Parkinson: Run tay khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động hữu ý

parkinson
parkinson

Parkinson là bệnh thuộc nhóm thoái hóa thần kinh với triệu chứng điển hình là run tay khi nghỉ, giảm vận động… Bệnh thuưường gặp ở nam nhiều hơn nữ, trên 40 tuổi và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Parkinson

1. Đại cương

– Bệnh Parkinson là một dạng bệnh do tổn thương của hệ thần kinh ngoại tháp, tế bào của liềm đen bị thoái hóa nên không sản xuất đủ lượng dopamin cần thiết cho cơ thể, dẫn đến mất điều khiển sự vận động… Đặc trưng chủ yếu của bệnh là tăng trương lực cơ, run và giảm vận động.
– Bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, hiếm gặp ở thanh niên. Tỷ lệ mắc bệnh của nam nhiều hơn nữ.

2. Nguyên nhân

– Nguyên nhân gây bệnh parkinson hiện chưa xác định rõ.
– Hội chứng parkinson mắc phải có thể do các bệnh như:
   + Xơ vữa động mạch não, viêm não
   + Nhiễm độc CO, nhiễm độc Mn và sử dụng các thuốc tâm thần.
   + Hội chứng thứ phát của bệnh đột quỵ nhồi máu não, ung thư não và chấn thương sọ não…

3. Triệu chứng

– Run: run khi các cơ ở trạng thái nghỉ. Run của bệnh Parkinson có đặc điểm đều đặn, bốn chu kỳ/giây. Run thường xuất hiện ở các ngón tay, gây ra động tác như “vê thuốc lào hoặc đếm tiền”. Run có thể gặp ở chi dưới, miệng hoặc vùng đầu.
   + Run biến mất khi vận động hữu ý, khi ngủ. Run tăng lên khi xúc động. 
– Cứng đơ: rõ nhất ở các cơ chống đối với trọng lực. Cứng đơ kèm theo run. Giảm độ ve vẩy tay khi đi lại, khó đứng lên từ tư thế ngồi, dáng người hơi gấp về phía trước, chân tay cứng ở tất cả các nhóm cơ, đi lại khó, sờ nắn các cơ thấy chắc, cứng. …
– Giảm vận động: Các động tác khởi đầu chậm chạp. Tốc độ thực hiện các động tác chậm và giảm biên độ của các động tác làm động tác trở nên nghèo nàn. Hiện tượng bất động thấy rõ ở chi trên:
   + Bước chân khó khăn, nâng chân khó, cự ly bước chân nhỏ, thành dáng đi vội vàng.
   + Dáng đi khom và lết.
   + Mất vẻ biểu lộ tình cảm, ít chớp, nét mặt như người đeo mặt nạ.
– Các triệu chứng kèm theo: rối loạn ngôn ngữ, tiếng nói nhỏ, giảm khả năng ngửi, đờ đẫn, trầm cảm, mất ngủ, tăng tiết đờm dãi, nhiều mồ hôi, táo bón…

4. Điều trị

– Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phần lớn các thuốc đang sử dụng, các biện pháp phẫu thuật hoặc không dung thuốc chỉ điều trị triệu chứng
– Thuốc
   + Dẫn xuất Dopamin: Levodopa…
   + Các chất ức chế COMT: Entacapone, tolcapone…
   + Các chât ức chế MAO-B và bảo vệ thần kinh.
   + Thuốc kháng hệ Cholinergic.
   + Nhóm thuốc Amatadine
– Phẫu thuật : phẫu thuật gây thương tổn, phẫu thuật kích thích não sâu…

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Parkinson

– Thuốc tây y có thể gây các tác dụng phụ như nôn và buồn nôn, hạ huyết áp tư thế đứng, ảo giác, ngủ gà, rối loạn vận động…
– Các phương pháp phẫu thuật đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, chi phí cao và có thể gặp rủi ro trong và sau khi phẫu thuật…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Parkinson

1. Đại cương

– Y học cổ truyền mô tả triệu chứng bệnh Parkinson với biểu hiện đầu hoặc tay rung lắc, run, vận động khó khăn, thuộc phạm trù chứng “Chấn chiên”. Chiên (rao) là lắc; chấn là động.

2. Nguyên nhân

– Nguyên nhân chủ yếu của bệnh là do: khí huyết hư, can uất, đàm nhiệt.
– Theo lý luận y học cổ truyền thì can chủ huyết, nếu huyết hư lâu ngày sẽ làm tổn hại đến can. Chức năng của can liên quan đến tình chí là cáu giận. Nếu cáu giận quá mức làm ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết của can gây uất trệ khí cơ, sinh ra đàm, đàm sinh nhiệt, nhiệt thịnh hóa phong, gây chứng “chấn chiên”.

3. Triệu chứng

– Thể khí huyết lưỡng hư, huyết ứ phong động: run, cứng đơ lâu ngày, dáng đi vụng về, đờ đẫn ít nói, cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ra mồ hôi trộm, đại tiện khó, sắc mặt tối, lưỡi to nhuận có vết răng, chất lưỡi tối nhạt hoặc có ứ ban, mạch tế nhược hoặc trì.
– Thể can uất huyết hư, đàm nhiệt sinh phong: run chân tay, cứng đơ, tình chí uất ức, chướng bụng, tức ngực, hoa mắt chóng mặt, đờm dãi nhiều, mặt ra nhiều mồ hôi dầu, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc trắng, mạch tế huyền hoặc mạch hoạt.
– Thể can thân bất túc, huyết ứ phong động: bệnh lâu ngày, run nhiều, bước chân chậm chạp, khó khăn, đi lại không vững, thể trạng gầy, chóng mặt ù tai, dễ cáu giận, hay quên, đại tiện táo, chất lưỡi tối, rêu lưỡi ít, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn, mạch huyền tế hoặc tế sáp.

4. Điều trị

– Thể khí huyết lưỡng hư, huyết ứ phong động: ích khí dưỡng huyết, hoạt lạc tức phong.
– Thể can uất huyết hư, đàm nhiệt sinh phong: khai uất dưỡng huyết, hóa đàm tức phong.
– Thể can thận bất túc, huyết ứ phong động: tư thận nhu can, hoạt huyết tức phong.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Parkinson

– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Parkinson

– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh sử dụng các bài thuốc khác nhau như Định chấn hoàn gia giảm. Địch đàm thang gia giảm. thiên ma câu đằng ẩm gia giảm.
– Châm cứu: Thái xung, hợp cốc, phong trì, ngoại quan, khúc trì, dương lăng tuyền, túc tam lý, tam âm giao, nhân trung, hạ quan…
– Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng và tứ chi giúp khí huyết lưu thông, vận động chân tay linh hoạt hơn…
– Khí công dưỡng sinh: thực hiện các bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình
– Vật lý trị liệu: Kéo giãn và cố định tư thế, Tập các bài tập theo hướng dẫn

VI. Lời khuyên.

– Khi bị bệnh Parkinson người bệnh nên có chế độ nghỉ ngơi, lao động phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
– Vận động, đi lại thận trọng, tránh ngã gây chấn thương.
– Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng:
   + Tăng cường ngũ cốc, các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc có rất nhiều chất chống oxy hóa: rau chân vịt, súp lơ xanh, cà chua, cà rốt, đậu đỏ, quả việt quất, dâu tây, mận và táo, trà (trà xanh và trà đen), café, rượu vang đỏ (với lượng vừa phải), nước ép tối màu như lựu, việt quất.
   + Bổ sung thực phẩm giàu Dopamin: đậu xanh, đậu đỏ, đậu tương, lạc, hạnh nhân, quả hồ đào, hạt điều, óc chó, hạt hướng dương, chuối, rau sam
   + Hạn chế thịt, phủ tạng động vật, sữa nguyên kem, đồ ngọt, thức ăn mặn như dưa cà muối mặn, cá kho, rượu bia…
– Uống ít nhất 1 – 1.5l nước mỗi ngày.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ