Huyệt Dương bạch

Huyệt Dương Bach: Dương (bên ngoài, bên trên, phía trước là Dương, đối nghịch với Âm); Bạch (có nghĩa là trắng hay sáng). Huyệt có tác dụng làm sáng mắt và nằm trên trán nơi mà nó hứng ánh sáng mặt trời, do đó mà có tên Dương bạch.
Kinh mạch
– Huyệt thứ 14 thuộc đường kinh Túc Thiếu dương Đởm.
– Hội của kinh Thiếu dương ở chân với kinh Dương minh ở chân, tay và mạch Dương duy
Vị trí của Huyệt Dương Bạch
– Từ chính giữa mắt (đồng tử) thẳng lên trên lông mày 1 thốn. Hoặc lấy ở trên đường thẳng qua chính giữa mắt và ở phía trên lông mày 1 tấc.
Giải Phẫu
– Dưới da là cơ trán, xương trán.
– Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt.
– Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng điều trị của Huyệt Dương Bạch:
– Trị liệt mặt ngoại biên (liệt dây thần kinh số VII ngoại biên). Đau dây thần kinh V, đặc biệt là đau do tổn thương nhánh 1 của dây thần kinh V.
– Bệnh về mắt: song thị, loạn thị, quáng gà, cận thị, giảm hoặc mất thị lực, viêm màng tiếp hợp, chắp, lẹo, sụp mi…
– Đau đầu, nhức đầu vùng trán do nhiều nguyên nhân…
– Hoa mắt, chóng mặt …
– Viêm xoang …
Kỹ thuật châm, cứu:
– Châm xiên 0.3 – 0.5 thốn. Có thể châm xiên đầu mũi kim hướng xuống dưới đến huyệt Ngư Yêu, hoặc châm xiên hai bên đầu mũi kim hướng đến huyệt Toản Trúc hoặc Ty Trúc Không. Tránh châm quá sâu.
– Cứu điếu ngải: 2 – 7 phút. Tránh gây bỏng hoặc để tàn điếu ngải rơi vào vùng mắt.
Phối Huyệt
– Giải Khê + Hợp Cốc trị đầu đau như búa bổ (Ngọc Long Ca).
– Địa Thương + Khiên Chính + Tứ Bạch trị liệt mặt (Châm cứu Học Thượng Hải).
– Hợp Cốc + Phục Lưu + Toàn Trúc trị mắt nhìn ảnh đôi (song thị) (Châm cứu Học Thượng Hải).
– Khiếu Âm + Não Hộ + Ngọc Chẩm trị nhãn cầu đau nhức (Châm cứu Học Thượng Hải).
– Đầu Duy + Phong Trì + Thái Dương trị mi mắt sụp xuống (Châm cứu Học Thượng Hải).