Hội chứng ống cổ tay: Tê đau các ngón tay khi lạnh, vận động

Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay

Nếu bạn hay bị tê vùng cổ tay, lan xuống bàn ngón tay, tăng lên khi đi xe máy, gõ máy tính…rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh lý Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là Hội chứng đường hầm cổ tay.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Hội chứng ống cổ tay

1. Đại cương

– Ống cổ tay là một ống hẹp được tạo bởi các xương cổ tay và dây chằng ngang cổ tay. Đi trong ống cổ tay là các gân cơ gấp chung nông, gân cơ gấp chung sâu các ngón tay và dây thần kinh giữa.
– Dây thần kinh giữa chi phối vận động các cơ vùng lòng bàn tay và gốc ngón cái. Đồng thời nó còn chi phối cảm giác cho ngón cái và ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón nhẫn.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng viêm gân gấp hoặc bao hoạt dịch gân gấp gây tăng áp lực trong ống cổ tay, dẫn đến chèn ép dây thần kinh giữa.
– Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tê tay, teo bàn tay, thường gặp ở người trẻ tuổi, người sử dụng nhiều các cử động ở cổ tay như đếm tiền, gói hàng, đánh máy tính… Nữ bị nhiều hơn nam.

2. Nguyên nhân

– Bệnh nghề nghiệp ở người sử dụng cổ tay, bàn tay thường xuyên, chấn động rung do dụng cụ cầm tay: nhân viên đánh máy, nội trợ…
– Thoát vị bao hoạt dịch khớp cổ tay, viêm – xơ hóa các dây chằng vùng cổ tay, viêm bao hoạt dịch gân gấp chung các ngón tay nông và sâu, viêm khớp dạng thấp…
– Viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường, nhiễm độc rượu mạn tính.
– Chấn thương vùng cổ tay, bất thường giải phẫu ống cổ tay.
– Tăng thể tích ống cổ tay: mang thai, béo phì

3. Triệu chứng

– Rối loạn cảm giác: tê bì, dị cảm, đau buốt như kim châm hoặc rát bỏng vùng da từ ống cổ tay đến ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón nhẫn. Tăng về đêm hoặc khi sử dụng cổ tay nhiều.
– Rối loạn vận động: thường gặp khi bệnh đã nặng. Biểu hiện yếu cơ dạng ngón cái ngắn, muộn hơn có thể thấy teo cơ vùng gốc ngón tay cái (ô mô cái).
– Khi duỗi cổ tay tối đa và gõ trên ống cổ tay thấy cảm giác đau hay tê giật lên các ngón tay.
– Khi gấp cổ tay tối đa trong thời gian ít nhất là 1 phút gây cảm giác tê tới các đầu ngón tay.

4. Điều trị

– Bệnh nhân cần tránh các cử động lặp lại nhiều lần của cổ tay. Dùng nẹp cổ tay cho những bệnh nhân có nghề nghiệp phải cử động cổ tay nhiều.
– Thuốc kháng viêm không steroid NSAID.
– Thuốc tăng dẫn truyền thần kinh.
– Tiêm corticoide.
– Phẫu thuật với trường hợp điều trị bằng các phương pháp trên không hiệu quả

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Hội chứng ống cổ tay

– Các thuốc chống viêm không steroid giúp giảm đau nhưng không giảm nguyên nhân bệnh.
– Tiêm corticoid thường có tác dụng trong thời gian ngắn.
– Mặt khác, có thể gặp nhiều tác dụng phụ của thuốc như: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đau dạ dày, hại chức năng gan, thận…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Hội chứng ống cổ tay

1. Đại cương

– Các triệu chứng của Hội chứng ống cổ tay được mô tả trong chứng Ma mục của Y học cổ truyền

2. Nguyên nhân

– Do phong, hàn, thấp thừa cơ vệ biểu suy yếu mà xâm nhập làm kinh lạc bị tắc trở sinh ra bệnh
– Do bệnh lâu ngày, ăn uống thất thường hoặc phòng dục không điều độ làm thể chất suy yếu, khí bị hư suy dẫn đến khí trệ làm huyết không được vận hành thông suốt mà gây bệnh.
– Do huyết dịch không đầy đủ (sau sinh, thiếu máu hoặc bệnh lâu ngày): tân và huyết có tác dụng tư nhuận và nhu dưỡng bì phu cơ nhục. Tân và huyết thiếu khiến kinh lạc, cơ, biểu, bì mao không được nuôi dưỡng đầy đủ gây nên chứng tê; lâu dần sẽ dẫn đến chứng nhục nuy.

3. Triệu chứng

– Thể phong hàn thấp: đau nhức, tê bì vùng cổ tay, bàn ngón tay cái, trỏ, giữa và một nửa ngón nhẫn. Tăng về đêm hoặc khi gặp gió lạnh, chườm ấm dễ chịu. Sợ lạnh, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng dính hoặc vàng, mạch phù
– Thể khí hư: tê bì, dị cảm vùng cổ tay, bàn ngón tay cái, trỏ, giữa và một nửa ngón nhẫn. Người mệt, đoản hơi, đoản khí, ngại nói, lưỡi nhạt, mạch hư vô lực.
– Thể huyết hư: tê bì, dị cảm, châm chích vùng cổ tay, bàn ngón tay cái, trỏ, giữa và một nửa ngón nhẫn. Sắc mặt xanh xao, môi nhợt, hoa mắt chóng mặt, chất lưỡi nhạt, mạch tế.

4. Điều trị

– Thể phong hàn thấp
+ Pháp điều trị: khu phong tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.
– Thể khí hư
+ Pháp điều trị: bổ khí ích khí, hoạt huyết.
– Thể huyết hư
+ Pháp điều trị: dưỡng huyết, hoạt huyết.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Hội chứng ống cổ tay

– Thuốc Đông y tác dụng giảm đau chậm, vì vậy nên kết hợp các biện pháp khác như Châm cứu, Thủy châm, Xoa bóp bấm huyệt… để tăng hiệu quả điều trị, tuy nhiên các phương pháp trên đòi hỏi bệnh nhân phải điều trị nội trú hoặc đến cơ sở y tế điều trị hàng ngày.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Hội chứng ống cổ tay

– Nẹp cổ tay, tránh các cử động lặp lại nhiều lần của cổ tay.
– Thuốc đông y: Quế chi thang gia giảm, Bổ trung ích khí thang gia giảm, Tứ vật thang gia giảm.
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động khớp cổ tay: A thị huyệt, Nội quan, Thái Uyên, Đại lăng, Giản sử, Ngư tế, Lao cung, Lạc chẩm, Bát tà…
– Châm cứu: luân phiên sử dụng các huyệt trên
– Thủy châm: Vitamin 3B
– Chườm nóng: Xông thuốc, chườm thuốc, cứu điếu ngải cùng cổ tay bàn tay.
– Vật lý trị liệu: Hồng ngoại, điện xung, điện phân, siêu âm trị liệu….
– Bài tập OMT
– Thuốc Tây y: Mobic, Nucleo CMP

VI. Cách phòng Hội chứng ống cổ tay chống hiệu quả

– Tránh các động tác gập duỗi cổ tay lặp đi lặp lại nhiều lần, hạn chế dùng chuột vi tính hay gõ bàn phím lâu, có thể dùng miếng lót cổ tay khi ngồi làm việc… Không nắm các dụng cụ quá mạnh.
– Không gối đầu lên tay khi ngủ.
– Tập thể dục thư giãn cổ tay theo cách chống bàn tay lên mặt phẳng bàn, tập gập căng cổ tay giữ vài giây.
– Điều trị các bệnh lý có thể gây hẹp ống cổ tay: Gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân…
– Ngâm tay nước muối ấm, xoa bóp vùng cổ tay và các ngón tay.
– Chế độ ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B6 (ngũ cốc, trứng, cá, sữa..)

VII. Lời khuyên.

– Hội chứng ống cổ tay rất là bệnh rất hay gặp, việc được phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng giúp phục hồi nhanh chóng, nếu để muộn có thể teo cơ và hạn chế vận động bàn tay.
– Nếu xuất hiện các triệu chứng của Hội chứng ống cổ tay thì nên dừng hoặc giảm các hoạt động gây áp lực lên ngón tay, bàn tay, cổ tay hoặc thay đổi tư thế hoạt động, xoa bóp cổ tay và bàn ngón tay.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ