Đau gót chân – Viêm cân gan chân (gai gót)

Viêm cân gan chân là tình trạng đau phía dưới gót chân, đau nhiều khi bước đi đầu tiên vào lúc thức dậy buổi sáng, rồi sau đó tình trạng thuyên giảm dần…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau gót chân – Viêm cân gan chân
1. Đại cương
– Cân gan bàn chân là một dải rất chắc chạy dọc theo lòng bàn chân, nối từ gót chân đến các ngón chân. Nó có chức năng nâng đỡ cung bàn chân, duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, khiến bàn chân có độ nhún, làm giảm nhẹ lực đè ép lên bàn chân khi vận động. Viêm cân gan chân là viêm dải cân này
– Nếu áp lực đè lên cân gan chân trở nên quá lớn, nó có thể tạo ra những vết rách nhỏ, những tổn thương này lặp lại nhiều lần có thể trở nên bị kích thích hoặc viêm, gây thoái hóa mãn tính…
– Bệnh phổ biến nhất ở độ tuổi 40 – 60, nữ gấp đôi nam.
2. Nguyên nhân
– Những người phải đi bộ nhiều, đứng lâu, mang vác nặng…: Vận động viên điền kinh, khiêu vũ và thể dục nhịp điệu, công nhân… Những vận động lặp lại nhiều lần tạo áp lực trên gót chân và các mô kế cận.
– Thói quen ngồi chồm hổm, đi chân đất, đi dép đế quá cứng, mang giày và miếng lót giày không thích hợp, đi giày cao gót
– Béo phì, mang thai: Trọng lượng dư thừa tạo áp lực trên cân gan chân.
– Tuổi cao: Tuổi cao làm giảm tính linh hoạt của cân gan chân và teo mô mỡ vùng gót chân là 2 yếu tố thoái hóa gây nguy cơ viêm cân gan chân
– Dị tật bàn chân: Tật bàn chân bẹt (bàn chân phẳng), hay vòm bàn chân quá cao, hay cách đi đứng làm tăng áp lực trên cân gan chân
3. Triệu chứng
– Đau buốt, đau nhói như dao đâm ở phía dưới gót chân. Cơn đau thường xuất hiện ở những bước đầu tiên khi thức dậy rồi sau đó giảm dần, nhưng có thể trở lại sau một thời gian dài đứng hoặc khi đứng dậy từ tư thế ngồi.
– Ban đầu, cơn đau giảm khi đi lại hoặc sau khi được khởi động, nhưng giai đoạn sau đó, có thể đau âm ỉ suốt cả ngày, rõ nhất vào cuối ngày, đặc biệt là sau khi đi bộ hoặc đứng nhiều.
– Ngoài ra, có thể thấy cứng khớp ở bàn chân và sưng ở gót chân, hoặc tê do chèn ép thần kinh gan chân.
– Đứng bằng gót chân hoặc khi ấn vào phía dưới gót chân đau tăng nhiều
4. Điều trị
– Thuốc giảm đau .
– Thuốc kháng viêm giảm đau.
– Corticosteroid uống hoặc tiêm.
– Phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau gót chân – Viêm cân gan chân
– Thuốc YHHĐ có thể làm giảm nhanh các triệu chứng đau, tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ
– Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, Corticosteroid có nhiều tác dụng phụ gây độc cho gan thận, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Cushing, teo da, giảm sắc tố da, teo mô mềm, nhiễm trùng…
– Tiêm steroid không đúng cách có thể dẫn đến hoại tử và teo mô mỡ gót chân, làm giảm khả năng hấp thụ xóc của cân gót chân.
– Phẫu thuật tách các cân gan chân từ xương gót chân là lựa chọn cuối cùng khi thất bại với các điều trị khác. Rất ít người cần phải thực hiện phương pháp này. Có thể làm suy yếu kiến trúc bàn chân
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau gót chân – Viêm cân gan chân
1. Đại cương
– Các triệu chứng của Viêm cân gan chân được mô tả trong phạm vi Chứng Tý của Y học cổ truyền.
2. Nguyên nhân
– Can thận hư: gân do can huyết sinh ra và nuôi dưỡng (Can sinh cân), một khi can huyết không đầy đủ thì gân sẽ bị suy yếu, khô, kém đàn hồi và dễ bị tổn thương do ngoại tà, hoặc
– Sang chấn: chấn thương vùng bàn chân làm cho khí huyết lưu thông kém, khí trệ huyết ứ tại đó mà gây đau
3. Triệu chứng
– Thể can thận hư: đau phía dưới gót chân âm ỉ, không sưng nóng đỏ, không thể đi đứng nhiều, kèm theo đau mỏi lưng gối, ù tai, hay quên, ngủ ít, mạch trầm tế.
– Thể huyết ứ: Đau buốt hoặc đau như dùi đâm phía dưới gót chân, ấn vào đau tăng nhiều, có thể sưng nhẹ, sắc mặt xanh tối, chất lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch sáp.
4. Điều trị
– Thể can thận hư: Bổ can thận, thông kinh lạc
– Thể Huyết ứ: Hoạt huyết hóa ứ, tiêu viêm chỉ thống.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau gót chân – Viêm cân gan chân
– Thuốc Đông y thường hiệu quả chậm hơn nhưng duy trì tác dụng lâu dài và hạn chế được tác dụng phụ ở dạ dày.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau gót chân – Viêm cân gan chân
– Thuốc Đông y: Lộc giác giao hoàn, Huyết phủ trục ứ tháng, Đan sâm ngưu tất thang gia giảm…
– Xoa bóp bấm huyệt, tập vận động nhẹ nhàng
– Chườm ấm: Xông thuốc, chườm ngải cứu, cứu ngải vùng gan bàn chân
– Nghỉ ngơi và tập các bài tập theo hướng dẫn.
– Vật lý trị liệu: Điện xung, điện phân, siêu âm, hồng ngoại…
– Thuốc Tây y: mobic, prednisolon..
VI. Cách phòng chống Viêm cân gan chân hiệu quả
– Giảm cân với người béo phì, tránh tăng cân quá nhiều khi mang thai.
– Khởi động thật kỹ và thực hiện các động tác kéo căng cơ bụng chân, cân gan chân trước khi lao động hoặc chơi thể thao.
– Không nên: đi chân đất, đứng lâu, ngồi chồm hổm, chơi trên mặt sân cứng đi bộ đường xa. Hạn chế giày cao gót.
– Nên: Mang giày dép kích cỡ phù hợp, có miếng đệm giày êm.
– Thường xuyên tập thể dục thể thao hợp lý để tăng cường sự dẻo dai của bàn chân và cân gan chân (đi bộ nhiều lần trong một tuần với quãng đường ngắn hơn là chạy một lần với quãng đường dài, gắng sức). Ngâm chân nước ấm trước khi ngủ
– Phát hiện sớm, sửa chữa kịp thời các dị tật bàn chân.
VII. Lời khuyên.
– Viêm cân gan chân không nguy hiểm nhưng gây đau đớn, ánh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để tránh nguy cơ bệnh trở thành mạn tính, bạn nên đi khám ngay khi mới có triệu chứng để được điều trị đúng cách và kịp thời