Mất ngủ, khó tập trung cách phòng và điều trị không dùng thuốc hiệu quả

Mất ngủ hay Rối loạn giấc ngủ là những than phiền liên quan đến việc khó đi vào giấc ngủ, dễ thức giấc, ngủ không ngon giấc, ngủ ít, thường xuyên và kéo dài sự tỉnh giấc… kèm theo là sự khó chịu và suy giảm trong ngày liên quan đến mất ngủ như dễ kích thích, khó chịu đựng áp lực, khó tập trung…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
1. Đại cương
– Giấc ngủ là một trạng thái tự nhiên của con người, lặp lại theo chu kỳ sinh học. Khi trời tối, não người tiết ra một chất gọi là melatonin, làm cho người ta buồn ngủ và ngủ. Khi ngủ, cơ thể con người giảm các hoạt động cơ bắp, thư giãn và giảm tiếp nhận các cảm giác.
– Giấc ngủ bình thường là ngủ đúng giờ, có đủ thời gian cho nồng độ chất melatonin trong máu đạt mức cao nhất, và nhiệt độ cơ thể đạt tới mức thấp nhất. Thời lượng ngủ không nói lên tình trạng mất ngủ, mà quan trọng là cảm giác thế nào vào hôm sau. Nếu lúc tỉnh dậy mà cơ thể vẫn choáng váng và gà gật thì chắc chắn bạn thiếu ngủ.
– Mất ngủ là một tình trạng đặc trưng bởi giảm chất lượng và số lượng giấc ngủ mặc dù đã có đủ cơ hội để ngủ có thể dẫn đến giảm hoạt động vào ban ngày.
2. Nguyên nhân
– Căng thẳng thần kinh, stress…
– Rối loạn nhịp sinh học của cơ thể: thay đổi về công việc, thay đổi múi giờ, thay đổi độ cao, …
– Sử dụng các chất kích thích não: cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc có tính kích thích…
– Do ăn quá nhiều, ăn quá muộn vào buổi tối.
– Do rối loạn hoóc-môn: mang thai, mãn kinh…
– Các bệnh lý về tâm thần: lo âu, trầm cảm, rối loạn phân li lưỡng cực, tâm thần phân liệt …
– Các bệnh lý về thần kinh: tổn thương não, u não, đột quỵ, bệnh Parkinson, Alzheimer, …
– Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ …
– Do các nguyên nhân khác: do dùng thuốc, do môi trường ngủ không tốt (ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ…), ngủ cùng người ngáy hoặc nghiến răng.
3. Triệu chứng
– Khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, hoặc thức dậy quá sớm, hoặc ngủ dậy vẫn mệt hoặc là giấc ngủ kém chất lượng.
– Các dấu hiệu trên xuất hiện ngay cả khi có cơ hội và hoàn cảnh thích hợp để có thể có giấc ngủ ngon.
– Ảnh hưởng đến sinh hoạt ngày hôm sau:
+ Mệt mỏi, khó chịu.
+ Giảm sự chú ý, tập trung trí nhớ.
+ Buồn ngủ vào ban ngày.
+ Giảm động lực, năng lượng sống, hoặc giảm sự chủ động.
+ Thường xảy ra lỗi tại nơi làm việc hoặc trong khi lái xe.
+ Căng thẳng, đau đầu, ăn không ngon miệng, đầy bụng…
+ Rối loạn trong hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp hoặc kết quả học tập kém.
+ Mối quan tâm hay lo lắng về giấc ngủ.
4. Điều trị
– Điều trị không dùng thuốc: Vệ sinh giấc ngủ, kiểm soát kích thích, thư giãn, trị liệu hạn chế giấc ngủ, liệu pháp nhận thức và liệu pháp nhận thức hành vi
– Thuốc: nhóm benzodiazepine, thuốc chống trầm cảm và giải lo âu…
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
– Việc sử dụng thuốc Tây y để điều trị chứng Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc, thay đổi thuốc hoặc tăng giảm liều thất thường để tránh hiện tượng nhờn thuốc hoặc các tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ cả ngày, hoang tưởng, dị ứng…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
1. Đại cương
Mất ngủ trong Y học cổ truyền gọi là chứng “thất miên”, “bất mị”, “bất đắc miên”… và thường kèm thêm các triệu chứng: đau đầu, váng đầu, tâm phiền, hay quên…
2. Nguyên nhân
– Suy nghĩ hay lao lực nhiều lần làm tổn thương tới chức năng của hai tạng Tâm, Tỳ vì vậy dẫn đến nguồn sinh huyết dịch bị tiêu hao đi, không thể dưỡng tâm để tàng thần… sẽ dẫn đến mất ngủ. Đây là do tâm tỳ hư mà dẫn đến mất ngủ mà gốc là huyết hư.
– Tâm thận bất giao: bẩm sinh hư nhược hoặc mắc bệnh lâu ngày… làm cho thận âm bị hao tổn không giao hòa được với tâm, thận thủy không đủ làm cho âm bất thăng lên, dẫn đến tâm hỏa vượng mà sinh ra mất ngủ.
– Ăn uống không điều độ, dẫn đến thức ăn ngưng trở lại ở trung tiêu, lâu ngày thành đàm hóa nhiệt nhiễu động lên trên dẫn đến mất ngủ.
– Lo lắng, suy nghĩ căng thẳng, đột nhiên bị kinh sợ, làm nhiễu loạn tâm thần dẫn đến tâm phiền bất an mà đưa tới mất ngủ.
3. Triệu chứng
– Tâm huyết âm hư: Hư phiền mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, tâm thần suy nhược, mộng tinh, quanh miệng lở loét, mạch tế sác.
– Tâm tỳ huyết hư: Cả đêm không ngủ hoặc lúc ngủ lúc tỉnh, hoặc mộng nhiều dễ tỉnh, hồi hộp, hay quên, người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sắc không nhuận, lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược.
– Can uất hóa hỏa: Khó ngủ, đau đầu, chóng mặt, ù tai, táo bón, tiểu vàng hoặc đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
– Tâm thận bất giao: Mất ngủ, ư phiền, đầu váng, mắt hoa, ù tai, họng khô, đau âm ỉ vùng thắt lưng, mỏi gối, mộng mị nhiều, di tinh, triều nhiệt, đạo hãn, tiểu tiện đỏ, lưỡi thon đỏ không rêu, mạch tế sác.
4. Điều trị
– Tâm tỳ lưỡng hư: dưỡng tâm kiện tỳ, an thần.
– Can uất hóa hỏa: thanh can, an thần.
– Tâm huyết âm hư: dưỡng tâm an thần.
– Tâm thận bất giao: giao thông tâm thận.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, việc điều trị cần kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, tránh lo âu…
V. Phương pháp kết hợp điều trị Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
– Nghỉ ngơi, loại bỏ các yếu tố gây mất ngủ, không sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu…
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Quy tỳ thang, Long đởm tả can thang, Thiên vương bổ tâm đơn, Hoàng liên a giao thang…
– Thuốc Nam: sử dụng các loại trà, các món ăn có tác dụng an thần như Trà Tâm sen, Thảo quyết minh, Hạt sen…
– Xoa bóp bấm huyệt, thư giãn toàn thân.
– Châm cứu: Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, Bách hội, Thất miên, Tâm du, Tỳ du, Thận du, Can du…
VI. Cách phòng chống Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ hiệu quả
– Nên ngủ sớm và dậy sớm. Đi ngủ vào một giờ cố định.
– Phòng ngủ yên tĩnh, thoáng khí, tắt ánh sáng, nhiệt độ trong phòng từ 25 – 28 độ C
– Sử dụng giường và phòng ngủ chỉ cho ngủ hoặc quan hệ. Không đọc, xem TV, làm việc hoặc ăn trên giường.
– Trước khi ngủ tránh thảo luận căng thẳng, tránh đọc những vấn đề gây suy nghĩ nặng và xúc động mạnh.
– Thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như đọc sách, âm nhạc, các bài tập thở, yoga hoặc cầu nguyện.
– Tránh hoặc hạn chế những giấc ngủ ngắn. Ngủ trưa có thể làm cho khó để ngủ vào ban đêm, ngủ trưa không quá 30 phút và không ngủ trưa sau khi 15h
– Tránh hoặc hạn chế uống cà phê, rượu và thuốc lá. Rượu có thể làm cho cảm thấy buồn ngủ nhưng thức giấc thường xuyên.
– Tránh bữa ăn lớn và đồ uống trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều vào buổi tối có thể cản trở giấc ngủ. Uống ít hơn trước khi đi ngủ để sẽ không phải đi tiểu thường xuyên.
– Hãy ra khỏi giường khi không ngủ. Cố gắng ngủ sẽ khó khăn hơn, trở lên càng tỉnh táo. Đọc hay xem truyền hình cho đến khi trở nên rất buồn ngủ, sau đó đi đến giường ngủ.
– Kiểm soát đau và điều trị các bệnh lý liên quan.
VII. Lời khuyên.
Mất ngủ là một tình trạng hay gặp, làm giảm chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của một người, nếu bạn đang vật lộn với chứng mất ngủ, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm ra lựa chọn điều trị tốt nhất.