Đau dây thần kinh chẩm: Đau đầu sau gáy do ngồi cúi quá lâu khi làm việc.

Đau đầu sau gáy do tổn thương dây thần kinh chẩm
Đau đầu sau gáy do tổn thương dây thần kinh chẩm

Đau đầu sau gáy (vùng chẩm) là triệu chứng hay gặp, nguyên nhân có thể do dây thần kinh chẩm bị chèn ép hoặc kích thích khi bạn ngồi làm việc sai tư thế trong một thời gian dài, cúi gập cố quá mức hoặc chấn thương…

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau dây thần kinh chẩm

1. Đại cương

– Dây thần kinh chẩm xuất phát từ đốt sống cổ thứ hai và thứ ba (C2, C3) đi lên chi phối da đầu vùng gáy.
Đau đầu vùng chẩm còn được gọi là đau đầu Arnold, là những cơn đau kịch phát như dao đâm ở phần sau của hộp sọ tương ứng với đường đi và phân bố của các dây thần kinh chẩm lớn và chẩm bé, có thể một hoặc hai bên.

2. Nguyên nhân

– Đa số các trường hợp Đau thần kinh chẩm không rõ nguyên nhân (nguyên phát), nhiều trường hợp đau thần kinh chẩm do căng cơ cổ mãn tính.
– Một số nguyên nhân gây tổn thương thần kinh chẩm:
   + Chấn thương các dây thần kinh chẩm lớn, dây thần kinh chẩm nhỏ do tai nạn, ngã hoặc cúi ngửa cố quá mức, ngồi làm việc sai tư thể trong một thời gian dài.
   + Thoái hóa cột sống cổ chèn ép các dây thần kinh chẩm lớn, dây thần kinh chẩm nhỏ hoặc rễ cổ C2 và / hoặc C3.
   + Bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ.
   + Khối u ảnh hưởng đến rễ thần kinh C2 và C3.
   + Viêm xương khớp của cột sống cổ cao.
   + Đau thần kinh sinh ba cùng bên,
   + Gout. Bệnh đái tháo đường. Viêm mạch máu. Nhiễm trùng…

3. Triệu chứng

– Cơn đau thường khởi phát đột ngột, kéo dài vài giây đến vài phút, thường đau một bên nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến cả hai bên đầu
– Đau từ vùng ụ chẩm lan dọc lên phía đỉnh đầu thuộc đường đi và phân bố của các thần kinh chẩm, ra phía sau hoặc dọc theo bên đầu, thậm chí có thể lan ra phía sau mắt
– Đau thường có tính chất dữ dội, đau nhói như dao đâm, đau như điện giật, có cảm giác rát bỏng; đau có thể theo cơn đột ngột hoặc thành nhịp, đau liên tục.
– Đau tăng lên dữ dội khi có những kích thích vô hại ở vùng da đầu hoặc tóc. Ở vài người, cử động cổ có thể gây đau. Da đầu có thể trở nên nhạy cảm đau, và thậm chí chải tóc cũng có thể làm tăng cơn đau.
– Co cứng da đầu vùng đau hoặc máy giật cơ vùng thần kinh chẩm lớn hoặc vùng tương ứng đốt sống cổ C2

4. Điều trị

– Thuốc giảm đau, chống viêm.
– Thuốc giãn cơ.
– Thuốc chống co giật.
– Phong bế dây thần kinh qua da bằng Steroid
– Phẫu thuật: Giải ép mạch máu vi phẫu. Kích thích thần kinh chẩm
– Phong bế thần kinh chẩm: gây tê tại chỗ bằng cách tiêm hỗn hợp dung dịch thuốc gây tê và thuốc chống viêm corticoid vào dây thần kinh chẩm.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau dây thần kinh chẩm

– Thuốc Tây y có tác dụng giảm đau nhanh nhưng có thể gây nhờn thuốc, đau đầu nặng thêm (đau đầu do lạm dụng thuốc giảm đau), hoặc tác dụng phụ như dị ứng, ảnh hưởng chức năng gan thận. Các phương pháp phẫu thuật, phong bế thần kinh, cần đảm báo chính xác mốc giải phẫu, vô trùng, tránh các tai biến có thể xảy ra như viêm, nhiễm trùng da và mô mềm…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau dây thần kinh chẩm

1. Đại cương

– Đau thần kinh chẩm được mô tả trong phạm vi chứng Đầu thống, Cảnh thống của Y học cổ truyền.

2. Nguyên nhân

– Do phong hàn thử thấp xâm nhập vào cơ thể làm cho khí huyết lưu thông trong mạch bị tắc trở, nghịch loạn, thanh dương bất thăng mà sinh bệnh.
– Sang chấn về tinh thần, ảnh hưởng chức năng sơ tiết của tạng Can làm cho can khí uất lại hóa hỏa, làm tổn thương can âm làm can thận âm hư, can dương vượng mà gây đau đầu
– Lo âu, căng thẳng nhiều ảnh hưởng chức năng vận hóa của tỳ, tỳ hư sinh đàm thấp, đàm thấp bao bọc thanh khiếu làm thanh bất thăng trọc bất giáng mà gây bệnh
– Lao lực quá độ, ăn uống kém, mắc bệnh kéo dài làm cho nguồn gốc sinh khí huyết không đủ, không thăng lên được gây đau đầu.
– Sang chấn vùng đầu làm huyết ứ khí trệ ở bên trong sinh bệnh.

3. Triệu chứng

– Thể Phong hàn: đau đầu vùng chẩm gáy sau khi gặp mưa gió lạnh, thường đau từ sau đầu, thái dương, cổ vai gáy, chỗ đau không cố định, ớn lạnh, sợ gió, sợ lạnh, gặp gió thì đau hơn, miệng không khát, rêu lưỡi trắng, mỏng, Mạch phù
– Thể Phong nhiệt: Vùng chẩm gáy đau căng, theo nhịp mạch đập, mắt đỏ, miệng khô khát, phát sốt, muốn uống nước, rêu lưỡi vàng. Mạch phù sác.
– Thể Phong thấp: Đau nặng đầu vùng sau gáy, đau bó lại như cảm giác đội mũ chật, tay chân nặng nề, vận động khó khăn, ngực đau tức, ăn uống kém. Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhu.
– Thể Can dương vượng: Nhức đầu, chóng mặt, dễ tức giận, tâm phiền não, ngủ không yên, hay mơ, dễ cáu, bốc hỏa, miệng khát, có khi mặt đỏ, đau tức sườn. Rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ. Mạch huyền tế sác.
– Thể Huyết hư: Đau đầu vùng chẩm gáy, cảm giác căng tức, choáng váng xay xẩm, thần sắc kém linh hoạt, sắc mặt trắng nhợt, tâm không yên, ngủ ít, có thể kèm tim hồi hộp. Lưỡi nhạt, Rêu mỏng trắng, mạch tế nhược.
– Thể Đàm trọc: đau nửa sau đầu, cảm giác căng tức, kèm lợn giọng buồn nôn hoặc nôn ra đờm dãi loãng, tay chân nặng nề, ngực bụng đầy tức, ăn kém, buồn nôn. Rêu lưỡi trắng nhờn. Mạch huyền hoạt.
– Thể Huyết ứ: đau đầu liên miên, đau cố định một chỗ vùng chẩm gáy, đau như kim châm như dùi đâm, tiền sử có chấn thương vùng đầu, lưỡi có ban ứ huyết, mạch tế sáp.

4. Điều trị

– Thể phong hàn: Sơ tán phong hàn.
– Thể phong nhiệt: Trừ phong thanh nhiệt.
– Thể phong thấp: Trừ phong thắng thấp.
– Thể can dương vượng: Bình can tiềm dương, dưỡng âm.
– Thể huyết hư: Bổ huyết dưỡng huyết.
– Thể đàm trọc: Hóa đàm giáng nghịch.
– Thể huyết ứ: Hoạt huyết hóa ứ.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau dây thần kinh chẩm

– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều điều trị kéo dài. Khi điều trị bằng các biện pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm… bệnh nhân thường phải nằm viện hoặc đến các cơ sở y tế hàng ngày, đòi hỏi sự kiên trị của người bệnh.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau dây thần kinh chẩm

– Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng thần kinh.
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng bài thuốc khác nhau như Xuyên khung trà điểu tán, Khung chỉ thạch cao tháng, Khương hoạt thắng thấp tháng, Bán hạ bạch truật thiên ma thang, Thiên ma câu đằng ẩm, Thông khiếu hoạt huyết thang.
– Thuốc Nam:
+ Lá lốt, cỏ xước, ngải cứu: rửa sạch, băm nhỏ, phơi khô. Mỗi ngày, sử dụng 30g nguyên liệu đun cùng nước. Uống thay nước mỗi ngày
+ Chìa vôi, tầm gửi, cỏ xước, dền gai, lá lốt tất cả rửa sạch. Sau đó, đun 30g các vị thuốc trên cùng 1 lít nước. Uống thay nước mỗi ngày.
– Xoa bóp bấm huyệt vùng đầu cổ gáy.
– Chườm nóng: Chườm ngải cứu, cứu ngải.
– Châm cứu: A thị, Phong trì, An miên, Suất cốc, Đầu duy, Thái dương, Bách hội, Hợp cốc
– Thủy châm: Mobic
– Thuốc Tây y: Paracetamol, Diclophenac…

VI. Cách phòng chống Đau dây thần kinh chẩm hiệu quả

– Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, loại bỏ các nguyên nhân gây stress.
– Tránh mưa gió, quạt hoặc điều hòa lạnh thổi vào vùng sau gáy.
– Ngồi hoặc nằm đúng tư thế, không cúi hoặc gập cổ quá mức, không gối đầu quá cao, vận động cột sống cổ nhẹ nhàng sau khoảng 60 phút ngồi làm việc.
– Tập thể dục thường xuyên và đều đặn, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể.
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không sử dụng các chất kích thích, hạn chế rượu bia, các thức uống chứa cồn, có gas.
– Điều trị các bệnh lý liên quan như Thoái hóa cột sống cổ, viêm xương khớp cột sống cổ cao, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…

VII. Lời khuyên.

– Đau đầu sau gáy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
– Khi có cơn đau, bạn không nên tự ý dùng thuốc hoặc lạm dụng thuốc giảm đau tránh các tác dụng phụ của thuốc như dị ứng, nhờn thuốc, ảnh hưởng chức năng gan thận… cân nhắc kỹ các biện pháp phẫu thuật để tránh các tai biến có thể xảy ra.
– Để giảm chứng đau đầu sau gáy, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản như:
   + Nằm nghỉ ngơi.
   + Chườm nóng vùng cổ gáy bằng túi chườm nóng, chườm ngải cứu, tắm nước nóng…
   + Xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ gáy.
   + Tập vận động cột sống cổ nhẹ nhàng, từ từ, không nên vận động nhanh mạnh.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ