Đau thần kinh sau Zona: điều trị thế nào cho hiệu quả và cách phòng chống

Đau thần kinh sau Zona
Đau thần kinh sau Zona

Đau thần kinh sau zona là những di chứng tổn thương còn lại trên dây thần kinh do virus gây nên biểu hiện bằng đau tự phát liên tục, âm ỉ như phải bỏng kèm theo có đợt bộc phát thành cơn, đau khi sờ và vận động, đau tăng khi stress. .

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau thần kinh sau Zona

1. Đại cương

– Bệnh zona thần kinh hay còn gọi là bệnh zona tên tiếng Anh là shingles, trong dân gian còn được gọi với tên gọi là “giời leo”.
– Bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) – virus gây bệnh thủy đậu gây nên. Người bệnh đã từng bị thuỷ đậu thì vẫn còn một số virus Varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh. Các virus này cư trú ở các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể… loại virus này sẽ tái hoạt. Chúng nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc, da từ đó gây nên bệnh zona.
– Đặc điểm của bệnh Zona là tổn thương chạy dọc theo đường thần kinh phân bố,thường chỉ ở một bên, ít khi vượt qua đường giữa.
– Một người bị bệnh Zona có thể lây cho bất cứ ai chưa bị bệnh thủy đậu khi tiếp xúc trực tiếp với các vết loét bệnh zona. Khi bị nhiễm, sẽ phát triển bệnh thủy đậu chứ không phải bệnh zona. Khi mụn đã khô thì sẽ không còn khả năng lây nhiễm.
– Bệnh hay gặp ở các đối tượng:
   + Tiền sử đã từng bị thủy đậu.
   + Trời rét, chuyển mùa, đặc biệt là mùa đông – xuân.
   + Tuổi >50.
   + Suy giảm miễn dịch: Cơ thể mệt mỏi, suy nhược. HIV/AIDS. Sư dụng Corticoid hoặc hóa trị, xạ trị …
– Đau dây thần kinh sau Zona (Post Herpetic Neuralgia – PHN) là một hội chứng đau mạn tính, thường nặng nề khó trị và đôi khi rất nghiêm trọng, xảy ra sau một đợt Zona cấp tính. PHN được định nghĩa là đau dai dẳng hơn 01 tháng, có thể kéo dài hơn một năm ở vị trí đã nổi sang thương Zona sau khi sang thương da đã lành, thường khỏang 6 tuần sau khi Zona bộc phát.

2. Nguyên nhân

– Bệnh zona là do virus VZV (varicella-zoster virus) – cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây nên.
Mặc dù virus là nguyên nhân gây bệnh nhưng không phải lúc nào virus cũng có thể xâm nhập và gây bệnh. Virus chỉ có thể gây bệnh khi chúng ta bị suy yếu về miễn dịch, giảm đột ngột số lượng các tế bào miễn dịch trên da…

3. Triệu chứng

– Bệnh khởi đầu với cảm giác một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, nhất là về đêm, hiếm gặp hơn là dị cảm ở một vùng hoặc nhiều dây thần kinh chi phối từ 1-5 ngày. Kèm theo có thể nhức đầu, sợ ánh sáng và khó chịu. Thời kỳ này được cho là thời kỳ virus lan truyền dọc dây thần kinh.
– Giai đoạn khởi phát: Khoảng nửa ngày đến một ngày sau, trên da xuất hiện những mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính khoảng vài cm, gờ cao hơn bề mặt da, nối với nhau thành dải, thành vệt.
– Giai đoạn toàn phát: Vài ngày sau, những mảng đỏ trên da xuất hiện mụn nước, tập trung thành đám giống như chùm nho, lúc đầu mụn nước trong căng khó vỡ nhưng về sau, chúng bắt đầu đục dần và vỡ ra tạo thành các vết loét. Khi lành, mụn đóng kết vẩy và để lại sẹo. Thời gian kể từ khi xuất hiện mụn nước cho đến khi vỡ và lành lại kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần.

4. Điều trị

– Thuốc điều trị tại chỗ: Một số loại thuốc điều trị tại chỗ có tính sát trùng, chống viêm như dung dịch xanh metylen 1%, tím methyl 1%, hồ nước, thuốc mỡ acyclovir và dung dịch castellani,…
– Thuốc điều trị toàn thân: Bao gồm thuốc kháng sinh chống bội nhiễm hoặc thuốc kháng virus acyclovir…
– Với zona thần kinh, trong những trường hợp đau nhiều, kéo dài và gây mất ngủ cần được dùng thuốc an thần, giảm đau mạnh.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau thần kinh sau Zona

– Thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả khi được sử dụng sớm, tuy nhiên thuốc có thể có một số tác dụng phụ như nổi ban, ngứa, rát bỏng…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau thần kinh sau Zona

1. Đại cương

– Theo Y học cổ truyền, bệnh Zona thần kinh nằm trong phạm trù Sang chứng, căn cứ vào vị trí, hình thái và đặc điểm của bệnh nên có nhiều tên gọi khác như: triền yêu hỏa đơn, hỏa đái sang, xà đơn, xà xuyên sang, tri thù sang, v.v…

2. Nguyên nhân

– Nội thương tình chí, can khí uất kết, can uất hóa hỏa dẫn đến can đởm hỏa thịnh, chạy đến bàng quang và quấn lấy mạch đới;
– Chức năng vận hóa của tỳ bị suy giảm, thấp nhiệt ứ trệ ở kinh tỳ, tích lại bì phu sinh bệnh;
– Ngoại cảm độc tà hình thành thấp nhiệt hỏa độc, bệnh thêm trầm trọng. Hỏa độc tích tụ tại phần huyết sinh ban đỏ, thấp nhiệt tích tụ thành bào chẩn, thấp nhiệt độc gây tắc kinh mạch, khí huyết không thông gây đau.
– Cơ thể thấp nhiệt khiến kinh Tỳ bị ứ trệ và suy giảm chức năng hoạt động. Nhiệt độc tích tụ dưới da lâu ngày sẽ sinh bệnh.

3. Triệu chứng

– Thể thấp nhiệt: da đỏ, mụn nước tụ trong, vỡ ra hoặc lở loét, đau nhức, đầy trướng, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng bệu hoặc vàng bệu, mạch Nhu Sác hoặc Hoạt Sác.
– Thể phong nhiệt: da phỏng rộp như bị bỏng, đau rát, ngày càng lan rộng
– Thể nhiệt độc: Da đỏ, có thể thấy có nốt ban có nước, mọc gom một chỗ hoặc giống như dải khăn, cảm thấy nóng, rát, về đêm không ngủ được, họng khô, miệng đắng, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc vàng khụ, mạch Huyền Sác.
– Thể khí trệ: Thường gặp nơi người lớn tuổi, sau khi vết tổn thương lặn đi thì rất đau, đêm không ngủ được, tâm phiền, lưỡi đỏ ít rêu hoặc rêu trắng nhạt, mạch Tế Sáp.
– Thể thấp trệ: bào chẩn sắc nhạt không tươi, mụn nước dày, có thủy bào lớn, loét chảy nước thỡ đau nhẹ hơn, miệng không khát hoặc khát mà không thích uống nước, chán ăn, đầy bụng, lưỡi bệu nhợt, rêu trắng dày, mạch Trầm Hoạt.
– Thể huyết ứ: Bào chẩn sắc tối, đau liên tục, môi thâm, móng tay xanh, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi. Lưỡi có điểm ứ huyết hoặc tím.

4. Điều trị

– Thể thấp nhiệt: Thanh nhiệt trừ thấp, lương huyết, giải độc.
– Thể phong nhiệt: Khu phong, thanh nhiệt.
– Thể khí trệ: Thư Can lý khí, thông lạc, chỉ thống.
– Thể nhiệt độc: Thanh nhiệt giải độc, chỉ thống
– Thể thấp trệ: Kiện tỳ, trừ thấp, giải độc
– Thể huyết ứ: hoạt huyết, hóa ứ, hành khí, chỉ thống, giải độc

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau thần kinh sau Zona

– Thuốc Đông y tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, vì vậy với trường hợp cấp tính nên điều trị bằng Y học hiện đại để đạt được hiệu quả cao và nhanh chóng hơn.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau thần kinh sau Zona

– Thuốc Đông y: tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như: Ý dĩ nhân, xích đậu thang, Đại thanh liên kiều thang, Kim linh tử tán , Long đởm tả can thang, Trừ thấp vị linh thang, Huyết phủ trục ứ thang
   + Đối với bào chẩn chưa vỡ: bôi Kim hoàng tán, Thanh lương cao.
   + Khi bào chẩn vỡ: bôi Bột thanh đại hoặc Thanh đại cao.
– Kinh nghiệm dân gian: Khi bệnh mới phát có thể dùng hạt đậu xanh nguyên vỏ, nhai nát thành bột nhão, phun lên chỗ bị zona; để tự nhiên cho bột khô và kết dính thành một lớp dày che chở vùng da bị tổn thương, đồng thời hạn chế sự lan rộng của bệnh.
– Châm cứu: tùy từng vị trí bệnh sử dụng các huyệt khác nhau

VI. Cách phòng chống hiệu quả

– Tiêm phòng vắc xin ngừa thủy đậu. Vắc xin này có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh nhờ tăng cường hệ miễn dịch cơ thể kháng lại varicella zoster virus hoặc giữ cho chúng ở trạng thái bất hoạt.
– Trong trường hợp mắc bệnh zona, để ngăn ngừa lây bệnh cho những người xung quanh, người bệnh nên:
   + Vệ sinh cá nhân, đặc biệt là tay sạch sẽ
   + Sử dụng băng gạc hay quần áo che lại vết phát ban hoặc mụn nước.
   + Không dùng tay chạm mụn nước, hạn chế tiếp xúc với người có hệ miễn dịch yếu hoặc người chưa từng bị thủy đậu.

VII. Lời khuyên.

– Khi bị đau thần kinh sau zona, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

– Việc điều trị nên ưu tiên dùng thuốc tây y trước, sau đó dùng các thuốc đông y để hỗ trợ điều trị.

– Người bệnh không nên sử dụng các chất cay nóng, kích thích như bia rượu…

hellosuckhoe.net

 

 

 

Chia Sẻ