Tàn nhang: Cách điều trị và phòng tránh hiệu quả…

Tàn nhang
Tàn nhang

Tàn nhang hay gọi là tàn hương, là các đốm tròn nhỏ, sậm màu, nằm trên bề mặt da và phân bổ thành từng đám, phát triển rất nhanh sau khi vùng da đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chúng không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nó khiến cho da không đều màu và kém thẩm mỹ.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Tàn nhang

1. Đại cương

Tàn nhang (Freckle) là một tình trạng rối loạn tăng sắc tố khiến da không đều màu, có tính chất di truyền, thường biểu hiện sớm từ nhỏ hoặc khi bắt đầu tuổi dậy thì.
– Vị trí tàn nhang thường tập trung ở vùng da hở, nơi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như ở vùng mặt hoặc ở vùng da khác trên cơ thể. Tổn thương phát triển rất nhanh sau khi vùng da đó tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt (tia UV).
– Tàn nhang hầu như không liên quan đến tình trạng lão hóa, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, cả giai đoạn dậy thì. Hay gặp ở người da trắng, nhưng cũng có thể gặp ở người da vàng.
– Về mô bệnh học, tàn nhang là rối loạn sắc tố ở lớp nông (thượng bì) của da, tại vùng này có sự tập trung quá nhiều của sắc tố melanin. Do tàn nhang chỉ là thương tổn ở lớp nông và lành tính nên có thể điều trị khỏi hoàn toàn
– Có 2 dạng tàn nhang cơ bản, đó là nốt tàn hương và lốm đốm. Dạng thứ nhất là những vết đốm bằng phẳng màu đỏ hoặc nâu nhạt thường xuất hiện trên da vào mùa hè và nhạt dần vào mùa đông, do di truyền gây ra. Còn dạng thứ hai có màu sắc sậm hơn, không nhạt đi vào mùa đông và cũng do di truyền gây ra.

2. Nguyên nhân

– Nguyên nhân chính gây ra tình trạng rối loạn tăng sắc tố này được xác định là có sự kết hợp giữa hai yếu tố đó là yếu tố gen (di truyền) và yếu tố môi trường (tia cực tím).
+ Di truyền: nhiễm sắc thể có trong gen quy định tế bào biểu bì tạo hắc tố còn được gọi là MCIR
+ Khi những tia nắng thâm nhập vào da, chúng làm kích hoạt những tế bào biểu bì tạo hắc tố làm cho vết tàn nhang càng sậm màu và nhiều hơn,
– Ngoài ra tàn nhang cũng thường xuất hiện trong thời gian mang thai, do có sự thay đổi hormone trong cơ thể của người phụ nữ. Sau khi sinh, tàn nhang có thể giảm đi đáng kể. Hoặc phản ứng phụ gây ra khi sử dụng một số chủng loại thuốc cũng là nguyên nhân gây ra tàn nhang

3. Triệu chứng

– Xuất hiện các đốm tròn có đường kính từ 1-5mm, nhẵn, màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, màu đỏ hoặc vàng tùy thuộc vào sắc tố da của mỗi người.
– Các đốm nâu không đau, ngứa, rát… Nằm riêng lẻ hoặc liên kết với nhau tạo thành từng mảng đốm, xuất hiện không đều
– Vị trí: Nằm trên bề mặt da, chủ yếu ở vùng da hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, vai, ngực và cánh tay…
– Khi tiếp xúc với ánh nắng nhiều, những đốm tàn nhang có xu hướng đậm hơn, nhiều hơn và lan rộng ra vị trí khác.

4. Điều trị

– Che chắn, tránh nắng thật tốt: Kem chống nắng, mũ rộng vành, khẩu trang, áo khoác, găng tay …
– Dùng thuốc, kem bôi chứa các thành phần làm trắng như Hydroquinone, Retinoid có hiệu quả làm mờ đốm nâu.
– Thực hiện các phương pháp thẩm mỹ an toàn: Laser, thay da hóa học…

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Tàn nhang

– Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại kem bôi làm trắng không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, các loại kem này thường chứa thành phần là Corticoid hay còn gọi là kem trộn. Ngoài tác dụng làm trắng thì nó để lại nhiều hậu quả kinh hoàng cho làn da như teo da, mỏng da, giãn mạch máu, nổi mụn trứng cá…
– Phương pháp thẩm mỹ cần được làm tại cơ sở uy tín, bác sĩ hoặc nhân viên thực hiện đã được đào tạo một cách bài bản nhằm hạn chế những tai biến không mong muốn xảy ra như đỏ da kéo dài, bỏng da, sẹo xấu…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Tàn nhang

1. Đại cương

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tàn nhang là:
– Di truyền, tình trạng thiếu hụt nội tiết tố ở phụ nữ…
– Thận thủy bất túc: do thể chất hơi yếu, thận thủy bất túc không thể thượng vinh vùng mặt, hư hỏa uất kết ở huyết phận khiến vùng mặt xuất hiện chấm tàn nhang màu đen nhạt.
– Phong tà xâm nhập: phần nhiều do thể chất huyết nhiệt nội ẩn, lại bị phong tà bên ngoài xâm nhập vào, đấu với huyết nhiệt ở da thịt khiến phát sinh ra chứng tàn nhang. Nếu phơi nắng thì huyết nhiệt càng thịnh, huyết nhiệt lại sinh phong thì tàn nhang càng thêm nhiều.

2. Điều trị

– Thận thủy bất túc: Tư âm bổ thận, thanh nhiệt.
– Phong tà xâm nhập: Khu phong thanh nhiệt.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Tàn nhang

– Phương pháp điều trị bằng thuốc Đông Y thường thích hợp với làn da bị tàn nhang nhẹ, tàn nhang do sự tác động của yếu tố ngoại cảnh. Còn với trường hợp tàn nhang di truyền, tàn nhang lâu năm và mức độ nhiều thì hiệu quả thấp hơn, tàn nhang vẫn có thể tái phát trở lại.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Tàn nhang

– Tránh nắng: Kem chống nắng, mũ rộng vành, khẩu trang, áo khoác, găng tay …
– Thuốc sắc: tùy thể trạng người bệnh sử dụng các vị thuốc khác nhau như Khương hoạt, hồng hoa, phòng phong, xuyên khung, sinh địa, 8g đương quy, củ mài, thiên môn, chi tử….
– Thuốc bôi:
   + Bạch phục linh nghiền thành bột mịn, trộn với một ít mật ong hòa đều thành dạng hồ. Tối trước khi đi ngủ dùng nước ấm rửa sạch mặt, rồi dùng dung dịch hồ trên bôi lên mặt. Sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm.
  + Hạnh nhân bỏ vỏ, giã nát nhuyễn, trộn với lòng trắng trứng gà hòa đều thành dạng hồ. Tối trước khi đi ngủ dùng nước ấm rửa sạch mặt, rồi dùng dung dịch hồ trên bôi lên mặt. Sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm.
– Laser thẩm mỹ.

VI. Cách phòng chống Tàn nhang hiệu quả

– Tránh nắng:
   + Dùng kem chống nắng có chỉ số chống nắng ≥ 30. Đội mũ rộng vành. Mặc áo, quần dài tay.
   + Tránh thời gian đỉnh của ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
– Hạn chế tối đa việc sử dụng dược phẩm có khả năng làm tăng sự nhạy cảm của da bạn đối với ánh nắng mặt trời, ví dụ acid alpha hydroxy và benzoly peroxide và một số thành phần trong thuốc kháng sinh và thuốc tránh thai.
– Chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin A, C, E có trong rau củ, trái cây, cũng góp phần làm tăng khả năng đề kháng của da dưới sức nóng mặt trời.

VII. Lời khuyên.

Những người bị tàn nhang nên tuân thủ:
– Tránh nắng nghiêm ngặt: Những vùng da hở như mặt, cổ, tay, tai nên được che kín bằng khăn vải, trang phục, mũ nón rộng vành hoặc được bảo vệ bằng kem chống nắng.
+ Kem chống nắng phải được bôi sáng, trưa, kể cả những lúc không tiếp xúc với ánh nắng và tối thiểu 30 phút trước khi ra nắng, bôi lại sau 2 giờ hoặc khi xuống nước, đổ mồ hôi nhiều.
+ Nên chọn kem chống nắng của hãng tin cậy, có chỉ số chống nắng tối thiểu từ 30 trở lên.
+ Hạn chế tối đa ra nắng vào thời điểm ánh nắng gắt có nhiều tia UV từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
– Không dùng các sản phẩm có mùi thơm như nước hoa, sữa rửa mặt, kem dưỡng da…để hạn chế sự nhạy cảm da với nắng từ các hương liệu.
– Không nên lột da bừa bãi hoặc sử dụng các loại kem pha chế không có nguồn gốc rõ ràng.
– Chế độ ăn cung cấp nhiều vitamin C và uống đủ nước.
– Thận trọng với một số thuốc uống và bôi tại chỗ vì chúng có thể làm da bắt nắng sậm thêm.
– Các thuốc bôi: giúp làm mờ tổn thương là các chất gây lột da hoặc là các chất có tác dụng làm trắng da. Tuy nhiên, chúng mang lại hiệu quả làm mờ nốt tàn nhang rất chậm, phải kéo dài trong nhiều tháng.

hellosuckhoe.net

 

 

 

Chia Sẻ