Đau đầu: nguyên nhân và cách điều trị không dùng thuốc

Đau đầu
Đau đầu

Đau đầu  là triệu chứng rất hay gặp, thường không gây nguy hiểm nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, giảm khả năng tập trung và làm việc của người bệnh.

I. Quan niệm của Y học hiện đại v Đau đầu

1. Đại cương

Đau đầu là cảm giác khó chịu ở vùng giới hạn bởi ụ chẩm và hốc mắt, xuất hiện do sự kích thích các cảm thụ đau.

2. Nguyên nhân

– Đau đầu do các bệnh thần kinh:
  + Chấn thương sọ não.
  + Bệnh màng não, mạch máu não.
  + Hội chứng tăng áp lực nội sọ.
  + Bệnh đau nửa đầu (Migraine).
  + Rối loạn chức năng.
– Do bệnh toàn thân: 
  + Nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính.
  + Nhiễm độc.
  + Say nóng, say nắng.  
– Do bệnh nội khoa: 
  + Bệnh tim mạch.
  + Bệnh tiêu hóa.
  + Bệnh thận mãn tính.
  + Thiếu máu.
  + Rối loạn nội tiết.
– Do các bệnh chuyên khoa khác: Mắt – Tai – mũi – họng.
– Căn nguyên tại phần mềm ngoài sọ và hộp sọ: 
  + Viêm xương sọ, bệnh xương Paget.
  + Di căn ung thư vào xương sọ.
  + Biến dạng cột sống cổ.
  + Đau dây thần kinh chẩm lớn do thoái hóa khớp đốt sống cổ.
  + Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
  + Viêm động mạch thái dương còn gọi là bệnh Horton.

3. Triệu chứng

Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà có triệu chứng khác nhau:
– Đau đầu typ căng thẳng: Đau âm ỉ, cảm giác căng hoặc siết chặt ở các cơ vùng đầu và cổ. Đau thường lan tỏa khắp đầu, thường khó chịu nhất ở phần sau đầu và cổ. Đau tăng khi kèm theo stress, mệt mỏi, tiếng ồn, chói sáng hoặc vào cuối ngày, thường không gây buồn nôn hoặc nôn…
– Migraine thông thường (Đau nửa đầu): Đau dữ dội vùng chẩm lan ra phía trước, đặc biệt hốc mắt, cơn đau kéo dài từ 4 – 72h. Đau tăng khi gắng sức, có ánh sáng và tiếng ồn, giảm khi nghỉ ngơi, buồng tối. Đau thường kèm nhịp mạch hoặc đau kéo dài. Có thể kèm theo nôn, buồn nôn… Có tính chất chu kỳ…
– Đau đầu chuỗi: Đau dữ dội một bên mắt, thường cố định một khung giờ, kéo dài 20 – 60p. Đau tăng khi cúi, xoa bóp, chườm nóng, đi lại, vận động sẽ làm dịu đau…
– Đau thần kinh số V: tùy vị trí, mức độ dây V bị tổn thương có triệu chứng khác nhau
  + Đau khởi phát từ vùng bị kích thích khi: ăn nhai, đánh răng, rửa mặt…
  + Đau dữ dội, cảm giác đau buốt như dao đâm, như điện giật một bên mặt, kéo dài một vài giây đến vài phút, xảy ra chủ yếu vào buổi sáng. Trong cơn đau khi sờ nắn vùng mặt bên đau làm cơn đau tăng lên dữ dội…

4. Điều trị

– Điều trị triệu chứng
  + Nghỉ ngơi là biện pháp cần thiết trong mọi trường hợp đau đầu.
  + Thuốc giảm đau: Aspirin, paracetamol…
– Điều trị nguyên nhân

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều tr Đau đầu

Thuốc Tây y làm giảm nhanh triệu chứng đau nhức, tuy nhiên  nếu lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây nhờn thuốc hoặc gây chứng Đau đầu do thuốc.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau đầu

1. Đại cương

Đau đầu thuộc phạm vi Chứng Đầu thống, Đầu phong, Não phong của Y học cổ truyền.
Đầu là nơi hội tụ của các kinh dương, trong đầu có chứa não, não là bể của tủy cho nên khí huyết của lục phủ ngũ tạng đều hội tụ trên đầu.

2. Nguyên nhân

– Ngoại cảm: Do phong hàn thử thấp xâm nhập vào cơ thể làm cho khí huyết lưu thông trong mạch bị tắc trở, nghịch loạn, thanh dương bất thăng mà sinh bệnh.
– Nội thương:
  + Sang chấn về tinh thần, ảnh hưởng chức năng sơ tiết của tạng Can làm cho can khí uất lại hóa hỏa, làm tổn thương can âm làm can thận âm hư, can dương vượng mà gây đau.
  + Lo âu, căng thẳng nhiều ảnh hưởng chức năng vận hóa của tỳ, tỳ hư sinh đàm thấp, đàm thấp bao bọc thanh khiếu làm thanh bất thăng trọc bất giáng mà gây bệnh
  + Lao lực quá độ, ăn uống kém, mắc bệnh kéo dài làm cho nguồn gốc sinh khí huyết không đủ, không thăng lên được gây đau.
– Bất nội ngoại nhân: ngã, chấn thương vùng đầu làm huyết ứ khí trệ ở bên trong sinh bệnh.

3. Triệu chứng

– Phong hàn Đầu thống: thường gặp sau khi gặp mưa gió lạnh, thường đau từ vùng đỉnh, thái dương, cổ vai gáy, chỗ đau không cố định, ớn lạnh, sợ gió, sợ lạnh, gặp gió thì đau hơn, miệng không khát, rêu lưỡi trắng, mỏng, Mạch phù
– Phong nhiệt Đầu thống: Đau căng đầu, đau theo nhịp mạch đập, mắt đỏ bức rức, miệng khô khát, phát sốt, muốn uống nước, rêu lưỡi vàng. Mạch phù sác.
– Phong thấp Đầu thống: Đau nặng đầu, đau bó lại như cảm giác đội mũ chật, tay chân nặng nề, vận động khó khăn, ngực đau tức, ăn uống kém. Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhu.
– Can dương Đầu thống: Nhức đầu, chóng mặt, dễ tức giận, tâm phiền não, ngủ không yên, hay mơ, dễ cáu, bốc hỏa, miệng khát, có khi mặt đỏ, đau tức sườn. Rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ. Mạch huyền tế sác.
– Huyết hư Đầu thống: Đau cảm giác căng tức, choáng váng xay xẩm, thần sắc kém linh hoạt, sắc mặt trắng nhợt, tâm không yên, ngủ ít, có thể kèm tim hồi hộp. Lưỡi nhạt, Rêu mỏng trắng, mạch tế nhược.
– Đàm trọc Đầu thống: đau cảm giác căng tức, kèm lợn giọng buồn nôn hoặc nôn ra đờm dãi loãng, tay chân nặng nề, ngực bụng đầy tức, ăn kém, buồn nôn. Rêu lưỡi trắng nhờn. Mạch huyền hoạt.
– Huyết ứ: đau liên miên, đau cố định một chỗ, đau như kim châm như dùi đâm, tiền sử có chấn thương vùng đầu, lưỡi có ban ứ huyết, mạch tế sáp.

4. Điều trị

– Thể phong hàn: Sơ tán phong hàn.
– Thể phong nhiệt: Trừ phong thanh nhiệt.
– Thể phong thấp: Trừ phong thắng thấp.
– Thể can dương vượng: Bình can tiềm dương, dưỡng âm.
– Thể huyết hư: Bổ huyết dưỡng huyết.
– Thể đàm trọc: Hóa đàm giáng nghịch.
– Thể huyết ứ: Hoạt huyết hóa ứ.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau đầu

Thuốc Đông y làm giảm triệu chứng chậm, thời gian điều trị kéo dài. Nên kết hợp với các biện pháp khác như Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, chườm ngải cứu…

V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau đầu

– Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng thần kinh.
– Xoa bóp bấm huyệt vùng đầu cổ gáy.
– Châm cứu: A thị, Ấn đường, Suất cốc, Đầu duy, Thái dương, Bách hội, Tứ thần thông, Phong trì, Hợp cốc…
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng bài thuốc khác nhau như Xuyên khung trà điểu tán, Khung chỉ thạch cao tháng, Khương hoạt thắng thấp tháng, Bán hạ bạch truật thiên ma thang, Thiên ma câu đằng ẩm, Thông khiếu hoạt huyết thang.
– Thuốc Tây y: Paracetamol…

VI. Cách phòng chống Đau đầu hiệu quả

– Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, loại bỏ các nguyên nhân gây stress.
– Tập thể dục thường xuyên và đều đặn, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể.
– Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không sử dụng các chất kích thích, hạn chế rượu bia, các thức uống chứa cồn, có gas.
– Điều trị các bệnh lý liên quan như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…

VII. Lời khuyên.

Đau đầu có thể là một căn bệnh nhưng cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý khác, vì vậy khi có dấu hiệu đau đầu thường xuyên hoặc đột ngột dữ dội, ban nên đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị đúng.

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ