Điều trị lẹo mắt đơn giản và hiệu quả

Mụn lẹo ở mắt là bệnh rất hay gặp nhưng không phải ai cũng biết cách điều trị lẹo mắt đơn giản và hiệu quả, hạn chế tái phát.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Lẹo mắt
1. Đại cương
Lẹo là một nhiễm trùng của tuyến bã nhờn ở chân lông mi, thường do tụ cầu vàng gây nên. Lẹo là một nhọt cấp tính ở bờ tự do của mi mắt, có khả năng sinh mủ.
Lẹo rất hay tái phát, có thể lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp..
2. Nguyên nhân
Do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như Staphylocoque gây nên.
3. Triệu chứng
Lúc đầu bệnh nhân thấy cảm giác nóng ở bờ mi, vướng, khó chịu, nhìn mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau, tiếp đó ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt gạo, sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ.
4. Điều trị lẹo mắt
– Kháng sinh uống hoặc bôi tại chỗ.
– Trích, rạch lẹo khi dùng thuốc không có kết quả.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Lẹo mắt
– Thuốc Kháng sinh có thể gây một số tác dụng phụ: dị ứng, loạn khuẩn…
– Chích rạch mủ cần được thực hiện vô trùng, nếu không có thể gây nhiễm trùng ổ mắt.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Lẹo mắt
1. Đại cương
Lẹo mắt còn được Y học cổ truyền gọi là Thâu châm nhỡn, Nhỡn đan.
2. Nguyên nhân
Do nhiệt độc từ bên ngoài xâm nhập vào mí mắt.
3. Triệu chứng
Thấy vướng ở mi mắt, ngứa, đau, sau đó da mí mắt sưng đỏ, xuất hiện mủ, khi ngòi mủ vỡ ra thì triệu chứng giảm dần, có thể có sưng hạch trước tai, sốt, sợ nóng thích mát, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch sác.
4. Điều trị
Phác đồ: thanh nhiệt giải độc
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Lẹo mắt
Theo Y học cổ truyền, điều trị Lẹo máu bằng cách chích nặn máu huyệt Phế du, Nhĩ tiêm rất hiệu quả, 1đến 3 ngày sau triệu chứng giảm rõ rệt, không tái phát sau 3 tháng. Tuy nhiên, nếu nốt to, đã có chân mủ trắng thì lâu hơn, mặt khác nếu không thực hiện đúng có thể gây nhiễm trùng tại nơi chích nặn máu.
V. Phương pháp kết hợp và cách điều trị lẹo mắt
– Châm cứu: rất hiệu quả khi lẹo chưa thành mủ
Huyệt: Tình minh, Toản trúc, Thừa khấp, Đồng tử liêu, Dương bạch (bên mắt bị lẹo). Phế du hai bên.
– Chích nặn máu Phế du, Nhĩ tiêm.
– Thuốc đông y:
+ Ngưu hoàng giải độc phiến.
+ Bột Hùng hoàng hoặc Ngọc khu đan trộn cùng giấm, đắp lên vùng lẹo mắt.
+ Bồ công anh, Cúc hoa, Trầu không: đun nước xông rửa mắt
– Thuốc tây y: Tetracylin bôi tại chỗ…
VI. Cách phòng chống Lẹo mắt hiệu quả
– Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề. Đeo kính an toàn bảo vệ mắt. Vệ sinh mắt, nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày, nhất là khi đến nơi nhiều bụi bẩn.
– Không lấy tay dụi mắt.
– Nếu thường xuyên trang điểm, cần tẩy trang cho mắt sạch sẽ hàng ngày. Thay mascara ít nhất 6 tháng/lần bởi vì vi khuẩn có thể phát triển khi mắt được trang điểm.
– Nếu đeo kính áp tròng, hãy rửa tay sạch trước khi đeo kính vào và tháo kính ra. Bạn cũng cần đảm bảo vệ sinh cho lens của bạn với dung dịch rửa lens chuyên dụng.
– Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau hoặc đồ trang điểm mắt.
VII. Lời khuyên
Khi bị Lẹo mắt, không nên tự ý điều trị hay nặn mủ, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng.