Huyệt Hợp Cốc

Còn gọi là Hổ Khẩu. Huyệt ở vùng hổ khẩu, có hình dạng giống như chỗ gặp nhau (hợp) của miệng hang (cốc), vì vậy gọi là Hợp Cốc, Hổ Khẩu.
Kinh mạch
– Huyệt thứ 4 và là huyệt Nguyên của kinh Thủ Dương minh Đại Trường. (Huyệt Nguyên là huyệt tập trung nhiều khí huyết nhất của đường kinh)
– Một trong Lục Tổng Huyệt trị bệnh vùng mắt, đầu, miệng.
Vị trí Huyệt Hợp cốc
Có nhiều cách xác định vị trí Huyệt Hợp cốc
– Cách 1: Ở bờ ngoài, giữa xương bàn ngón tay 1 và 2.
– Cách 2: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ – ngón cái.
– Cách 3: Ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào chỗ da nối ngón trỏ và ngón cái (hổ khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu bàn tay giữa 2 xương bàn 1 và 2), đầu ngón tay ở đâu, nơi đó là huyệt, ấn vào có cảm giác ê tức.
Giải phẫu
– Dưới da là cơ gian cốt mu tay, bờ trên cơ khép ngón tay cái, bờ trong gân cơ duỗi dài ngón tay cái.
– Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh tay quay.
– Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6–C7.
Tác dụng điều trị của Huyệt Hợp cốc
– Đau ngón trỏ, đau mu bàn tay, đau vai cánh tay
– Liệt mặt ngoại biên (Liệt VII ngoại biên), đau dây thần kinh số V.
– Ù tai, điếc tai cơ năng.
– Viêm miệng, viêm tuyến nước bọt mang tai, đau răng.
– Viêm màng tiếp hợp, đau mắt…Viêm mũi dị ứng, chảy máu cam…
– Đau đầu, sốt cao không có mồ hôi
– Táo bón, kiết lị…
– Làm co bóp tử cung.
Kỹ thuật châm, cứu
– Châm thẳng 0,5 – 0.8 thốn.
– Cứu điếu ngải 3 – 7 phút.
Lưu ý
Phụ nữ có thai không châm huyệt Hợp cốc.