi ngoài nhưng khi đi ngoài lại rất khó khăn..

2. Nguyên nhân

– Âm hư huyết nhiệt: địa tạng (bẩm tố) âm hư, huyết nhiệt hoặc hoặc uống rượu, ăn nhiều chất cay nóng gây tích nhiệt ở trường vị hoặc sau khi mắc bệnh cấp tính tân dịch giảm.
– Huyết hư: gặp ở người thiếu máu, sau khi đẻ mất máu… làm tân dịch kém không tư nhuận đại trường gây tiêu khó phân khô cứng.
– Khí hư: người già, người tổn thương lao lực, phụ nữ sau đẻ nhiều lần cơ nhục bị yếu gây khí hư, khí trệ chức năng truyền đạo của đại trường giảm sút gây táo kết.
– Khí trệ: người ngồi lâu không thay đổi tư thế hoặc viêm đại tràng mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa gây táo bón.
– Dương hư: bệnh nhân suy nhược nặng, người cao tuổi, lão suy, chân dương suy kém, hàn tà ngưng kết ở đại trường gây táo bón, tiện bí (hàn kết tiện bí lãnh bí.

3. Triệu chứng

– Thể Âm hư huyết nhiệt, tân dịch giảm: táo bón lâu ngày, thường xuyên họng khô, miệng khô, hay lở loét miệng, lưỡi đỏ ít rêu, người háo khát nước, hay cáu gắt, mạch tế.
– Thể Huyết hư: táo bón kéo dài, hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, da xanh niêm nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.
– Thể Khí hư: (Gặp ở người già, phụ nữ sau khi đẻ nhiều làm trương lực cơ giảm): cơ nhão, táo bón hay đầy bụng, chậm tiêu ăn kém, ợ hơi. Sắc mặt trắng, mệt mỏi tinh thần, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế.
– Thể Khí trệ: Đại tiện táo kéo dài, nhưng phân không quá khô kết, khi đi đại tiện phải cố sức rặn, sau khi đi đại tiện người mệt lả, thậm chí vã mồ hôi, khó thở.

4. Điều trị

– Táo bón do địa tạng âm hư huyết nhiệt hoặc sau khi mặc bệnh cấp tính gây tân dịch giảm: Lương huyết nhuận táo, dưỡng âm nhuận táo.
– Táo bón do thiếu máu (huyết hư): Dưỡng huyết nhuận táo .
– Táo bón do khí hư (gặp ở người già, phụ nữ sau đẻ ): Bổ khí nhuận tràng
– Táo bón do bệnh nghề nghiệp khí trệ do ngồi lâu không thay đổi tư thế hoặc viêm đại tràng mạn tính gây ra: kiện tỳ, hành khí, nhuận tràng (nhuận khí, hành trệ)

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Táo bón

– Một số vị thuốc Đông y có tác dụng mạnh, không nên tự ý điều trị, tăng giảm liều thất thường hoặc dùng cho người già yếu, phụ nữ sau sinh tránh hiện tượng mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón nặng hơn…

V. Phương pháp kết hợp điều trị Táo bón

– Bổ sung rau củ quả, tăng cường vitamin và chất xơ, uống nhiều nước..
– Tập thể dục, tạp thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
– Thuốc Đông y: tùy thể bệnh mà dùng các bài thuốc khác nhau như Ma tử nhân hoàn, Ngũ nhân hoàn, Tứ vật thang gia giảm, Bổ trung ích khí thang gia giảm…
– Thuốc Nam: mật ong, vừng đen, muồng trâu, lô hội
– Xoa bóp: xoa vùng bụng theo chiều kim đồng hồ và day ấn các huyệt vùng bụng như Khí hải, Thiên xu… để kích thích nhu động ruột.
– Châm cứu: Túc tam lý, Khí hải, Thiên xu, Tam âm giao, Huyết hải, Thần khuyết, Nội đình, Hợp cốc, Đại trường du, Phong long …
– Dưỡng sinh: tập các bài tập thở, tập thư giãn, các động tác dưỡng sinh như Chào mặt trời, Sư tử…
– Thụt tháo phân, thuốc: Sorbitol, Bisacodyl…

VI. Cách phòng chống Táo bón hiệu quả

– Đi vệ sinh hàng ngày đúng giờ.
– Ăn thực phẩm nhiều chất xơ: trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì…
– Hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo và đường như kem, pho mát, thực phẩm chế biến sẵn như pizza, gà rán…
– Uống nhiều chất lỏng: nước lọc, sinh tố, nước canh… Hạn chế uống cà phê, trà đặc…
– Tập thể dục ít nhất 30 phút / ngày: đi bộ, đạp xe hay bơi lội..

VII. Lời khuyên.

– Khi có các triệu chứng táo bón, bạn cần được thăm khám cẩn thận tại các cơ sở y tế để tìm nguyên nhân khác, từ đó đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, không nên tự ý sử dụng thuốc tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn, phụ thuộc vào thuốc…

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ