Loãng xương: với các triệu chứng đau xương khớp, chuột rút.

Xu thế tuổi thọ ngày càng tăng, loãng xương cũng trở thành một bệnh lý ngày càng phổ biến, bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi và là một trong những nguyên nhân chính gây gãy xương, tật nguyền, tử vong ở người cao tuổi.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Loãng xương
1. Đại cương
Xương được cấu tạo bởi khuôn xương và các hợp chất khoáng, có chức năng vận động, bảo vệ và chuyển hóa.
Loãng xương là một bệnh lý cơ xương khớp toàn thân do chất lượng xương bị giảm, thoái hóa kết cấu vi thể làm cho xương trở nên giòn và dễ gãy.
2. Nguyên nhân
– Loãng xương nguyên phát: do quá trình lão hóa gặp ở người già hoặc do thiếu hụt, rối loạn kích tố nữ gặp ở phụ nữ mãn kinh hoặc cắt tử cung buồng trứng.
– Loãng xương thứ phát: gặp ở mọi lứa tuổi
+ Do bệnh đường tiêu hóa, dinh dưỡng: Hội chứng giảm hấp thu, thiếu Calci, thiếu vitamin C, uống nhiều rượu. hút thuốc lá…
+ Do bệnh nội tiết: Cushing, Suy tuyến sinh dục, thiểu năng tuyến yên, tiểu đường, cường giáp…
+ Do thận: suy thận, chạy thận nhân tạo chu kỳ…
+ Do thuốc: lạm dụng corticoid hoặc heparin kéo dài
+ Bất động quá lâu: liệt nửa người, nhà du hành vũ trụ…
3. Triệu chứng
Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng đặc trưng, thường biểu hiện khi trọng lượng xương giảm trên 30% hoặc sau chấn thương…
– Đau xương: cảm giác đau mỏi toàn thân, thường đau vùng thắt lưng và chậu hông.
– Biến dạng cột sống: Gù, vẹo cột sống, lưng còng, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy
– Gãy xương: thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
– Đo mật độ xương: BMD từ -1,5 đến – 2,4 SD
4. Điều trị
– Thuốc Bisphosphonate
– Thuốc điều hòa lượng kích thích tố nữ
– Kích thích tố tuyến cận giáp trạng Teriparatide
– Calcium
– Calcitoni
– Vitamin D
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Loãng xương
Thuốc điều trị Loãng xương có thể gặp một số tác dụng phụ như:
– Thuốc Bisphosphonate gây rối loạn tiêu hóa, nhức bắp thịt xương khớp, khó chịu vùng thượng vị…
– Thuốc điều hòa lượng kích thích tố nữ gay cảm giác bốc hỏa, tăng tỷ lệ ung thư vú, tai biến mạch máu não…
– Kích thích tố tuyến cận giáp trạng Teriparatide gây buồn nôn, choáng váng, chuột rút…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Loãng xương
1. Đại cương
Theo Y học cổ truyền, Loãng xương thuộc chứng Yêu thống, Cốt khô, Cốt thống, Hư lao…
2. Nguyên nhân
– Thận hư: Tiên thiên bất túc, hậu thiên thất dưỡng, phòng dục quá độ làm tổn thương chân âm, nguyên dương dẫn đến tinh huyết bất túc, thận dương suy yếu không thể sinh tủy mạnh cốt.
– Tỳ vị hư nhược: ăn uống không điều độ làm tỳ vị bị tổn thương, tinh hậu thiên bất túc không tư dưỡng được thận tinh làm cho cốt bị thất dưỡng mà gây bệnh.
– Can thận âm hư, phong thấp xâm nhập vào cơ thể, ứ trệ ở cân cốt làm khí huyết tắc trở gây loãng xương.
3. Triệu chứng
Dựa vào nguyên nhân và chứng trạng, Y học cổ truyền chia thành 4 thể bệnh
– Thận dương hư: Đau lưng, cảm giác đau mỏi, không có lực. Gù cong vùng thắt lưng. Sợ lạnh chân tay lạnh, tứ chi kém linh hoạt. Rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi to bè. Mạch trầm tế
– Thận âm hư: Đau mỏi lưng và chân tay, cốt trưng triều nhiệt, ngũ tâm phiền nhiệt. Hồi hộp trống ngực, hoa mắt, chóng mặt, ù tai. Chất lưỡi đỏ, ít rêu. Mạch huyền vi sác
– Can thận âm hư, phong thấp xâm nhập: Đau mỏi lưng và chân tay, vận động khó, họng khô, lòng bàn tay bàn chân đỏ, đạo hãn tự hãn. Lưỡi hồng rêu lưỡi mỏng. Mạch tế sác
– Tỳ vị hư nhược: Chân tay tê mỏi, không muốn vận động. Chóng mặt, miệng nhạt, ăn kém, bụng trướng, phân nát. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, Mạch tế nhược vô lực.
4. Điều trị
– Thể Thận dương hư: Ôn thận ích tủy.
– Thể Thận âm hư: Tư bổ thận âm.
– Thể Can thận âm hư, phong thấp xâm nhập: Bổ can thận trừ phong thấp.
– Thể Tỳ vị hư nhược: Kiện tỳ ích vị.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Loãng xương
– Thuốc Đông y thường phát huy tác dụng từ từ, nhưng hiệu quả, an toàn và ít tác dụng phụ.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Loãng xương
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Hữu quy hoàn, Lục vị địa hoàng hoàn, Độc hoạt ký sinh thang, Tứ quân tử thang …
– Xoa bóp bấm huyệt, vận động khớp nhẹ nhàng.
– Khí công dưỡng sinh: sử dụng các bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình thể.
– Sử dụng món ăn – bài thuốc có tác dụng bổ thận, tráng dương, mạnh cân cốt
VI. Cách phòng chống Loãng xương hiệu quả
– Bổ sung thức ăn giàu Canxi như trứng, sữa, tôm, cua, cá…, Vitamin D: gan, sữa, ngũ cốc…, tăng cường rau củ quả có nhiểu estrogen thực vậy như giá đỗ, mầm đậu nành…
– Hạn chế thức ăn nhiều muối, nhiều dầu mỡ như: dưa cà muối mặn, đồ hộp, thức ăn chiên rán
– Không nên hút thuốc lá, uống nhiều rượu, nhiều cà phê…
– Tập thể dục, bơi, khí công dưỡng sinh, vận động thường xuyên giúp dự trữ canxi cho xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm khả năng té ngã và gẫy xương.
– Không tự ý sử dụng thuốc như corticosteroid, Heparin…
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo mật độ xương 2 lần / năm để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của bệnh.
VII. Lời khuyên.
– Khi có dấu hiệu bị loãng xương, bạn nên gặp các y bác sĩ để được thăm khám và tuân thủ điều trị.
– Đo lại mật độ xương sau mỗi 1-2 năm để đánh giá kết quả điều trị
– Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài, thường 3 -5 năm. Sau đó đánh giá lại tổng thể tình trạng bệnh để quyết định phương hướng điều trị tiếp theo