Đau Cổ Tay – Hội Chứng DEQUERVAIN

Đau Cổ Tay – Hội Chứng DEQUERVAIN với triệu chứng Đau cổ tay, phía gốc ngón tay cái do Viêm gân vùng mỏm trâm quay
I. Quan niệm của Y học hiện đại
1. Đại cương
Viêm gân vùng mỏm trâm quay là bệnh lý viêm bao gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái.
Bình thường cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái trượt trong đường hầm được bao bọc bởi bao hoạt dịch gân. Khi bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng lên gây ra hiện tượng chèn ép dẫn đến hạn chế vận động của gân trong đường hầm gọi là hội chứng De Querrvain.
2. Nguyên nhân
– Các nghề nghiệp phải sử dụng cầm, nắm, xoay, vặn cổ tay và ngón cái lặp đi lặp lại nhiều như làm ruộng, giáo viên, phẫu thuật viên, cắt tóc, nội trợ….
– Các chấn thương vùng cổ bàn tay.
– Phụ nữ có thai và cho con bú.
– Một số trường hợp có thể gặp ở một số bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp…
3. Chẩn đoán về Đau cổ tay – Hội chứng Dequervain
– Đau cổ tay phía gốc ngón cái, đau tăng khi vận động ngón cái hoặc làm một số động tác: mở cửa, cầm nắm đồ vật, vắt khăn… Đau có thể tăng về đêm, lan ra ngón cái hoặc lan lên cẳng tay.
– Nhìn cổ tay phía gốc ngón cái có thể thấy sưng nề, có khi nóng đỏ, ấn vào đau tăng.
– Khi gấp ngón cái và trong lòng bàn tay. Nắm các ngón tay trùm lên ngón cái. Nghiêng cổ tay về phía ngón út. Bệnh nhân thấy đau chói tại cổ tay phía gốc ngón cái (nghiệm pháp Finkelstein dương tính).
4. Điều trị về Đau cổ tay – Hội chứng Dequervain
– Thuốc chống viêm không streroid đường uống hoặc bôi ngoài da.
– Thuốc giảm đau.
– Tiêm corticoid trong bao gân De Quervain.
– Phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm gân vùng mỏm trâm quay
Thuốc YHHĐ có thể làm giảm nhanh các triệu chứng đau, tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ, nếu không kết hợp thêm các biện pháp khác thì bệnh rất dễ tái phát:
– Nhóm thuốc giảm đau cũng có nhiều tác dụng phụ như độc cho gan, thận: huỷ hoại tế bào gan cấp khi dùng liều cao.
– Nhóm thuốc chống viêm không steroid có nhiều tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa: gây viêm loét dạ dày tá tràng…
– Tiêm Corticoid trong bao gân: nếu không được thực hiện đúng có thể gây nguy cơ đứt gân khi tiêm vào gân, nhiễm trùng.
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Hội chứng Dequervain (Viêm gân vùng mỏm trâm quay)
1. Đại cương
Các triệu chứng của Bệnh Viêm gân vùng mỏm trâm quay thuộc phạm vi Chứng Tý của YHCT.
2. Nguyên nhân
Bất nội ngoại nhân: sang chấn vùng cổ tay làm cho khí huyết lưu thông kém, gây đau, lúc đầu có thể đau dữ dội và ấn vào đau tăng, sau đó đau âm ỉ dai dẳng kéo dài, ấn vào điểm đau này có cảm giác dễ chịu.
3. Chẩn đoán ĐAU CỔ TAY – HỘI CHỨNG DEQUERVAIN
Khí trệ huyết ứ: Sau khi gặp chấn thương vùng cổ tay hoặc sử dụng cổ tay bàn tay lặp đi lặp lại nhiều lần, thấy xuất hiện các triệu chứng đau vùng cổ tay phía gốc ngón tay cái, đau tăng khi vận động cổ tay hoặc làm các động tác cầm nắm, xách đồ…ấn vào đau tăng, chất lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch phù.
4. Điều trị ĐAU CỔ TAY – HỘI CHỨNG DEQUERVAIN
Pháp điều trị: hành khí hoạt huyết, tiêu viêm, chỉ thống.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm gân vùng mỏm trâm quay
Thuốc đông y có tác dụng giảm triệu chứng chậm hơn thuốc tây y nên thời gian điều trị kéo dài.
Khi có sưng nóng đỏ không nên châm cứu, đắp lá hay cao nóng.
V. Phương pháp kết hợp:
– Bài Quyên Tý thang gia giảm.
– Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay và ngón tay cái, có thể dùng nẹp cổ tay và ngón cái
– Khi có sưng nóng đỏ: Chườm lạnh.
– Khi không có sưng nóng đỏ:
– Chườm nóng: Đắp lá náng, chườm ngải cứu, xông hơi thuốc…
– XBBH – Châm cứu: A thị huyệt, Dương khê, Đại lăng, Nội quan, Ngư tế, Hợp cốc, Ngoại quan, Khúc trì, Thủ tam lý…
– Vận động khớp cổ tay, bàn ngón cái nhẹ nhàng
– Thủy châm: Hợp cốc, Ngoại quan, Khúc trì, Thủ tam lý…
– Kết hợp với thuốc chống viêm giảm đau của YHHĐ, siêu âm, điện xung, điện phân…
VI. Cách phòng chống hiệu quả ĐAU CỔ TAY – HỘI CHỨNG DEQUERVAIN
– Hạn chế các động tác vận động bàn tay, cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài
– Tập vận động khớp cổ tay cho gân cơ tăng sức dẻo dai.
– Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và người cao tuổi
VII. Lời khuyên.
Khi có triệu chứng đau khớp cổ tay, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tái khám định ký nhằm hạn chế các biến chứng có thể xảy ra và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống cũng như năng suất lao động.