MẮC COVID-19 NÊN XÔNG HƠI KHÔNG?

MẮC COVID-19 NÊN XÔNG HƠI KHÔNG?
Xông hơi là một trong 8 biện pháp chữa bệnh của Y học cổ truyền: sử dụng nhiệt kết hợp với dược liệu thúc đẩy tăng tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông, có tác dụng đẩy các nguyên nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể, làm hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau…
Theo y học hiện đại, các biện pháp xông hơi có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, tinh dầu gây cảm giác thư giãn, nâng cao hệ miễn dịch, giúp người cảm cúm mau khỏi bệnh.
“Xông hơi không chỉ tác dụng với SARS-CoV-2 mà còn hữu ích cho các loại virus lây qua đường hô hấp nói chung… Vừa tốt cho sức khỏe vừa không tốn kém. Vì vậy tại sao chúng ta không làm?” GS.TS. Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai; Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam nêu quan điểm.
Tuy nhiên, xông hơi quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn. Xông hơi nhiều lần, súc họng nước muối nhiều lần làm tổn thương niêm mạc hô hấp, dễ gây bội nhiễm thêm các bệnh hô hấp khác.
Xông hơi không tiêu diệt virus nhưng nó giúp cho hệ hô hấp thông thoáng, tinh thần thư giãn, mau lành bệnh. Hoặc xông phòng ở để phòng thông thoáng, dễ chịu.
Công thức nồi lá xông gồm: Các cây lá tự nhiên có tinh dầu như vỏ bưởi, lá bưởi, lá tre, hương nhu, tía tô, sả, gừng tươi…
Lưu ý: Không xông quá nóng hoặc xông quá lâu gây tổn thương niêm mạc hô hấp, gây hại nhiều hơn. Mỗi lần xông nên chỉ từ 10 – 15 phút là đủ. Không xông khi sốt hơn 38 °C.