Tắc tia sữa sau sinh: cách điều trị tại nhà hiệu quả…

Tắc tia sữa là hiện tượng bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú, một hoặc hai bên vú cương cứng, sữa không xuống được khi con bú hoặc hút sữa. Nếu không điều trị kịp thời người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Tắc tia sữa
1. Đại cương
– Bình thường sữa được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài.
– Tắc tia sữa là tình trạng hệ thống ống dẫn sữa hay lỗ núm vú bị tắc và sữa không chảy ra được.
2. Nguyên nhân
– Sữa mẹ dư thừa: do bé ngậm bắt vú mẹ không đúng, bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.
– Ngực chịu áp lực: mặc áo ngực quá chật, áo bó, nằm sấp khi ngủ hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc.
– Ít hút sữa ra ngoài hoặc hút không hết sữa, khiến sữa ứ đọng trong bầu ngực.
– Mẹ không cho bú thường xuyên: nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày sẽ gây tình trạng tắc tia sữa.
– Stress: Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa.
3. Triệu chứng
– Một hoặc hai bên bầu vú căng cứng và to hơn so với bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng to dần, cảm giác đau nhức. Có thể sưng nóng đỏ.
– Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, vắt sữa cũng không ra.
– Khi sờ vào bầu vú, có một hoặc nhiều điểm cứng, kích thước khác nhau, khi chạm vào rất đau..
– Có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong.
4. Điều trị
– Chườm nóng vú.
– Tiếp tục cho trẻ bú hoặc hút sữa.
– Thuốc: giảm đau, chống viêm, oxytoxin.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Tắc tia sữa
– Một số thuốc Tây y có thể gây ít sữa, hoặc giảm chất lượng sữa…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Tắc tia sữa
1. Đại cương
– Theo Y học cổ truyền, tắc tia sữa hay còn gọi là Nhũ ung hay Nhũ phòng (chứng bệnh sinh ra ở vú).
2. Nguyên nhân
– Nhiệt độc ủng thịnh, kết không giải được mà gây bệnh.
– Người mẹ hay lo lắng, cáu gắt, uất ức, phẫn nộ thương can, can khí uất kết hóa hỏa gây bệnh
– Do con bú ít, bú yếu nên dẫn tới sữa bị tắc, không ra ngoài được, không thông dẫn đến bế tắc kinh khí.
3. Triệu chứng
– Lúc mới phát : vú đau, sưng, sờ vào có cục cứng, ấn đau tăng, mặt đỏ, người phát sốt, đau tức ngực, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.
– Giai đoạn sắp vỡ mủ hay đã vỡ: mình lạnh, hết sốt, vú đã mềm, đau nhức sắp vỡ mủ hoặc đã vỡ.
– Giai đoạn khí huyết hư: sắc mặt xanh xao, người mệt mỏi, thích ngủ, vùng vú đau ít hơn trước nhưng vẫn sưng, cứng, mạch hư tế.
4. Điều trị
– Pháp điều trị: Thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Tắc tia sữa
– Y học cổ truyền điều trị tắc tia sữa ở giai đoạn mới rất tốt nhưng thuốc thường tác dụng chậm, làm giảm triệu chứng từ từ. Vì vậy, trường hợp đau sưng nhiều nên áp dụng thêm các biện pháp chườm nóng, day ép bằng tay….
V. Phương pháp kết hợp điều trị Tắc tia sữa
– Thuốc Đông Y: Tùy giai đoạn và thể trạng người bệnh, có thể dùng các bài thuốc: Kinh giới ngưu bàng thang, Thần hiệu qua lâu tán, Thác lý tiêu độc tán gia giảm.
– Thuốc Nam:
+ Bồ công anh 40g, dây kim ngân 80g, bỏ vào ấm đất đun lấy 1 bát nước thật đặc, rồi uống.
+ Hạt vừng sao đen, nghiền nhỏ trộn với dầu hỏa thành bột nhão, bôi vào vú.
+ Hoàng liên 10g, binh lang (hạt cau) 10g, hai thứ đem tán bột, trộn với lòng trắng trứng gà, bôi vào nơi vú sưng đau, ngày 2-3 lần, liên tục vài ngày.
– Xoa bóp bầu vú. Day ép bằng tay: Dùng 1 bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng 2 bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết. Đè ép nhẹ nhàng trong mức đau có thể chịu đựng được, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 – 30 lần, rồi lại làm ngược lại. Thực hiện như trên nhiều lần.
– Chườm nóng:
+ Lá mít (9 lá) hơ nóng đặt lên vùng nào cứng nhất. Tiếp đó dùng tay xoa bóp, ấn mạnh từ trên xuống dưới. Khi thấy sữa chảy ra cho bé bú liền, làm liên tục ở những ngày sau là sữa thông hoàn toàn.
+ Nấu xôi nếp, bọc trong hai khăn vải mềm chườm hai bên ngực theo nguyên tắc từ ngoài vào trong, làm liên tục cho đến khi xôi nguội.
+ Đu đủ non xắt lát mỏng, nướng lên cho nóng rồi đắp vào hai bên bầu vú.
– Châm cứu: Huyệt Nhũ căn, Kỳ môn, Chiên trung, Trung phủ, Kiên tỉnh, Hợp cốc…
– Vật lý trị liệu: Hồng ngoại, Siêu âm, Điện xung…
VI. Cách phòng chống Tắc tia sữa hiệu quả
– Cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh.
– Sữa non rất đặc, dễ gây tắc nên trước và sau cho con bú nên day ép bầu vú nhẹ nhàng để tránh sữa đông kết
– Cho bú đều 2 bên. Bú hết sữa ở vú bên này rồi chuyển sang vú bên kia. Trường hợp mẹ nhiều sữa mà trẻ bú không hết thì sau khi trẻ bú no phải hút sữa dư ra, tránh để ứ đọng.
– Giữ vệ sinh núm vú sạch sẽ sau khi cho con bú bằng cách lau rửa bằng nước đã đun sôi còn ấm.
– Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
– Nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, có thể tập thiền hoặc yoga, luyện tập thể thao
– Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan tránh stress.
VII. Lời khuyên.
– Khi có dấu hiệu bị tắc tia sữa, nếu áp dụng các dân gian mà không đỡ, hoặc không thuyên giảm thì nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tư vấn, tránh để các biến chứng xảy ra.