Đau dây thần kinh số V: đau nửa mặt dễ nhầm lẫn với đau răng

Đau dây thần kinh số V
Đau dây thần kinh số V

Đau dây thần kinh số V còn gọi Đau dây thần kinh tam thoa, là chứng đau nửa mặt với đặc trưng là các cơn đau ngắn, dữ dội, xuất hiện tự nhiên hoặc do kích thích…

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau dây thần kinh số V

1. Đại cương

– Dây thần kinh số V là dây thần kinh hỗn hợp, cũng là dây lớn nhất trong 12 dây thần kinh sọ não. Các nhánh vận động của dây V chi phối tất cả các cơ nhai, còn các nhánh cảm giác của nó thì chi phối cảm giác ở mặt, ổ mắt, mũi, và miệng. Ở ngoại vi, dây thần kinh V chia làm 3 nhánh chính: nhánh mắt, nhánh hàm trên chỉ có các dây cảm giác, còn nhánh hàm dưới có các dây cảm giác và vận động.
Đau dây thần kinh V là chứng đau nửa mặt, đau vùng má, đau vùng hàm giống với đau răng với đặc trưng là các cơn đau ngắn, dữ dội, xuất hiện tự nhiên hoặc do kích thích. Bản chất của đau dây thần kinh V là do bị tổn thương các sợi cảm giác và sợi thần kinh thực vật.
– Bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên, nữ nhiều hơn nam.

2. Nguyên nhân

– Đau dây thần kinh số V nguyên phát: không rõ nguyên nhân
– Đau dây thần kinh V thứ phát:
  + Do virus: Zona…
  + Hẹp lỗ xương chỗ thần kinh thoát ra.
  + Chèn ép dây thần kinh V: u góc cầu – tiểu não, u màng não, u nang thượng bì, u dây thần kinh VIII.
  + Bệnh xơ cứng rải rác.
  + Viêm dính màng não cứng ở vùng gần hạch Gasser
  + Chấn thương vùng đầu mặt, tổn thương sau phẫu thuật, Đột quỵ, Đái tháo đường….

3. Triệu chứng

– Đau kịch phát kéo dài một vài giây đến vài phút, xảy ra chủ yếu vào buổi sáng, hiếm khi về đêm.
– Đau khởi phát từ vùng bị kích thích như: ăn, nhai, đánh răng, rửa mặt…
– Vị trí: thường đau một bên mặt, má, hàm, răng, lợi, môi, hay đôi khi cả ở mắt và trán.
– Đau dữ dội như xé da, như luồng điện giật, như tia chớp, như dao đâm, làm bệnh nhân bị ấn tượng không dám nhắc đến cơn đau, không dám chỉ vào chỗ đau do lo sợ cơn đau tái phát.
– Trong cơn đau sờ nắn vùng mặt bên đau làm cơn đau tăng lên dữ dội.
– Cơn đau thường kèm theo co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mũi cùng bên, có khi bệnh nhân có cảm giác nề, tê bì một nửa mặt..
– Đau thành từng cơn: Lúc đầu cơn đau còn thưa, khoảng cách thời gian giữa hai cơn đau còn ngắn, sau đó tăng dần.
– Giữa các cơn đau là khoảng im lặng, hoàn toàn không có triệu chứng. Tuy nhiên, một vài bệnh nhân có thể có đau đầu âm ỉ vào những thời điểm khác.
– Kiểu đau là cố định trên mỗi bệnh nhân.

4. Điều trị

– Thuốc chống co giật: carbamazepine (Tegretol, Carbatrol…), oxcarbazepine, lamotrigine, phenytoin…
– Chất chống co thắt: baclofen (Gablofen, Lioresal)…
– Botox tiêm.
– Phẫu thuật: khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau dây thần kinh số V

– Thuốc Tây y làm giảm đau dây V ở thời kỳ đầu rất tốt nhưng sau đó tác dụng giảm dần theo thời gian, dần dần không còn đáp ứng điều trị.
– Carbamazepine có thể gây tắc nghẽn mạch hoặc rối loạn chức năng gan. Vì vậy, khi bệnh nhân sử dụng thuốc này cần kiểm tra máu và chức năng gan định kỳ.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau dây thần kinh số V

1. Đại cương

– Đau dây thần kinh số V thuộc phạm vi chứng Diện Thống, Đầu Phong, Đầu Thống, Thiên Đầu Thống, Quyết Nghịch của Y học cổ truyền.

2. Nguyên nhân đau dây thần kinh số V

– Phong hàn hoặc Phong nhiệt xâm nhập vào các kinh dương ở mặt, làm cho khí huyết bị tắc trở không thông gây nên. Thường gặp nhất ở tuổi cao, Tỳ khí hư, tà khí thừa cơ xâm nhập vào và gây bệnh.
– Ứ huyết làm khí huyết bị bế tắc. Tà khí xâm nhập, nếu không được điều trị, lâu ngày sẽ làm cho khí huyết bị đình trệ không thông được, gây nên bệnh.
– Do tình chí bị uất ức, không thoải mái, giận dữ… làm tổn thương Can, khiến cho Can mất chức năng sơ tiết, hóa thành hỏa. Hỏa là dương, Can là âm, vì vậy dương hỏa sẽ dẫn tà khí vào kinh Dương gây nên bệnh
– Tuổi cao, huyết kém không còn nuôi dưỡng được Can, Can mất chức năng sơ tiết. Âm suy không kềm chế được dương, Can dương bốc lên. Ngoài ra, Can hoạt động nhờ Thận dương ôn dưỡng, khi tuổi cao chức năng thận khí hư suy, đây là lý do tại sao chứng Can uất gặp nhiều ở tuổi già.
– Khí hư, khí trệ, âm hư hoặc dương hư sẽ làm cho huyết ứ, trong khi đó Tỳ khí hư, dinh dưỡng suy kém hoặc khí trệ làm cho đờm ngừng trệ lại ở trong kinh mạch gây nên bệnh

3. Triệu chứng

– Thể Phong nhiệt đờm trở: Có cảm giác đau, rát, nóng ở một bên đầu hoặc mặt, da mặt đỏ, vã mồ hôi, sợ nóng, thích mát, có thể có sốt, miệng khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác.

– Thể Phong hàn đờm ngưng: Đau nhói giật, khi đau da mặt xám, gặp lạnh đau tăng, chườm ấm dễ chịu, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch Khẩn.
– Thể Can uất hóa hỏa: một bên đầu hoặc mặt đau rát, nóng đau tăng. Nặng hơn các cơ co giật, hoặc co thắt từng cơn ở vùng bệnh. Mặt đỏ, mắt đỏ. miệng đắng, họng khô, bứt rứt, hông sườn đầy tức, ngủ không yên, hay mơ, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền, Sác.
– Thể Đờm ngưng ngăn trở: Một bên đầu hoặc bên mặt đau dữ dội kèm đầu nặng, đôi khi tê bì, giảm cảm giác, lưỡi xanh nhạt, rêu lưỡi nhờn, mạch Huyền, Nhu, Tế.
– Thể Đờm hỏa thượng xung: Đau tức, rát từng cơn ngắn, căng, đau tăng khi ăn, thích chườm ấm lên, miệng khô đắng nhưng không thích uống, đầu nặng, ngực bụng đầy trướng, lợm giọng buồn nôn hoặc nôn ra đờm, nước chua, đắng, dễ tức giận, cáu gắt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Huyền Hoạt, Sác.
– Thể Khí hư huyết ứ: đau dữ dội liên tục một chỗ cố định chứ không lan tỏa, khi đau có kèm giật giật, tay chân tê, sợ gió, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, ngại nói, tiếng nói nhỏ, yếu, da mặt trắng nhạt, lưỡi có điểm ứ huyết, mạch Trầm, Tế, Nhược.
– Thể Âm hư dương kháng, huyết ứ: Đau dữ dội, đau rát một chỗ, sốt về chiều, gò má đỏ, chóng mặt, tai ù. Lưng đau, gối mỏi, bứt rứt, mắt đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc khô, mạch Huyền, Tế, Sác.

4. Điều trị

– Phong Nhiệt đờm trở kinh mạch: Khu phong, tiết nhiệt, khoát đờm, thông kinh hoạt lạc. 
– Phong Hàn đờm ngưng: Khu phong, tán hàn, đạo đờm, thông kinh hoạt lạc. 
– Can uất hóa hỏa: Thanh Can giải nhiệt, thông kinh hoạt lạc. 
– Đờm ngưng ngăn trở: Khoát đờm, thông kinh hoạt lạc. 
– Đờm hoả thượng xung:: Hoá đờm, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống. 
– Khí hư huyết ứ: Ích khí, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc. 
– Âm hư dương kháng, huyết ứ: Tư âm, bổ Thận, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc. 

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị  đau dây thần kinh số V

– Thuốc Đông y tác dụng giảm đau chậm, nên kết hợp thêm các biện pháp Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, thủy châm… Khi sử dụng các biện pháp điều trị trên, người bệnh phải điều trị nội trú hoặc đến các cơ sở y tế hàng ngày, tốn công sức và thời gian.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau dây thần kinh số V

– Xoa bóp bấm huyệt vùng đầu mặt.
– Châm cứu: A thị, Ấn đường, Đầu duy, Thái dương, Dương bạch, Quyền liêu, Hạ quan, Địa thương, Nhân trung, Thừa tương, Hợp cốc…
– Thủy châm: vitamin 3B
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Khung chỉ thạch cao thang, Xuyên khung trà điều tán, Nhị trần thang, Hoàng liên ôn đởm thang, Thuận khí hòa trung thang Địa hoàng thạch cao thang gia giảm…
– Thuốc Tây y: carbamazepine, phenytoin…

VI. Cách phòng chống Đau dây thần kinh số V hiệu quả

– Chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
– Tập luyện thể dục thể thao tăng cường thể lực.
– Sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng thần kinh.
– Điều trị triệt để các bệnh lý liên quan.

VII. Lời khuyên.

– Khi có dấu hiệu của bệnh Đau dây thần kinh số V như đau đột ngột, dữ dội một bên mặt, má, hàm trên, hàm dưới… bạn nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị càng sớm càng tốt tránh làm bệnh nặng thêm gây tình trạng đau khó trị, dị cảm, mất cảm giác vùng dây V chi phối…

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ