Viêm tắc động mạch chi: Đau, chuột rút bắp chân…

Viêm tắc động mạch chi
Viêm tắc động mạch chi

Đau, chuột rút bắp chân khi đi lại, nghỉ ngơi thì đỡ… đó có thể là do bệnh Viêm tắc động mạch chi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, hoại tử đầu chi do thiếu máu, phải cắt cụt đầu chi.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Viêm tắc động mạch chi

1. Đại cương

Viêm tắc động mạch chi là bệnh rất đa dạng, diễn biến phức tạp, gồm nhiều bệnh gây viêm, thoái hoá, dẫn đến tắc các động mạch ở ngọn chi, chủ yếu chi dưới, biểu hiện ra ngoài bằng các dấu hiệu thiếu máu mãn tính hoặc bán cấp hoặc cấp tính ở các chi.
– Là một hội chứng bệnh gây tổn thương thành động mạch. Hậu quả là thành động mạch bị chít hẹp (gây thiếu máu ngoại vi) hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch (gây hoại tử chi)
– Tắc động mạch chi cấp tính: Là tình trạng tắc đột ngột lưu thông của động mạch chi.
– Tắc động mạch chi mãn tính: Là tình trạng tắc động mạch chi diễn ra từ từ và tăng dần.
– Bệnh hay gặp ở những người: hút thuốc lá > 12 – 15 điếu /ngày, stress, tiền sử xơ vữa, thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá Lipid, tiểu đường tăng Axít uric máu…

2. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây Viêm tắc động mạch chi, nhưng chủ yếu do xơ vữa động mạch và viêm mạch gây huyết khối hay còn gọi là bệnh Buerge.
– Tắc động mạch chi cấp tính
   + Nghẽn động mạch cấp tính: thường là hậu quả của bệnh xơ mỡ động mạch, bệnh viêm tắc động mạch…gây tổn thương tại chỗ thành động mạch,rồi trên cơ sở đó hình thành cục nghẽn.
   + Tắc động mạch: cục tắc có thể là cục máu đông, mỡ, bóng khí…di chuyển từ nơi khác đến gây tắc hoàn toàn lòng của động mạch chi.
– Tắc động mạch chi mãn tính: thường do bệnh xơ mỡ động mạch: thành động mạch bị tổn thương tạo thành các mảng nhiễm mỡ và hình thành các cục nghẽn gây hẹp dần lòng động mạch lại.

3. Triệu chứng

– Tắc động mạch chi cấp tính:
   + Đau, chuột rút bắp chân: xuất hiện đột ngột và dữ dội. Lúc đầu có thể tập trung ở một chỗ, sau đó đau lan đến tận đầu chi.
   + Bại hoặc mất chức năng vận động của chi.
   + Chi lạnh, giảm hoặc mất cảm giác.
– Tắc động mạch chi mãn tính
   + Thời gian đầu biểu hiện bằng dẩu hiệu “đi lặc cách hồi”: bệnh nhân cứ đi bộ được một quãng nhất định thì lại phải nghỉ một lúc vì bị đau và chuột rút bắp chân.
   + Về sau bệnh nặng dần: quãng đường đi được ngày càng ngắn, triệu chứng đau và “chuột rút” ngày càng nặng, thời gian nghỉ để có thể đi tiếp ngày càng phải lâu hơn.
   + Giai đoạn sau nặng: đau trở nên thường xuyên, nằm nghỉ cũng đau, nhất là về đêm.
   + Có thể có các biểu hiện phù, lạnh, có các vết loét khó lành …

4. Điều trị

– Chế độ luyện tập và thay đổi lối sống.
– Thuốc: Chống kết tập tiểu cầu. Giảm đau. Corticoid. Kháng sinh khi có viêm loét, sưng nề, rỉ dịch nhiều.
– Can thiệp động mạch qua da. Nong động mạch bằng bóng qua da. Đặt giá đỡ (Stents) trong lòng động mạch
– Phẫu thuật bắc cầu.

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Viêm tắc động mạch chi

– Thuốc Tây y điều trị điều trị khá tốt chứng đau cách hồi tuy nhiên có thể gây ra một số tá dụng phụ như nhức đầu, tiêu chảy, hồi hộp, rối loạn tiêu hóa…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Viêm tắc động mạch chi

1. Đại cương

– Các triệu chứng Viêm tắc động mạch chi được mô tả trong chứng Thoát thư của Y học cổ truyền.

2. Nguyên nhân viêm tắc động mạch chi

– Do độc tà xâm phạm hoặc do ăn uống không điều độ, khí huyết kém làm kinh mạch bế tắc khí huyết không thông đạt dẫn tới tím lạnh chi, hoại tử đầu chi.
– Hàn thấp ứ trệ lâu ngày làm khí huyết không thông dẫn đến bế tắc mà phát sinh ra bệnh.
– Thấp nhiệt gây cản trở tuần hoàn khí huyết lưu thông trong kinh mạch. Lâu ngày khí huyết bị ứ tắc không nuôi dưỡng được đầu chi gây loét hoặc hoại tử đầu chi.

3. Triệu chứng

– Thể hàn thấp và khí trệ huyết ứ (tương ứng với giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của Y học hiện đại): Đau nhức âm ỉ, tăng nhiều về đêm, gần sáng, đi lại đau tăng, nghỉ ngơi đỡ đau. Đầu chi giá lạnh, trời lạnh đau tăng. Da đầu chi trắng nhợt hay trắng toát. Loét chợt nông, rỉ dịch ít, loãng. Sợ lạnh, thích ấm nóng, thiện án. Lưỡi rêu trắng dính, có điểm ứ huyết. Mạch trầm tế, mạch vùng chi bị bệnh đập yếu hoặc không sờ thấy.
– Thể thấp nhiệt (tương ứng với bệnh viêm tắc động mạch chi thể hoại thư ướt có dấu hiệu nhiễm trùng): Đau nhức liên lục trong nhiều ngày. Da đầu chi tím tái, sưng nề ngón hoặc phần bàn tay hoặc bàn chân. Tại chỗ: nóng, đau nhiều, loét hoại thư rộng, rỉ dịch mủ vàng đặc, dính, hôi. Mạch vùng chi bị bệnh đập yếu hay không sờ thấy. Có sốt hoặc không sốt. Môi khô khát nước hoặc thích uống nước mát. Lưỡi rêu vàng dày, khô, dính, thân lưỡi bệu với chất lưỡi tím. Mạch 3 bộ hoạt sác.
– Thể khí huyết hư (tương ứng với tình trạng kéo dài của bệnh): người mệt mỏi, hay ra mồ hôi, đau ít, vết loét khó lành, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhu tế hoãn.

4. Điều trị

– Thể hàn thấp và khí trệ huyết ứ: Tán hàn, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết.
– Thể thấp nhiệt: thanh nhiệt, trừ thấp, hoạt huyết hóa ứ.
– Thể khí huyết hư: bổ khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông lạc.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Viêm tắc động mạch chi

– Y học cổ truyền điều trị đạt hiệu quả rất tốt ở giai đoạn sớm (giai đoạn chưa có loét hoại tử). Nhưng nếu ở giai đoạn giai đoạn III, IV có lở loét, hoại thư rầm rộ thì kết quả hạn chế vì có nhiều biến chứng, cần kết hợp thêm các biện pháp điều trị của Y học hiện đại.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Viêm tắc động mạch chi

– Luyện tập: tập các bài tập theo hướng dẫn.
– Thay đổi lối sống: bỏ thuốc lá, thuốc lào, rượu bia…
– Thuốc Đông y: tùy từng thể bệnh sử dụng các bài thuốc khác nhau như Tứ vật đào hồng thang, Tứ diệu dũng an thang …
– Xoa bóp bấm huyệt tập trung vùng bị đau.
– Vật lý trị liệu: Hồng ngoại, điện xung, siêu âm…
– Thuốc Tây y: Cilostazol, Naftidrofuryl, Aspecgic …

VI. Cách phòng chống Viêm tắc động mạch chi hiệu quả

– Bỏ thuốc lá, thuốc lào.
– Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo như: thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa Lipid, tiểu đường, tăng Axít uric máu…
– Ăn uống chế độ lành mạnh: hạn chế thức ăn có nhiều chất béo như mỡ động vật, phủ tạng, đồ ăn nhanh, rượu bia… tăng cường rau xanh, hoa quả tươi…
– Tập thể dục đều đặn, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể: bơi lội, yoga…

VII. Lời khuyên cho người viêm tắc động mạch chi 

– Nếu bạn bị đau, chuột rút bắp chân rất có thể do Viêm tắc động mạch chi, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến đầu chi không được cung cấp máu đầy đủ, có thể phải cắt cụt chi do hoại tử. Vì vậy, bạn nên liên h với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám hỏi bệnh và thực hiện các  xét nghiệm chuyên sâu như siêu âm mạch máu, chụp CT mạch máu… từ đó có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp.

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ