Đau mắt đỏ: triệu chứng và phòng chống thế nào cho hiệu quả?

Đau mắt đỏ hay còn gọi là Viêm kết mạc thường gây sưng nề mi mắt, đỏ mắt, mắt ra nhiều gỉ… thường do vi khuẩn, virus gây ra nên dễ lây lan thành dịch, đặc biệt vào mùa hè.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau mắt đỏ
1. Đại cương
– Viêm kết mạc là tình trạng xảy ra viêm ở lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi.
– Bệnh gây đau, sưng, ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt nhiều gỉ, có thể giảm thị lực…
– Bệnh dễ lây lan, đặc biệt là vào mùa hè, có thể bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn.
– Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, từ trẻ em, người lớn tới người già, thường thuyên giảm trong hai tuần. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, đau mắt đỏ có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như giảm thị lực hay mù mắt.
– Cơ thể con người không sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh viêm kết mạc, vì thế mỗi người có thể bị viêm kết mạc nhiều lần.
2. Nguyên nhân
– Do vi khuẩn: thường gặp do lậu cầu, bạch hầu và liên cầu, phế cầu,…hiếm gặp do não cầu
– Do virus: do virus Adeno virus, Entero virus …
– Do dị ứng: thuốc, phấn hoa…
– Các chấn thương vùng mắt, đeo kính áp tròng…
3. Triệu chứng
– Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày, thường có gỉ mắt nhiều nhất vào ngày thứ 5. Bệnh diễn biến rất nhanh.
– Lúc đầu bị ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt.
– Mắt đỏ, mi mắt phù nề
– Kết mạc cương tụ, phù nề mạnh.
– Có nhiều gỉ mắt, hình thành rất nhanh sau khi lau sạch.
– Mắt không đau hoặc đau rát như có dị vật, cảm giác vướng mắt do gỉ mắt
– Có thể chảy nước mắt, sợ ánh sáng…
– Đôi khi có hạch trước tai, sốt nhẹ.
4. Điều trị
– Tại mắt:
+ Rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý 0,9 % để loại trừ mủ và tiết tố
+ Thuốc nhỏ mắt, tra mắt nhóm: Aminoglycosid, Fluoroquinolon
+ Dinh dưỡng giác mạc và nước mắt nhân tạo.
– Toàn thân: Có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau khi bệnh tiến triển nặng, kèm theo triệu chứng toàn thân: Cephalosprin thế hệ 3. Thuốc nâng cao thể trạng.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau mắt đỏ
– Thuốc Tây y tác dụng thuyên giảm bệnh nhanh chóng, tuy nhiên không nên lạm dụng hoặc tự ý sử dụng tránh các tác dụng phụ của thuốc như dị ứng, nhờn thuốc…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau mắt đỏ
1. Đại cương
– Đau mắt đỏ được mô tả trong Chứng Hồng nhãn, Hỏa nhãn của Y học cổ truyền.
2. Nguyên nhân
– Do phong nhiệt xâm phạm vào kinh Can, Phế, Đại trường gây ra.
3. Triệu chứng
– Mắt cảm thấy cộm, tức, nóng, sợ ánh sáng. Sáng dậy nhiều dử mắt, mắt sưng đỏ. Sợ nóng, thích mát, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch sác.
4. Điều trị
– Pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt ở kinh phế, vị, can
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau mắt đỏ
– Thuốc Đông y tác dụng chậm, nên kết hợp các biện pháp nhỏ mắt, rửa mắt để triệu chứng thuyên giảm nhanh hơn.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau mắt đỏ
– Vệ sinh mắt: nhỏ nước muối sinh lý, rửa mắt…
– Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt…
– Thuốc Tây y: tobrex…
– Thuốc Nam
+ Tang diệp 12g, Cúc hoa 12g, Thảo quyết minh 10g. Sắc uống.
+ Chi tử 10g, Cúc hoa 10g, Cam thảo 4g. Sắc uống.
VI. Cách phòng chống Đau mắt đỏ hiệu quả
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân và mắt sạch sẽ, rửa mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
– Cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đụng chạm vào đồ dùng công cộng hoặc nguy cơ tiếp xúc với người bệnh, không lấy tay dụi mắt.
– Không dùng chung khăn mặt, khăn tắm, thường xuyên giặt, sấy khô hoặc phơi dưới nắng.
– Nhỏ nước muối sinh lý vào mắt mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ bụi bẩn.
– Tránh để nước bẩn, bụi hoặc các loại hóa chất (dầu gội, sữa tắm…) dính vào mắt.
– Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin C từ các loại rau củ, trái cây.
– Hạn chế tiếp xúc tại nơi công cộng, tránh bệnh lây lan. Nên đeo khẩu trang y tế nhất là khi vào mùa dịch.
– Chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn. Nên sử dụng kính bơi và ngay sau khi bơi nên rửa mắt nhiều bằng dung dịch nước muối sinh lý.
– Hạn chế đeo kính sát tròng nhất là khi đi bơi. Nếu cần thiết phải đeo kính sát tròng, nên rữa tay trước khi tiếp xúc với kính. Hàng ngày tháo kính trước khi đi ngủ và làm sạch kính bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Chú ý hạn dùng của dung dịch này và thời gian khuyến cáo sử dụng sau khi mở nắp để thay thế chai mới ngay cả khi chai cũ vẫn đang còn nhiều. Thay kính sát tròng định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa thông gió.
– Điều trị bệnh lậu đường sinh dục (nếu có).
VII. Lời khuyên.
– Khi bị đau mắt đỏ, không nên tự điều trị theo các cách truyền miệng hoặc trên mạng: đắp hành củ, nhỏ sữa mẹ… vào mắt. Không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ làm bệnh nặng hơn. Việc điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc dẫn tới những hậu quả khôn lường: Giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
– Nên hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh ít nhất 7 ngày để tránh lây bệnh cho người khác. Nếu trong gia đình có nhiều thành viên bị đau mắt đỏ, không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt, mỗi người cần có một lọ thuốc nhỏ mắt riêng.