Tăng huyết áp điều trị phối hợp đông tây y hiệu quả với các vị thuốc dễ kiếm…

Tăng huyết áp
Tăng huyết áp

Bệnh Tăng huyết áp ngày càng gia tăng, diễn biến thầm lặng và đa số không có nguyên nhân. Bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể gây ra rất nhiều biến chứng, di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm, tuân thủ chế độ điều trị, kết hợp lối sống lành mạnh là điều cần thiết để hạn chế các biến chứng của bệnh.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Tăng huyết áp

1. Đại cương

– Huyết áp động mạch là áp lực của máu trên thành động mạch, tạo thành bởi các yếu tố :
+ Sức co bóp của tim.
+ Lưu lượng máu trong động mạch.
+ Sức cản ngoại vi.
– Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): là áp lực của máu trong động mạch lên tới mức cao nhất khi tim co bóp.
– Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): là áp lực của máu ở điểm thấp nhất khi tim ở thì tâm trương.
– Tăng huyết áp:
+ Khi đo huyết áp theo phương pháp Krotkof cho người lớn, nếu huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, thì được gọi là tăng HA hệ thống động mạch. Lưu ý: Đo ở 2 lần khám, mỗi lần khám được đo ít nhất 2 lần. Bệnh nhân được nghỉ ngơi trước khi đo 5 -10 phút.
+ Tăng huyết áp khi HA trung bình ≥ 110mmHg, hoặc khi đo huyết áp liên tục trong 24 giờ ≥ 135/85mmHg. HA trung bình = HA tâm trương + 1/3 (HA tâm thu – HA tâm trương)
– Phân loại Tăng huyết áp theo con số huyết áp:

Phân loại Huyết áp tâm thu (mmHg) Huyết áp tâm trương (mmHg)
Huyết áp tối ưu < 120 < 80
Huyết áp bình thường < 130 < 85
Huyết áp bình thường cao 130 – 139 85 – 89
Tăng huyết áp độ 1 140 – 159 90 – 99
Tăng huyết áp độ 2 160 – 179 100 – 109
Tăng huyết áp độ 3 ≥ 180 ≥ 110
THA tâm thu đơn độc ≥ 140 < 90

2. Nguyên nhân

– Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn): thường gặp ở người cao tuổi, chiếm 85 – 90 % tổng số trường hợp tăng huyết áp.
+ Di truyền.
+ Thừa cân, xơ vữa động mạch, chế độ ăn nhiều muối.
+ Tâm lý: căng thẳng thần kinh.
+ Nội tiết: tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai…
– Tăng huyết áp thứ phát: thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, chiếm 10 – 15 % tổng số trường hợp tăng huyết áp.
+ Thận: Viêm cầu thận, thận đa nang, bệnh mạch thận…
+ Nội tiết: cường giáp, hội chứng Cushing, phì đại thượng thận bẩm sinh…
+ Nguyên nhân khác: nhiễm độc thai nghén, hẹp eo động mạch chủ, bệnh đa hồng cầu…

3. Triệu chứng

– Đa số bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện bệnh.
– Đau đầu vùng chẩm là triệu chứng thường gặp.
– Các triệu chứng khác có thể gặp: hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt…
– Đo huyết áp động mạch: một người lớn có Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) ≥ 90mmHg

4. Điều trị

– Điều chỉnh lối sống
+ Giảm cân ở người béo phì.
+ Hoạt động thể lực: tập thể dục, bơi, yoga…Tránh căng thẳng thần kinh quá độ.
+ Chế độ ăn: Giảm muối, giảm chất béo, chất kích thích. Tăng cường kali, vitamin…
– Thuốc
+ Lợi tiểu.
+ Nhóm thuốc tác dụng lên hệ giao cảm.
+ Các thuốc ức chế men chuyển .
+ Thuốc ức chế Canxi.
+ Các chất đối kháng thụ thể angiotensin II.
+ Thuốc dãn mạch.

II. Hạn chế Y học hiện đại  

Thuốc điều trị Tăng huyết áp có rất nhiều tác dụng phụ kèm theo như gây ho, giữ muối và nước, hạ huyết áp tư thế đứng, rối loạn điện giải đồ… Vì vậy, cần tuân thủ theo chỉ định của Bác sĩ để chọn loại thuốc và thăm dò liều phù hợp với thể trạng và đáp ứng của từng người bệnh.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Tăng huyết áp

1. Đại cương

Tăng huyết áp được mô tả trong phạm vi chứng Huyễn vựng, Đầu thống của Y học cổ truyền. Khi bệnh tiến triển nặng lên, gây tăng huyết áp nguy hiểm hoặc gây đột quỵ não thì Y học cổ truyền xếp trong phạm trù chứng Trúng phong.

2. Nguyên nhân

– Rối loạn tình chí: hay lo lắng, cáu giận, uất ức làm cho can khí không thư thái, uất lại mà hóa nhiệt, tổn thương can âm, can dương thăng vượng mà gây nên mặt đỏ, mắt đỏ, đau đầu, chóng mặt…
– Thói quen hay ăn nhiều chất béo, ngọt hoặc uống quá nhiều bia, rượu làm tổn thương tỳ vị, tỳ mất kiện vận làm thấp trọc nội sinh, hóa đàm hóa hỏa, đàm trọc nhiễu loạn phía trên gây trệ tắc kinh mạch gây nên bệnh.
– Lao động quá sức, dục vọng quá nhiều làm hao thương khí âm hoặc tuổi cao, thận hao hư, âm tinh bất túc làm thủy không hành mộc gây âm hư dương cang, nội phong nhiễu loạn gây nên bệnh.

3. Triệu chứng

Căn cứ vào nguyên nhân và triệu chứng lâm sáng, Y học cổ truyền chia thành các thể bệnh:
– Can dương thượng xung: đau đầu, đầu căng tức, hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt hồng, mắt đỏ, dễ cáu gắt, ngủ ít, ngủ hay mê, miệng và họng khô; bệnh thường nặng lên khi bệnh nhân bực dọc hoặc cáu giận; chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.
– Âm hư dương xung: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, hay quên, ngũ tâm phiền nhiệt, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, chất lưỡi hồng, ít rêu lưỡi, mạch tế sác.
– Âm dương lưỡng hư: đau đầu, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, trống ngực, mất ngủ, ngủ hay mê, vận động thì khó thở, đau lưng, mỏi gối, di tinh, liệt dương, tiểu tiện trong và số lượng nhiều, mạch trầm tế vô lực.
– Tỳ hư, Đàm trọc ứ trệ: đầu căng nặng và đau, đầy tức ngực, hồi hộp, trống ngực, mệt mỏi, buồn nôn hoặc xuất tiết nhiều đờm dãi, chân tay tê bì, rêu lưỡi dày trơn hoặc bẩn nhớp, mạch hoạt.

4. Điều trị

– Can dương thượng xung
+ Pháp điều trị: bình can tiềm dương, tư dưỡng can thận.
– Âm hư dương xung
+ Pháp điều trị: Tư âm tiềm dương.
– Âm dương lưỡng hư:
+ Pháp điều trị: dưỡng âm trợ dương.
– Tỳ hư, đàm trọc ứ trệ:
+ Pháp trị: Kiện tỳ, táo thấp, hóa đàm.

IV. Hạn chế Y học cổ truyền 

– Thuốc Y học cổ truyền tác dụng chậm, khi có cơn tăng huyết áp kịch phát nên phối hợp với thuốc Tây y theo hướng dẫn của Bác sĩ.

V. Phương pháp kết hợp điều trị

– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng ác bài thuốc khác nhau như: Thiên ma câu đằng ẩm gia vị. Kỷ cúc địa hoàng hoàn. Kim quỹ thận khí hoàn. Bán hạ bạch truật thiên ma thang…
– Thuốc Nam: Râu ngô, Mã đề, Cúc hoa, Hạt sen, Lạc tiên
– Thuốc Tây y: Amlor, Coversyl, Valsartan…
Chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, tránh thừa cân: ăn nhạt, giảm chất béo động vật, tăng cường rau xanh hoa quả… tập thể dục…

VI. Cách phòng chống hiệu quả

– Đối với những người chưa bị bệnh Tăng huyết áp: cần lưu ý vấn đề sinh hoạt hàng ngày, hạn chế ăn mặn, ăn nhiều phủ tạng động vật, uống rượu bia, hút thuốc lá… khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tăng huyết áp hay các bệnh liên quan.
– Đối với người đã bị bệnh Tăng huyết áp, cần phải chặt chẽ hơn nữa trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, theo dõi huyết áp đều đặn và có kế hoạch điều trị ngoại trú để theo dõi tiến triển, tác dụng phụ của thuốc.

VII. Lời khuyên

– Điều trị Tăng huyết áp là điều trị trọn đời, cần tuân thủ chế độ điều trị, kết hợp với lối sống lành mạnh, nhằm hạn chế biến chứng, giảm gánh nặng cho gia đình và chi phí cho xã hội.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ