Đau cổ vai gáy: Phòng chống và điều trị không dùng thuốc hiệu quả

Đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy

Đau cổ vai gáy là triệu chứng thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới… đặc biệt với những người làm việc công sở phải ngồi nhiều… 

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau cổ vai gáy

1. Đại cương

Đau vai gáy là một hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau dãn tới hậu quả vai và gáy đau, thậm chí đau tê lan xuống cánh, cẳng, ngón tay.
Chứng đau vai gáy thường không có gì nguy hiểm, nhưng có thể gây ra nhiều khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi hiểu rõ và tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của thầy thuốc thì chứng bệnh này thực ra không khó chữa.

2. Nguyên nhân

– Ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, kẹp điện thoại vào một bên vai vừa nghe vừa ghi chép, ngồi làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái ôtô, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi…
– Ngồi trước quạt hay ngồi máy lạnh lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm…
– Bệnh lý: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, hẹp ống sống, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ.
– Đôi khi có những trường hợp đau vai gáy xuất hiện tự phát, không có nguyên nhân rõ rệt.

3. Triệu chứng

– Đau vai gáy cấp: thường xuất hiện đột ngột, sau một đêm ngủ dậy do gối đầu lệch hoặc sau lao động nặng, căng thẳng, lạnh… thấy đau vùng cổ vai gáy. Đau làm đầu lệch sang một bên không quay về bên kia được, muốn nhìn ngang hoặc ngoái sau phải quay cả nửa thân trên. Cơ vùng vai gáy bên đau gồ cao, co cứng và ấn vào đau tăng.
– Đau vai gáy mạn tính: Đau âm ỉ cổ vai gáy, khó vận động một số động tác vì đau, đôi khi thấy lạo xạo khi quay cổ.
+ Đau tăng khi ngồi lâu một tư thế, khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ hoặc khi thay đổi thời tiết; đau giảm khi nghỉ ngơi, chườm ấm, khi kéo giãn cột sống cổ…
+ Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay.
+ Một số trường hợp có thể kèm theo co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ.
+ Ấn vào cột sống cổ và cạnh cột sống cổ có điểm đau.
+ Có thể kèm theo hiện tượng hay đau đầu, chóng mặt, ngủ kém, giảm trí nhớ…

4. Điều trị

– Thuốc giảm đau chống viêm
– Thuốc phong bế thần kinh
– Thuốc giãn cơ
– Vitamin nhóm B.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau cổ vai gáy

– Thuốc Tây y có tác dụng giảm đau nhức nhanh chóng nhưng cần lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc như: độc cho gan, thận, gây viêm loét dạ dày tá tràng…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau cổ vai gáy

1. Đại cương

Đau cổ vai gáy được mô tả trong chứng Lạc chẩm, Kiên tý của Y học cổ truyền.

2. Nguyên nhân

– Do phong hàn, phong thấp, phong nhiệt xâm nhập vào kinh mạch vùng vai gáy, làm khí huyết lưu thông kém mà gây bệnh.
– Do chính khí hư, rối loạn chức năng của các tạng phủ nhất là hai tạng can và thận. Can tàng huyết, chủ cân. Can hư không tàng được huyết, không nuôi dưỡng được cân gây cân cơ yếu mỏi hoặc co rút. Thận chủ cốt tủy, thận hư xương cốt yếu.
– Do ngồi lâu một tư thế, bê vác nặng, hoặc do bị sang chấn (bị ngã, bị đánh…) làm khí huyết ứ trệ gây nên đau, hạn chế vận động.

3. Triệu chứng

– Thể phong hàn: Đột nhiên vai gáy cứng, đau, quay cổ khó, ấn vào các cơ thang, cơ ức đòn chũm thấy đau và co cứng so với bên lành, thích ấm, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng , mạch Phù.
– Thể Khí trệ huyết ứ: cổ vai gáy đau cứng, đau một vùng nhất định, ấn vào đau tăng, miệng khô, lưỡi đỏ tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch Sáp, Huyền
– Thể Can thận hư: Đau mỏi âm ỉ cổ vai gáy, đau tăng khi ngồi lâu 1 tư thế hoặc khi thay đổi thời tiết, có khi đau lan lên đầu hoặc lan xuống vai tay một hoặc hai bên. Kèm theo đau mỏi lưng gối, chóng mặt, hoa mắt, hay quên, ngủ kém, mạch trầm tế.

4. Điều trị

– Thể phong hàn: Khu phong tán hàn, thông kinh lạc.
– Thể Khí trệ huyết ứ: Hành khí hoạt huyết, chỉ thống.
– Thể Can thận hư: Bổ can thận, thông kinh lạc

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau cổ vai gáy

– Các triệu chứng thuyên giảm chậm, thời gian điều trị kéo dài.
– Khi điều trị bằng các phương pháp Châm cứu, Thủy châm, Xoa bóp… Bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế điều trị hàng ngày hoặc năm nội trú tại viện, nên khá tốn thời gian.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Đau cổ vai gáy

– Thuốc Đông y: Bài thuốc Quyên tý thang, Ma hoàng quế chi thang gia giảm…
– Xoa bóp bấm huyệt: Dùng các thủ thuật: xoa, bóp, day, lăn, bấm, điểm, miết, xát, đấm, phát, vờn  và vận động cổ.
– Châm cứu: Các huyệt Phong trì, Kiên tỉnh, Đại trữ, Phong môn, Đốc du, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Ngoại quan, Hợp cốc…
– Cấy chỉ: các huyệt như trên.
– Thủy châm: Vitamin 3B…
– Chườm nóng: Xông thuốc, Chườm ngải cứu…
– Vật lý trị liệu: Điện xung, Điện phân, Siêu âm, Hồng ngoại, kéo giãn cột sống cổ…
– Thuốc Tây y: Mobic, Myonal…

VI. Cách phòng chống Đau cổ vai gáy hiệu quả

– Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay.
– Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu.
– Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay nằm xem tivi, dễ làm sai tư thế cột sống cổ. Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10 cm.
– Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
– Không bẻ cổ kêu răng rắc, nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu và tin rằng làm như thế sẽ hết mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu bạn bị thoát vị đĩa đệm khi bẻ hoặc vặn mạnh làm bệnh thêm trầm trọng.
– Không nên kẹp điện thoại vào cổ để nghe.
– Khi lái ôtô, xe máy cần ngồi đúng tư thế, tránh ngả người quá mức ra trước hoặc ra sau.
– Tránh đeo các đồ vật một bên vai. Khi cần thiết, các dây đeo phải rộng bản. Với balô đeo lưng thì dùng cả hai dây đeo, tựa lên hông với các dây đeo qua ngực. Chỉ mang các balô hay các hộp nhỏ gọn nhẹ, tránh tư thế cứng nhắc và nên có đệm vai.
– Tránh gió lạnh ẩm thấp, không nên để điều hóa lạnh hoặc tắm gội quá muộn.
– Nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, áp dụng các động tác trong bài tập vận động cột sống cổ để tăng khả năng chịu đựng, tăng sức dẻo dai của hệ thống gân cơ, dây chằng quanh cột sống.

VII. Lời khuyên.

Khi có triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy, nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm, kết hợp với chế độ nghỉ ngơi và tập luyện nhằm tránh bệnh tiến triển nặng thêm hoặc tái phát nhiều lần.

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ