Đau khuỷu tay – Hội chứng TENNIS ELBOW

Đau khuỷu tay – Hội chứng TENNIS ELBOW
Đau khuỷu tay – Hội chứng TENNIS ELBOW

Hội chứng Tennis Elbow hay còn gọi là Viêm mỏm trên lồi cầu ngoài cánh tay, là nguyên nhân chủ yếu gây đau khuỷu tay. 

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Hội chứng TENNIS ELBOW

1. Đại cương

– Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay còn được gọi bằng một số tên khác như khuỷu tay của người chơi tennis (tennis elbow), khuỷu tay của người chèo thuyền.
– Tổn thương cơ bản là viêm chỗ bám của gân duỗi cổ tay quay, đặc trưng bởi triệu chứng đau tại vùng lồi cầu ngoài cánh tay.
– Bệnh hay gặp ở lứa tuổi từ 40 đến 50, đa số có thể tự khỏi nếu nghỉ ngơi và tập luyện hợp lý, một số tái phát sau 6 tháng. Bệnh có thể kéo dài từ vài tuần đến vài năm.

2. Nguyên nhân gây đau khuỷu tay – Hội chứng TENNIS ELBOW

– Các động tác lặp đi lặp lại hàng ngày trong một thời gian dài như chơi đàn, đan lát, thái thịt, xoay đấm cửa, vặn tua vit, chơi tennis, cầu lông…
– Thực hiện một động tác mạnh, đột ngột gây ra các chấn thương cho gân cơ (chẳng hạn một người không bao giờ hoặc rất ít khi sử dụng búa, khi có việc cần sử dụng búa sẽ dễ bị chấn thương)..
– Do vận động quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, chủ yếu là cơ duỗi cổ tay quay ngắn
– Các động tác đối kháng ở tư thế ngửa của cổ tay gây ra tình trạng căng giãn.

3. Triệu chứng

– Đau phía ngoài khuỷu tay (vùng lồi cầu ngoài cánh tay), có thể lan xuống cẳng tay, mặt mu tay. Đôi khi có thể thấy sưng nhẹ.
– Đau xuất hiện tự nhiên hoặc đau tăng lên khi làm một số động tác như duỗi cổ tay, lắc, nâng một vật, xoay nắm cửa…
– Giảm khả năng duỗi cổ bàn tay và khả năng cầm nắm.
– Ấn phía ngoài khuỷu tay, cạnh lồi cầu ngoài xương cánh tay có điểm đau chói.
– Khớp khuỷu vận động bình thường.

4. Điều trị

– Nghỉ ngơi.
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Dùng dạng gel bôi tại chỗ hoặc uống.
– Tiêm corticosteroid tại chỗ.
– Phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Hội chứng TENNIS ELBOW

– Thuốc Tây y làm giảm nhanh triệu chứng tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ như gây Đau dạ dày, ảnh hưởng chức năng gạn thận…. Tiêm corticosteroid có thể gây tổn thương chỗ bám của gân hoặc gây các biến chứng như teo da tại chỗ tiêm, nhiễm trùng, bạch biến…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Hội chứng TENNIS ELBOW

1. Đại cương

Hội chứng Tennis Elbow được mô tả trong phạm vi Chứng Tý của Y học cổ truyền.

2. Nguyên nhân

– Sang chấn vùng khuỷu tay, làm cho khí huyết bị tắc không lưu thông được gây nên những điểm đau, lúc đầu đau dữ dội, sau lâu dần điểm đau này ấn vào cảm giác dễ chịu, đau âm ỉ dai dẳng kéo dài.

3. Triệu chứng

– Người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở phía ngoài khớp khuỷu tay, cầm nắm khó khăn, có thể đau lan truyền xuống dưới cẳng tay, cổ bàn tay;
– Khi xoay cánh tay, co duỗi khớp cổ tay, cầm xách vật nặng thấy đau tăng.
– Ấn phía bên ngoài khớp khuỷu tay, xương cổ tay có những điểm đau.
– Trường hợp bệnh nặng sẽ sưng đau, khớp co duỗi khó.

4. Điều trị

Pháp điều trị: Hành khí, hoạt huyết, tiêu viêm, chỉ thống.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Hội chứng TENNIS ELBOW

Thuốc Đông y làm triệu chứng thuyên giảm chậm, thời gian điều trị kéo dài

V. Phương pháp kết hợp điều trị Hội chứng TENNIS ELBOW

– Nghỉ ngơi, giảm vận động các động tác liên quan đến khuỷu tay, cẳng tay, cổ tay. Có thể dùng băng ép vùng khuỷu tay bị đau.
– Thuốc Đông y: bài thuốc Quyên tý thang gia giảm
– Thuốc Nam: Lá Náng, cắt khúc, hơ nóng chườm vào chỗ đau
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động khớp khuỷu.
– Châm cứu: A thị huyệt, Khúc trì, Thủ tam lý…
– Thủy châm: Khúc trì, Thủ tam lý
– Chườm nóng: Xông hơi thuốc, Chườm ngải cứu, Cứu điếu ngải…
– Vật lý trị liệu: Điện xung, Điện phân, Siêu âm, Hồng ngoại…
– Thuốc Tây y: Mobic, Diclophenac…

VI. Cách phòng chống Hội chứng TENNIS ELBOW hiệu quả

– Tránh các vận động quá mức, các động tác đột ngột của gân cơ duỗi trong các hoạt động như chơi quần vợt, cầu lông, bóng bàn, chơi đàn, sử dụng tuốc nô vit, kìm búa, thái thịt, xoay của cổ tay, mang xách nặng…
– Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao.

VII. Lời khuyên.

– Khi có dấu hiệu đau khuỷu tay, bạn nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm, tránh tái phát hoặc để lâu dài dễ dẫn đến thoái hóa, xơ hóa gân duỗi ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt..
– Hạn chế và tránh các động tác có thể gây bệnh hoặc làm nặng bệnh.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ