Nhiệt miệng Loét miệng: điều trị với vị thuốc dân gian hiệu quả…

Đa số chúng ta đều đã từng bị nhiệt miệng loét miệng một hoặc nhiều lần, dù không nguy hiểm nhưng gây khó chịu, đau đớn, bất tiện khi ăn uống, nói chuyện hay vệ sinh răng miệng…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Nhiệt miệng loét miệng
1. Đại cương
– Nhiệt miệng là một vết loét nhỏ, nông, phát triển ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên nướu răng. Nó còn được gọi là loét áp-tơ (aphthous ulcer).
– Không giống như mụn nước hay lở miệng gây ra từ virus herpes, nhiệt miệng không bao giờ nằm bên ngoài miệng, và không lây lan. Hầu hết chúng sẽ tự biến mất trong một hoặc hai tuần
2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng, bao gồm:
– Bỏng nhiệt do ăn uống thức ăn quá nóng, tổn thương hay gặp ở vòm miệng, chỗ cung răng hàm trên.
– Cắn vào miệng, lưỡi khi ăn, đụng dập, té ngã, bị đánh, các thủ thuật nha khoa như, hàn răng, nhổ răng, lắp răng giả nhưng không vừa… gây tổn thương niêm mạc miệng.
– Do tác động của các chất hóa học như axít, nước vôi, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ…
– Nhiễm khuẩn, nhiễm virut..
– Chế độ ăn thiếu acid folic ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây lở miệng. Tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, dẫn đến cơ thể thiếu các vi chất dinh dưỡng như: vitamin A, C, B2, PP, B6, B12, kẽm, protein… làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh.
– Các yếu tố khác gây viêm loét miệng như: ảnh hưởng của nội tiết tố; do yếu tố di truyền; do dị ứng thức ăn, thuốc chữa bệnh; do bệnh tự miễn…
3. Triệu chứng nhiệt miệng loét miệng
– Bên trong miệng xuất hiện những mụn nước nhỏ hình tròn hoặc bầu dục ở giữa có chấm trắng hoặc vàng nhạt, xung quanh có viền đỏ. Những mụn này dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc miệng, bờ rõ rệt, rất đau và xót khi nói và ăn các chất mặn, uống nước nóng…
– Nơi xuất hiện các vết loét thường là ở mặt trong của má, lợi hay đầu lưỡi…
4. Điều trị
– Nước súc miệng.
– Thuốc bôi tại chỗ.
– Thuốc uống: kháng sinh, chống viêm giảm đau nếu do nhiễm khuẩn hoặc bị sưng đau nhiều.
– Bổ sung dinh dưỡng.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Nhiệt miệng loét miệng
– Nhiệt miệng, loét miệng là bệnh lành tính, chỉ nên sử dụng thuốc Tây y khi thật sự cần thiết.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Nhiệt miệng loét miệng
1. Đại cương
– Nhiệt miệng, loét miệng được mô tả trong phạm vi Chứng Khẩu Cam, Khẩu sang, Nga Khẩu Sang (lở loét, sần sùi giống miệng con vịt), Tuyết Khẩu (vì miệng có màu trắng (của nấm) giống như tuyết.
2. Nguyên nhân
– Hỏa độc, nhiệt độc ở tỳ, vị: Do cảm phải nhiệt độc từ bên ngoài như nắng nóng… xâm nhập vào tỳ, vị. Hỏa độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ..
– Thấp nhiệt ở tỳ, vị. Do ăn uống nhiều chất béo, cay, khó tiêu… nhiệt độc cộng với tân dịch (nước miếng) ở miệng, lâu ngày nung đốt niêm mạc miệng, lưỡi (gọi là thấp nhiệt) gây nên những vết loét, nứt nẻ, những đám nấm trắng ở miệng lưỡi, dân gian quen gọi là đẹn, tưa lưỡi…
– Thận âm hư, vị âm hư làm hư hỏa bốc lên mà gây viêm.
3. Triệu chứng
– Thực hỏa: vết loét đỏ, sưng, có mủ. Đau nóng rát tại chỗ, tăng khi ăn đố cay nóng, mặn. Khô miệng, hơi thở hôi. Rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, nước tiểu đỏ, táo bón. Mạch hoạt sác.
– Hư hỏa: vết loét hơi đỏ, niêm mạc sưng nhẹ, đau ít. Cảm giác háo khát, nóng trong, người mệt mỏi. rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Thường tái phát khi mệt.
4. Điều trị
– Thực hỏa:
+ Pháp điều trị: Thanh nhiệt tả hỏa ở tâm tỳ.
– Hư hỏa:
+ Pháp điều trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Nhiệt miệng loét miệng
– Nhiệt miệng, loét miệng là bệnh lành tính, sử dụng các vị thuốc Nam bôi, ngậm, súc miệng rất hiệu quả.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Nhiệt miệng loét miệng
– Thuốc Nam: ngậm, súc miệng bằng các loại thuốc chua chát có tính sát trùng và làm săn da: nước trà tươi, nước đỗ đen đặc, quả sung, rau diếp cá, húng chanh, vỏ xoài… có tác dụng kháng khuẩn, làm săn da, khử mùi hôi miệng…
+ Súc miệng (hoặc ngậm trong miệng một lúc) bằng nước muối loãng. Nước muối có tính sát khuẩn cao sẽ tiêu diệt vi khuẩn ở các vết loét và khiến chúng nhanh chóng lành lặn trở lại.
+ Khế chua 2 – 3 quả, giã nát, đổ ngập nước đun sôi một lúc, khi thuốc nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày.
+ Mật ong hoặc trộn mật ong với bột nghệ rồi thoa vào chỗ bị loét trong miệng. Mật ong kháng khuẩn, nghệ kháng viêm sẽ giúp vết loét nhanh bình phục, không bị sẹo, kích thích các mô phát triển.
+ Lá rau ngót, lá Cỏ mực: Rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 – 3 lần
– Thuốc Đông y: Đạo xích tán gia giảm. Lục vị tri bá gia giảm
VI. Cách phòng Nhiệt miệng loét miệng hiệu quả
– Hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, uống nhiều nước, bổ sung vitamin bằng các loại rau quả tươi.
– Tránh làm tổn thương niêm mạc miệng khi đánh răng hay ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ để tránh strees.
– Vệ sinh răng miệng tốt để tránh viêm nhiễm niêm mạc miệng, họng.
– Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý hằng ngày.
VII. Lời khuyên.
– Khi có triệu chứng nhiệt miệng, loét miệng, bạn nên tham khảo các nhà chuyên môn để được tư vấn, chăm sóc đúng cách, tránh tình trạng vết loét tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm.
– Những người bị lở miệng tái phát quá nhiều và khó lành cần đi khám để phát hiện và điều trị từ các bệnh nguyên nhân, chẳng hạn như luput ban đỏ hệ thống
– Khi bị nhiệt miệng, nên sử dụng đồ ăn uống có tính mát như:.
+ Uống nước đỗ đen, nước sắn dây, nước rau má, rau ngô
+ Uống nhiều nước. Kiêng nước đá lạnh.
+ Hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu, thịt chó, các loại mắm.… Nên ăn như cá nước ngọt, ba ba, vịt, ngan…nên ăn nhạt.