Đau Thần Kinh Tọa: do ngồi lâu, mang vác nặng, thể thao quá sức…

ĐAU THẦN KINH TỌA
ĐAU THẦN KINH TỌA

Đau thần kinh tọa là bệnh do tổn thương dây thần kinh hông to, biểu hiện bởi tình trạng đau lưng hoặc lan tê xuống chân, đau tăng khi đi lại hoặc đứng lâu, ngồi nhiều.

I. Y học hiện đại

1. Đại cương:

Đau thần kinh tọa còn gọi là đau thần kinh hông to, biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của đau có khác nhau.

2. Nguyên nhân:

Nguyên nhân hàng đầu gây chèn ép rễ thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm (thường gặp nhất là đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1 gây chèn ép rễ L5 hoặc S1 tương ứng); trượt đốt sống; thoái hóa cột sống thắt lưng gây hẹp ống sống thắt lưng. Các nhóm nguyên nhân do thoái hóa này có thể kết hợp với nhau.

Các nguyên nhân hiếm gặp hơn: viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn, u), chấn thương, tình trạng mang thai…

3. Triệu Chứng

 – Lâm sàng

+ Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa, Tổn thương rễ L4 đau đến khoeo chân; tổn thương rễ L5 đau lan tới mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I); tổn thương rễ S1 đau lan tới lòng bàn chân (gan chân) tận hết ở ngón V (ngón út). Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân. 

+ Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nằm nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Trường hợp có hội chứng chèn ép: tăng khi ho, rặn, hắt hơi. Có thể có triệu chứng yếu cơ. Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động, co cứng cơ cạnh cột sống.

+ Một số nghiệm pháp:

Hệ thống điểm đau Valleix, Dấu chuông bấm dương tính. Dấu hiệu Lasègue dương tính.

+ Các dấu hiệu khác có giá trị tương đương dấu hiệu Lasègue: dấu hiệu Chavany, dấu hiệu Bonnet.

Phản xạ gân xương: Phản xạ gân bánh chè giảm hoặc mất trong tổn thương rễ L4, phản xạ gân gót giảm hoặc mất trong tổn thương rễ S1.

– Cận lâm sàng

+ Chụp Xquang thường quy cột sống thắt lưng: ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân. Đa số các trường hợp Xquang thường quy bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống. Chỉ định chụp Xquang thường quy nhằm loại trừ một số nguyên nhân (viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng hủy đốt sống do ung thư…).

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng: nhằm xác định chính xác dạng tổn thương cũng như vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u, …).

+ Chụp CT-scan: chỉ được chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ.

+ Điện cơ: giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.

4. Điều trị đau thần kinh tọa

– Nguyên tắc điều trị
+ Điều trị theo nguyên nhân (thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).
+ Giảm đau và phục hồi vận động nhanh.
+ Điều trị nội khoa với những trường hợp nhẹ và vừa.
+ Can thiệp ngoại khoa khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác.
+ Đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính: điều trị giải ép cột sống kết hợp điều trị chuyên khoa.
– Điều trị cụ thể
Nội khoa
+ Chế độ nghỉ ngơi: Nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu.
+ Điều trị thuốc:
• Thuốc giảm đau.
• Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
• Thuốc giãn cơ:
• Các thuốc khác: thuốc giảm đau thần kinh, các vitamin nhóm B hoặc Mecobalamin.
• Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng.
+ Vật lý trị liệu: Mát xa liệu pháp. Thể dục trị liệu
+ Đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.
+ Các thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu: sử dụng sóng cao tần (tạo hình nhân đĩa đệm).
Điều trị ngoại khoa
+ Phẫu thuật lấy nhân đệm:
+ Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống:

II. Hạn chế y học hiện đại

Y học hiện đại thường dùng các thuốc giảm đau chống viêm, corticoid bằng đường uống hoặc tiêm, vì vậy các triệu chứng đau có thể giảm nhanh nhưng thường thì sau khi ngưng thuốc các triệu chứng đau sẽ xuất hiện trở lại, mặt khác thuốc có rất nhiều tác dụng không mong muốn như gây đau dạ dày, ảnh hưởng chức năng gan, thận…

III. Y học cổ truyền

1. Đại cương:

Theo YHCT, đau dây thần kinh tọa đã được mô tả trong các bệnh danh “Tọa điến phong”, “Tọa cốt phong”, “Phong” trong hội chứng bệnh lý này nhằm mô tả tính chất thay đổi và di chuyển của đau.

2. Nguyên nhân đau thần khing tọa

Ngoại nhân: Thường là phong hàn, phong nhiệt, hoặc thấp nhiệt thừa lúc tấu lý sơ hở xâm nhập vào các kinh Bàng quang và Đởm.

Bất nội ngoại nhân: Những chấn thương (vi chấn thương) ở cột sống (đĩa đệm) làm huyết ứ lại ở 2 kinh trên.
Những nguyên nhân này làm cho khí huyết của 2 kinh Bàng quang và Đởm bị cản trở hoặc bị tắc lại, gây nên đau (không thông thì đau). Tùy theo bản chất của nguyên nhân gây bệnh mà biểu hiện của đau sẽ khác nhau.
Nếu bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của Can và Thận.

3. Chẩn đoán

– Thể cấp: (Thể phong hàn phạm kinh lạc hoặc Khí huyết ứ trệ)::
  + Đau lưng lan xuống chân dọc theo dây thần kinh tọa.
  + Đau dữ dội, đau tăng khi ho, khi hắt hơi, khi cúi gập cổ đột ngột.
  + Đau tăng về đêm, giảm khi nằm yên trên giường cứng hoặc chườm nóng.
  + Rêu lưỡi trắng, mạch phù (nếu do phong hàn).
  + Lưỡi có thể có điểm ứ huyết (nếu do khí huyết ứ trệ).
  + Bệnh nhân có cảm giác kiến bò, tê cóng hoặc như kim châm ở bờ ngoài bàn chân chéo qua mu bàn chân đến ngón cái (rễ L5) hoặc ở gót chân hoặc ngón út (rễ S1).
– Thể mạn: (Thể phong hàn thấp / Can thận âm hư):
  + Bệnh kéo dài. Đau âm ỉ với những đợt đau tăng. Chườm nóng, nằm nghỉ dễ chịu. Thường đau 2 bên hoặc nhiều rễ.
  + Triệu chứng toàn thân: ăn kém, ngủ ít, mệt mỏi. Mạch nhu hoãn, trầm nhược

4. Điều trị đau thần kinh tọa

Phép chung: Ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, bổ can thận, bổ khí huyết, khu phong, tán hàn, trừ thấp
Điều trị cụ thể:
+ Thể Phong hàn thấp: Khu phong tán hàn trừ thấp thông kinh lạc 
+ Thể phong hàn thấp / can thân hư: Khu phong tán hàn trừ thấp, bổ can thận

IV. Hạn chế y học cổ truyền

Thời gian điều trị kéo dài, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế điều trị hàng ngày

Một số bệnh nhân sợ kim châm cứu

V. Phương pháp kết hợp:

Thuốc YHCT:

+ Bài thuốc: Độc hoạt ký sinh thang, Phòng phong thang, Ô đầu thang gia giảm

+ Châm cứu: Giáp tích L4-L5, L5-S1, Thận du, Đại trường du, Hoàn Khiêu, Ủy trung, Thừa sơn, Huyền chung, Dương lăng tuyền…

+ Xoa bóp bấm huyệt: thủ thuật day, ấn, miết, vận động…

+ Thủy châm: vitamin nhóm B vào các huyệt Thận du, Đại trường du, Hoàn Khiêu…

+ Chườm nóng: Xông hơi thuốc, chườm ngải cứu vùng lưng, chân.

Thuốc YHHĐ: giảm đau chống viêm không Steroid, vitamin nhóm B, chống thoái hóa.

– Phục hồi chức năng: Kéo giãn cột sống, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, vận động trị liệu.

VI. Cách phòng chống hiệu quả

– Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu hoặc lái xe, có thể mang đai lưng hỗ trợ.
– Tránh các động tác mạnh đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.
– Luyện tập bơi lội hoặc yoga giúp tăng sức bền và sự linh hoạt khối cơ lưng.

VII. Lời khuyên.

Cần các biện pháp bảo vệ cột sống kết hợp (thay đổi lối sống, có các biện pháp tránh cho cột sống bị quá tải, không nên đứng lâu ngồi nhiều, nên bơi hàng tuần).
Nếu do các nguyên nhân ác tính tại chỗ hoặc di căn, cần kết hợp điều trị ung thư (hóa trị, xạ trị).
Nên mang đai lưng sau phẫu thuật ít nhất 1 tháng hoặc khi đi lại hoặc ngồi lâu.
Tái khám định kỳ sau điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa theo hẹn.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ