Sỏi mật: Triệu chứng và điều trị hiệu quả với cây thuốc nam

Sỏi đường mật là bệnh lý hay gặp ở phụ nữ tuổi trung niên, người thừa cân, ăn nhiều chất béo ngọt… bệnh hay gây các triệu chứng như đau hoặc đầy tức vùng mạng sườn phải, tuy ít gây nguy hiểm tính mạng nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây các biến chứng như viêm túi mất, tắc nghẽn ống mật chủ, xơ gan…

I. Quan điểm của Y học hiện đại về Sỏi đường mật

  1. Đại cương

– Túi mật nằm ở phía bên phải của bụng, ngay dưới gan, kết nối gan và ruột bằng ống gan, ống túi mật và ống mật chủ.

– Mật được tạo thành từ nhiều chất, bao gồm cả bilirubin và cholesterol. Khi túi mật co bóp sẽ đẩy mật qua ống mật chủ vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các chất béo.

– Sỏi đường mật là tình trạng lắng đọng sắc tố mật hình thành nên bùn mật hoặc viên sỏi trong lòng đường mật, gây ứ trệ và tắc nghẽn sự lưu thông mật.

– Sỏi đường mật hay gặp ở các đối tượng: tuổi trung niên, nữ nhiều hơn nam, người thừa cân hoặc béo phì, ăn nhiều chất béo, ăn ít chất xơ, nhiễm giun sán, người bệnh tiểu đường, giảm cân quá nhanh, dùng thuốc hạ cholesterol, thuốc tránh thai… Người bệnh có khi chỉ có một viên sỏi mật nhưng cũng có thể có nhiều viên sỏi cùng lúc.

– Các loại sỏi phổ biến:

   + Sỏi cholesterol. Đây là loại sỏi mật hay gặp nhất, thường có màu vàng lục. Các viên sỏi này có thành phần chủ yếu là cholesterol không hòa tan. Đôi khi, chúng có thể chứa những thành phần khác.

   + Sỏi mật sắc tố:  Loại sỏi này thường nhỏ và cứng, có màu xanh hoặc nâu hoặc óng ánh đen, thành phần có sắc tố mật và calcium, hình thành khi trong dịch mật có quá nhiều bilirubin.

  1. Nguyên nhân

– Bệnh gây ra do tình trạng bão hòa quá mức cholesterol hoặc sắc tố mật (bilirubin) hoặc muối canxi…

– Dịch mật chứa quá nhiều cholesterol: Bình thường, dịch mật sẽ hòa tan lượng cholesterol được bài tiết từ gan. Thế nhưng, khi gan tiết ra quá nhiều cholesterol đến mức dịch mật không đủ khả năng hòa tan, lượng cholesterol dư thừa có thể kết thành tinh thể và tạo nên sỏi.

– Xơ gan, nhiễm trùng đường mật và một số bệnh rối loạn hệ tạo máu… Khiến gan sản xuất quá nhiều bilirubin làm dịch mật chứa quá nhiều bilirubin và lượng bilirubin dư thừa góp phần hình thành nên sỏi mật.

– Do nhịn đói hoặc cơ thể được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài… khiến mật có thể cô đặc và điều này góp phần vào việc hình thành sỏi mật.

  1. Triệu chứng

– Sỏi đường mật có thể không gây ra dấu hiệu gì. Các triệu chứng lâm sàng của sỏi đường mật phụ thuộc vào kích thước sỏi, tính chất sỏi, vị trí sỏi và các triệu chứng kết hợp khác.

– Sỏi di chuyển ở đường mật: Sỏi từ túi mật di chuyển xuống ống túi mật hoặc ống mật chủ luôn gây cảm giác bứt rứt.

   + Cơn đau quặn gan: đau dữ dội vùng mạn sườn hoặc vùng bụng trên làm bệnh nhân đứng ngồi không yên, ra mồ hôi nhiều, sắc mặt trắng bệch, buồn nôn và nôn. Thời gian cơn đau ngắn, ít khi vượt quá vài giờ. Khi sỏi di chuyển lại về túi mật hoặc xuống tá tràng thì hết đau. Cơn đau quặn gan thường xảy ra sau khi ăn hoặc ăn nhiều chất béo hoặc bị chấn thương vùng bụng.

– Sỏi ở túi mật:

   + Thường không gây cơn đau quặn gan.

   + Cảm giác đầy tức vùng mạn sườn phải hoặc vùng thượng vị; hoặc thấy nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua.

   + Nếu kèm theo viêm nhiễm thì có thể xuất hiện sốt, đau vùng hạ sườn phải, ấn điểm túi mật đau, có thể sờ thấy túi mật.

– Sỏi ở ống túi mật:

   + Sỏi làm tắc ống túi mật nên gây cơn đau quặn gan, túi mật căng to.

   + Trường hợp bị mạn tính thì túi mật thường giãn, bên trong chứa nhiều dịch lỏng.

   + Nếu bị bội nhiễm thì gây viêm túi mật hoặc mủ túi mật.

– Sỏi ống mật chủ:

   + Sỏi di chuyển trong ống mật chủ gây tắc mật gây cơn đau quặn gan.

   + Vàng da, viêm đường mật.

   + Khi ứ mật ở ống mật chủ có thể gây viêm mủ đường mật, sốt cao, rét run, vàng da, bạch cầu trong máu tăng, huyết áp hạ…

   + Khi sỏi di chuyển vị trí hoặc xuống được hành tá tràng thì vàng da và sốt sẽ giảm.

– Sỏi trong gan: có thể thấy các triệu chứng như sốt, vàng da, sợ lạnh từng đợt…

  1. Điều trị

– Sỏi mật không gây ra dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như phát hiện trong siêu âm hoặc CT scan thực hiện đối với một số điều kiện khác, thường không cần điều trị.

– Thuốc dùng trong sỏi đường mật: giảm đau, làm tan sỏi, điều trị biến chứng

   + Thuốc giảm đau: Alverin, Atropine, Papaverin,  Visceralgin (tiemonium)…

   + Thuốc làm tan sỏi: Acid ursodesoxycholic (ursodiol: actigall, arsacol, delursan, destolit, uso, ursolvan). Acid chenodesoxychlolic

   + Thuốc chữa biến chứng:  :

      Kháng khuẩn thường dùng là aminogycosid và quinolon.

      Lợi mật thường dùng là hoá dược hay là các thảo dược (actichaut).

– Phẫu thuật cắt bỏ túi mật: khi sỏi quá lớn mật, thường xuyên tái diễn hoặc gây biến chứng

II. Hạn chế của Y học hiện đại khi điều trị Sỏi đường mật

– Thuốc qua đường uống có thể giúp hòa tan sỏi mật. Nhưng thời gian điều trị có thể mất vài tháng hoặc cả năm.

– Thuốc làm tan sỏi có thể gây tiêu chảy, phát ban, vài triệu chứng đường ruột, tăng creatinin, tăng glucose máu, giảm bạch cầu…

– Phẫu thuật loại bỏ túi mật không ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn, nhưng nó có thể gây tiêu chảy, tái phát sau một thời gian phẫu thuật.

III. Quan điểm của Y học cổ truyền về Sỏi đường mật

  1. Đại cương

– Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng của Sỏi đường mật thuộc phạm trù chứng Đởm thạc, Hiếp thống, Hoàng đản, Vị quản thống, Tâm hạ thống.

  1. Nguyên nhân

– Do thấp nhiệt uẩn kết ở can đởm hoặc thấp nhiệt hóa hỏa chưng đốt tân dịch tạo thành sỏi gây tắc trở đường mật, khí cơ bế trở làm ảnh hưởng tới sự sơ tiết của can đởm.

– Tình chí uất ức làm cho can khí không thư thái gây nên khí huyết ứ trệ, can mộc không điều đạt, đởm không thông giáng được nên dịch mật tích trệ, tràn lan ra bì phu gây nên vàng da, đưa xuống bàng quang gây nên tiểu tiện sẫm màu. Dịch mật tích trệ lâu dài, can kinh hun đốt lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi mật.

– Ăn nhiều chất béo ngọt, khó tiêu gây nên rối loạn vận hóa tỳ vị, uất mà hóa hỏa hóa nhiệt. Uất nhiệt kết hợp với tỳ thấp lâu ngày không được giải trừ làm cho đởm phủ thông giáng thất thường, dịch mật uất kết lâu ngày gây nên sỏi.

– Do cảm nhiễm ký sinh trùng gây nên thấp nhiệt uẩn kết trung tiêu, hồi trùng (giun đũa) ăn chất dinh dưỡng và luôn vận động, ký sinh ở đường tiêu hóa có thể xâm nhập vào đường mật làm cho đởm mất “trung thanh” và “hòa giáng” gây nên dịch mật uất trệ, phát sinh thành sỏi và thấp nhiệt.

  1. Triệu chứng

– Giai đoạn cấp tính: đau bụng vùng hạ sườn phải, bệnh nhân nằm ngồi không yên, sắc mặt trắng nhợt, buồn nôn, nôn, đau có thể lan ra sau lưng, có thể có vàng da, sốt, túi mật có thể to, thậm chí dẫn tới viêm túi mật hóa mủ. Sỏi đường mật làm tắc mật gây ngứa ngoài da. Sỏi đường mật trong gan gây đau bụng, sốt, sợ lạnh, gan to và đau, túi mật to.

– Giai đoạn ổn định:

   + Thể Thấp nhiệt uẩn kết: đau vùng mạn sườn hoặc vùng trên rốn, không thích xoa nắn, vùng thượng vị căng tức, sốt, khát nước hoặc sốt cao, sợ lạnh hoặc buồn nôn, nôn hoặc mặt, mắt, da vàng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớp hoặc vàng khô, mạch huyền sáp hoặc hoạt sáp.

   + Thể Can uất khí trệ: đau âm ỉ vùng mạn sườn phải và vùng túi mật; đau nhức, tê mỏi vùng bả vai trái; bụng trướng, đắng miệng, khô họng, bứt rứt, dễ cáu, sợ thức ăn nhiều chất béo, đại tiện xong vẫn không thấy thoải mái, sốt nhẹ, nước tiểu màu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc nhớp, mạch huyền tế.

   + Thể Đàm trọc trở trệ: đau tức vùng mạn sườn phải, vùng thượng vị, người béo bệu, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, ăn uống bình thường, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi nhờn, mạch hoạt.

   + Thể Ứ huyết tích tụ: đau vùng mạn sườn như dao đâm, đau cố định một chỗ, chất lưỡi tím, mạch sác huyền.

  1. Điều trị

– Giai đoạn cấp tính: sơ can lý khí, thanh nhiệt lợi thấp, lợi đởm bài thạch

– Giai đoạn ổn định:

   + Thể Thấp nhiệt uẩn kết: thanh nhiệt lợi thấp, thông lý công hạ

   + Thể Can uất khí trệ: sơ can lợi đởm

   + Thể Đàm trọc trở trệ: hóa đàm tán kết, kiện tỳ lý khí

   + Thể Ứ huyết tích tụ: hành khí hoạt huyết, tán sỏi

IV. Hạn chế của Y học cổ truyền khi điều trị Sỏi mật

– Các bài thuốc đông y không chỉ giúp bài sỏi an toàn, hiệu quả mà còn giúp làm giảm các triệu chứng đau, đầy trướng bụng, khó tiêu, chán ăn, nôn, sốt do sỏi đường mật và ngăn ngừa tái phát sỏi sau điều trị. Tuy nhiên, thường hiệu quả kém với các sỏi lớn, thời gian điều trị dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

V. Phương pháp điều trị phối hợp bệnh Sỏi mật

– Thuốc Đông y: tùy từng thể bệnh sử dụng các bài thuốc khác nhau như: Cách hạ trục ứ thang, Nhị trần thang, Sài hồ sơ can thang, Đại sài hồ thang, Đại sài hồ thang phối hợp với Nhân trần cao thang gia giảm…

– Châm cứu: Dương lăng tuyền, Đởm du, Nhật nguyệt, Can du, Thượng quản, Chí dương, Uyển cốt…

– Trà dược:

   + Kim tiền thảo 30g, sắc uống hàng ngày, thời gian kéo dài trên nửa năm

   + Kim tiền thảo, nhân trần, lá đinh lăng, hương nhu trắng, bạch mao căn, cỏ mần trầu, rau má mỗi vị 200g. Các vị rửa sạch, cắt ngắn phơi khô. Ngày dùng 30 – 40g hãm với nước sôi vào ấm tích, sau 10 phút là có thể dùng được.

   + Trà đậu xanh – đậu đỏ: 30g đậu xanh, 30g đậu đỏ. Hai thứ đậu vo sạch, cho vào nồi, thêm nước sắc, nêm đường trắng vừa đủ. Dùng uống thay trà.

   + Trà hoa hồng: 10g (6 – 8 đóa) hoa hồng khô, cho vào ấm hoặc trong ly, chế nước sôi, đậy nắp 10 phút, dùng uống thay trà. ngày vài lần, dùng thường xuyên.

   + Ngoài ra bạn có thể sử dụng trà bạc hà, trà actiso, nước ép táo, nước ép quả lê…

– Món ăn bài thuốc:

   + Cháo thịt, nhân trần, kim tiền thảo: thịt nạc 120g, nhân trần 30g, kim tiền thảo 30g nấu cháo ăn; dùng trong sỏi mật thể thấp nhiệt, tuần ăn 03 lần.

   + Cháo thịt, kê cốt thảo: kê cốt thảo 40g, hồng táo 04 quả, thịt nạc lợn 120g nấu cháo ăn; dùng trong thể thấp nhiệt, tuần ăn 03 lần.

   + Canh cá chép – đậu đỏ: 1 con cá chép, 120g đậu đỏ, 6g vỏ quít. Cá chép giết mổ, bỏ vẩy và nội tạng rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, thêm đậu đỏ, vỏ quít nấu chung, cho đến khi chín nhừ. Dùng mọi lúc.

VI. Cách phòng chống Sỏi mật hiệu quả

– Không bỏ bữa, nhịn đói. Hãy cố gắng xây dựng một khung giờ ăn cố định mỗi ngày.

– Tránh thừa cân, béo phì nhưng cũng đừng giảm cân quá nhanh, hãy lên kế hoạch dài hạn thay vì giảm cấp tốc, chỉ nên giảm khoảng 0,5 – 1 kg một tuần.

– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: trái cây, rau củ, ngũ cốc…

– Hạn chế ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo: phủ tạng động vật (óc, tim, gan, lòng, bầu dục…), lòng đỏ trứng gà… để cơ thể không gây ra sự dư thừa tạo sỏi. Không nên ăn quá 50g mỡ mỗi ngày, tối đa hai quả trứng một tuần và càng không nên sử dụng liên tiếp trong một ngày.

– Ăn uống hợp vệ sinh, định kỳ 6 tháng tẩy giun một lần: không nên ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chạo, nem chua…). Nên rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng, rửa dưới vòi nước

– Thường xuyên tập thể dục nhất là đối với những người ngồi nhiều như dệt vải, thợ may, nhân viên văn phòng…

VII. Lời khuyên

– Sỏi đường mật nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây một số biến chứng: nhiễm khuẩn đường mật, hoại tử túi mật, tắc nghẽn ống mật chủ, tắc nghẽn ống tụy, xơ gan do ứ mật… Vì vậy, khi bị sỏi đường mật, người bệnh cần điều trị tích cực theo đơn thuốc của bác sĩ, không tự động bỏ thuốc hay thay thuốc, không được tự mua thuốc để điều trị và cần tái khám định kỳ.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ