Đau Vai Gáy Cấp: nguyên nhân và cách phòng chống

ĐAU VAI GÁY CẤP
ĐAU VAI GÁY CẤP

Đau vai gáy cấp hay còn gọi là vẹo cổ cấp, biểu hiện với triệu chứng: đột nhiên đau dữ dội một hoặc hai bên cổ gáy, quay đầu cổ đau nhiều và khó…  Thường xảy ra sau khi gặp mưa, gió lạnh hoặc cử động đầu cổ đột ngột, sai tư thế.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau vai gáy cấp

1. Đại cương

– Vẹo cổ cấp là một dạng đặc biệt của hội chứng cổ cục bộ, được xác định bởi sự bất thường của đầu không cân xứng so với vai do tăng trương lực cơ một bên cổ, gáy. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính.
– Đau vai gáy cấp, tuy không nguy hiểm và thường khỏi sau một vài ngày, nhưng có thể tái diễn nhiều lần, dẫn đến tình trạng khó chịu, không tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh, lâu dần có thê dẫn đến hiện tượng thoát vị đĩa đệm cột sng cổ gây tê bì tay…

2. Nguyên nhân

– Nhiễm lạnh đột ngột: sau khi gặp mưa, gió lạnh hoặc để điều hòa, quạt gió thổi thẳng vào vùng cổ gáy …
– Vận động sai tư thế: quay cổ đột ngột, gánh vác nặng một bên vai…
– Tư thế ngủ không hợp lý, nằm ngủ gối đầu quá cao hoặc gối quá cứng khiến đầu cổ lệch về một bên
– Ngồi làm việc lâu ở một tư thế khiến các cơ vùng cổ và bả vai bị co cứng.
– Những tác động mạnh vào cơ ở vùng cổ và bả vai làm co cứng cơ gây đau cấp.
– Bệnh lý thoái hóa cột sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng là những yếu tố góp phần làm bệnh dễ phát sinh hoặc nặng thêm.

3. Triệu Chứng

– Bệnh thường xảy ra đột ngột sau khi ngủ dậy, quay cúi cổ, gánh vác nặng hoặc gặp lạnh….
– Đau dữ dội vùng cổ vai, có thể không quay đầu được hoặc khi quay đầu bắt buộc phải quay cả thân người, đầu bị lệch vẹo sang một bên.
– Sờ vào cơ vùng cổ vai thấy co cứng, ấn vào đau tăng.

4. Điều trị

– Thuốc giảm đau.
– Thuốc giảm đau không steroid.
– Thuốc giãn cơ.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau vai gáy cấp

Thuốc Tây y có thể làm giảm nhanh các triệu chứng đau, tuy nhiên nếu lạm dụng có thể gây tác dụng phụ trên gan, thận hoặc dạ dày tá tráng.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau vai gáy cấp

1. Đại cương

Đau vai gáy cấp còn gọi là Lạc chẩm, bệnh thuộc phạm vi chứng Tý của Y học cổ truyền.

2. Nguyên nhân

– Ngoại nhân: Phong hàn xâm phạm vào các đường kinh mạch, cân cơ ở vùng vai gáy gây đau và hạn chế vận động cổ.
– Bất nội ngoại nhân: do sang chấn vùng cổ vai: gánh, vác nặng, nằm ngủ gối đầu quá cao một bên hoặc quay cổ đột ngột làm cho khí trệ huyết ứ, cân cơ co cứng, gây đau và hạn chế vận động cổ.

3. Chẩn đoán

– Thể Phong hàn: sau khi gặp mưa, gió lạnh, đột nhiên vai gáy cứng đau, vận động cổ khó, ấn vào các cơ vùng cổ gáy đau tăng, cơ bên đau co cứng hơn bên lành, sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù
– Thể khí trệ huyết ứ: sau khi nằm ngủ gối cao hoặc quay cúi cổ đột ngột hoặc gặp chấn thương vùng cổ vai gấy thấy đau dữ dội vai gáy, vận động cổ khó, ấn đau tăng, chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch sáp.

4. Điều trị

– Thể Phong hàn: khu phong tán hàn, ôn thông kinh lạc.
– Thể khí trệ huyết ứ: hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau vai gáy cấp

Triệu chứng thuyên giảm chậm, thời gian điều trị lâu hơn Tây y.
Khi sử dụng các biện pháp điều trị như châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt… bệnh nhân phải điều trị nội trú hoặc đến các cơ sở y tế hàng ngày.

V. Phương pháp kết hợp điều trị

– Thuốc đông y: Ma hoàng quế chi thang gia giảm hoặc Tứ vật đào hồng gia giảm
– Chườm ấm: Chườm ngải cứu, xông hơi thuốc…
– Xoa bóp bấm huyệt vùng cổ vai gáy.
– Điện châm hoặc Ôn châm: Các huyệt A thị, Phong trì, Kiên tỉnh, Đại trữ, Phong môn, Đốc du, Kiên ngung, Hợp cốc, Lạc chẩm.
– Thủy châm: huyệt A thị, Kiên tỉnh, Đại trữ, Đốc du…
– Thuốc Tây y: Mobic, Myonal.
– Có thể kết hợp Vật lý trị liệu: Điện xung, điện phân, siêu âm

VI. Cách phòng chống hiệu quả đau vai gáy cấp

– Tránh mưa gió lạnh, ẩm thấp. Điều hòa nên để 26-28 độ, gội đầu xong nên sấy khô tóc…
– Không nên ngồi quá lâu ở một tư thế, nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút sau 45 – 60 phút làm việc.
– Khi ngủ không gối đầu quá cao hoặc quá cứng, nên gối đầu cao khoảng 10cm.
– Tập vận động cổ nhẹ nhàng: cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ…

VII. Lời khuyên.

Ngay khi mới bị bệnh không nên cố gắng xoay đầu cổ hoặc tự ý điều trị, nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị đúng.

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ