Huyệt Nhân Trung

Huyệt Nhân Trung còn gọi là Quỷ Cung, Quỷ Khách Sảnh, Quỷ Thị, Thủy Cấu.
Ý nghĩa tên gọi Huyệt Nhân Trung:
– Theo các sách xưa, môi trên được gọi là Nhân trung (Giáp Ất Kinh), Huyệt nằm ở vùng rãnh mũi – môi nên gọi là Nhân Trung. Thủy (có nghĩa là nước); Cấu ( có nghĩa là rãnh). Huyệt nằm trên rãnh nước nên có tên gọi là Thủy Cấu.
Kinh mạch:
– Huyệt thứ 26 của mạch Đốc.
– Hội của mạch Đốc với các kinh Thủ Dương minh Đại trường và Túc Dương minh Vị.
– Nơi nhận khí của kinh Đại Trường và Vị.
– Nơi giao chéo của 2 đường kinh Đại Trường.
– Một trong ‘Thập Tam Quỷ Huyệt’ với tên gọi là Quỷ Cung.
Vị trí của Huyệt Nhân Trung:
– Ở chính giữa khe, sống mũi thẳng xuống, trong chỗ lõm gần lỗ mũi.
– Lấy ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh Nhân trung, giữa đáy rãnh.
Giải phẫu:
– Dưới da là cơ vòng môi trên.
– Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây sọ não số VII.
– Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng điều trị của Huyệt Nhân Trung:
– Tại chỗ: miệng méo (liệt mặt ngoại biên), đau dây thần kinh V, co giật môi trên, cảm giác kiến bò ở trên môi.
– Theo đường kinh: Đau cứng vùng lưng và thắt lưng.
– Toàn thân: Cấp cứu ngất, hôn mê của các bệnh kinh phong của trẻ em, trúng phong, cấm khẩu, động kinh, điên cuồng, trụy tim mạch.
Kỹ thuật châm, cứu:
– Châm thẳng 0.2 – 0.3 thốn hoặc châm xiên 0.5 – 1 thốn, rút kim ra nặn một giọt máu khi cần tả.
– Khi điều trị chứng chảy nước miếng thì trước hết châm mũi kim hướng lên trên xong rút kim ra đến dưới da, rồi châm qua bên trái bên phải, gọi là “Tam Thấu Pháp”.
– Cứu 5 – 10 phút nhưng cứu ít hiệu quả hơn châm.