Đau bụng kinh và cách giảm đau bụng kinh hiệu quả

Đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh, phần lớn khó có thể điều trị triệt để tình trạng này, nhưng có thể áp dụng một số cách giảm đau bụng kinh nhằm hạn chế những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đau bụng kinh
1. Đại cương
– Trong quá trình hành kinh, phần lớn người phụ nữ sẽ cảm thấy tức phần bụng dưới, thi thoảng nhói đau, mệt mỏi, tuy nhiên vẫn có thể sinh hoạt. làm việc và học tập bình thường.
– Đau bụng kinh hay còn gọi là Thống kinh, là tình trạng hành kinh có đau bụng, đau xuyên ra cột sống, lan xuống hai đùi, lan ra toàn bộ bụng, kèm theo có thể đau đầu, căng vú, buồn nôn, thần kinh bất ổn định.
– Thống kinh nguyên phát là cơn đau xuất hiện cùng với chu kỳ kinh nguyệt, xảy ra khi phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt, hay nói đúng hơn là ngay vòng kinh đầu tiên có phóng noãn. Với một số trường hợp, các cơn đau sẽ giảm dần cùng với tuổi hoặc sau khi sinh.
– Thống kinh thứ phát xảy ra sau nhiều năm hành kinh không đau, nay mới đau, còn gọi là thống kinh muộn, thống kinh mắc phải.
2. Nguyên nhân
– Thống kinh nguyên phát là do chất hóa học tự nhiên prostaglandins gây ra. Prostaglandins được sản sinh ở bên trong tử cung.
– Thống kinh thứ phát: Lạc nội mạc tử cung, lạc nội mạc trong cơ tử cung tử cung đổ sau, chít lỗ cổ tử cung, u xơ tử cung…
3. Triệu chứng
– Thống kinh nguyên phát: Cơn đau thường xuất hiện trước khi xuất hiện kinh từ vài giờ hoặc ngay khi thấy kinh và kéo dài đến vài ngày với các triệu chứng như sau:
+ Đau tại bụng dưới, đau kiểu co rút từng cơn.
+ Đau lan tới ra sau lưng và mặt bên trong của đùi
+ Có thể kèm theo đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn …
– Thống kinh thứ phát thường kéo dài hơn các cơn đau bụng kinh như trên. Nó có thể bắt đầu vài ngày trước kỳ kinh, cơn đau trở nên nặng hơn cùng với kỳ kinh và có thể kéo dài sau kỳ kinh.
4. Điều trị
– Điều trị nguyên nhân gây đau bụng kinh: thống kinh do tốn thương thực thể như do chít hẹp cơ học, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm cổ tử cung…
– Thuốc giảm đau:
+ Nhóm gây mơ màng, gây ngủ như dạng morphin, codein, …
+ Nhóm giảm đau hạ nhiệt như pyrazolon, acidsalicylic, quinolein …
– Thuốc giảm co thắt, giãn cơ: alverin, drotaverin, spasfo…
– Thuốc tránh thai có tác dụng làm giảm sự co thắt của tử cung, ức chế rụng trứng và giảm prostaglandin trong máu, từ đó làm giảm đau khi hành kinh.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đau bụng kinh
– Không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị đau bụng kinh, đặc biệt là thuốc tránh thai vì có nhiều tác dụng phụ như làm thay đổi tâm trạng, đau đầu, buồn nôn, đau ngực, tăng cân do giữ nước…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đau bụng kinh
1. Đại cương
– Các triệu chứng Đau bụng khi hành kinh được mô tả trong Chứng Thống kinh của Y học cổ truyền.
2. Nguyên nhân
– Tình chí không thư thái, can khí uất trệ dẫn đến huyết ứ gây đau hoặc do hàn khí kết ở bào cung làm huyết không vận hành được gây đau.
– Cơ thể suy yếu, khí huyết hư, mạch xung nhâm rối loạn gây đau.
3. Triệu chứng
– Thể Huyết nhiệt: đau trước khi hành kinh, đau lan ra hai bên bụng dưới, không thích xoa bóp. Kinh trước kỳ, lượng kinh nhiều và đặc, sắc kinh đỏ tím, không mùi hôi. Miệng khô, tâm phiền, ngủ kém, tiểu vàng, táo bón, tiểu vàng, lưỡi đỏ rêu lưỡi vàng. Mạch hoạt sác, huyền sác.
– Thể Huyết ứ: Đau trước hoặc lúc mới hành kinh, đau như gò, kinh ít, sắc kinh tím đen, ra huyết cục, khi kinh ra thì đỡ đau. Sắc mặt tối, da khô, miệng khô, không muốn uống nước, lưỡi đỏ có điểm tím
– Thể Khí trệ: bụng dưới trướng đau, kinh ít không thông, chu kỳ không đều, ngực sườn đầy tức, lợm giọng, hay thở dài, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.
– Thể Hàn thực: đang hành kinh thì bị cảm lạnh, đau bụng dưới, chườm nóng đỡ đau, không thích xoa bóp, lượng kinh ít, sắc kinh đỏ sẫm có cục. Kèm theo nhức đầu, sợ lạnh, mỏi lưng, mạch phù khẩn.
– Thể Hư hàn: sau khi hành kinh đau bụng liên miên, thích xoa bóp chườm nóng, mệt mỏi, tay chân lạnh, eo lưng mỏi, rêu lưỡi trắng, mạch tế trì.
– Thể Huyết hư: sau khi hành kinh đau bụng liên miên, thích xoa bóp, sắc kinh nhạt. Sắc mặt trắng hay úa vàng, người gầy yeus, hay hoa mắt chóng mặt, hồi hộp ngủ ít, đại tiện táo, lưỡi nhạt, mạch nhu tế.
– Thể Can thận hư: sau khi hành kinh đau bụng, sắc kinh nhạt, eo lưng mỏi, hai bên sườn trướng căng, mệt mỏi, lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm nhược.
4. Điều trị
– Thể Huyết nhiệt: thanh nhiệt lương huyết, hành khí hoạt huyết.
– Thể Huyết ứ: hoạt huyết tiêu ứ.
– Thể Khí trệ: hành khí điều kinh.
– Thể Hàn thực: ôn kinh tán hàn.
– Thể Hư hàn: ôn kinh bổ hư.
– Thể Huyết hư: bổ khí bổ huyết.
– Thể Can thận hư: bổ thận can huyết.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đau bụng kinh
– Các phương pháp điều trị của Y học cổ truyền đem lại hiệu quả rất tốt đối với các trường hợp thống kinh cơ năng. Tuy nhiên với các trường hợp thống kinh do tổn thương thực thể như chít cổ tử cung, u xơ, bướu niêm mạc tử cung… Cần kết hợp với các biện pháp điêu trị của Y học hiện đại.
V. Phương pháp kết hợp giảm Đau bụng kinh
– Thuốc sắc: Tùy từng thể bệnh sử dụng các bài thuốc khác nhau như: Sinh huyết thanh nhiệt thang, Huyết phủ trục ứ thang, Ngô thù du thang, Ôn kinh thang, Bát trân thang, Điều can thang gia giảm…
– Châm cứu: Huyệt Trung cực, Quan nguyên, Khí hải, Quy lai, Tam âm giao, Thận du, Mệnh môn…
– Chườm nóng: chườm ngải cứu vùng bụng dưới, tắm nước ấm…
– Cách giảm đau bụng kinh bằng một số món ăn bài thuốc:
+ Ðỗ đen 30g vo sạch rang thơm, cho vào nồi cùng 6g hồng hoa, đổ khoảng 500ml nước, ninh đỗ chín nhừ, lọc lấy nước cho thêm đường đỏ, uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml, uống trong 3 ngày trước kỳ kinh.
+ Gạo tẻ 100g vo sạch, rửa sạch 50g lá ngải cứu tươi, thái vụn, cho vào nồi đổ nước xâm xấp, đun khoảng 30 phút, lấy nước thuốc cho vào ninh cháo, khi chín thêm đường đỏ. Ăn nóng, ngày ăn vài lần. Ăn trước kỳ kinh 3 – 5 ngày.
+ Ngải cứu chọn lá bánh tẻ 9g, rửa sạch thái nhỏ, gừng tươi 15g rửa sạch đập giập, cho vào 300ml nước, cho 2 quả trứng gà vào luộc, tới khi trứng chín, bóc vỏ trứng, lại cho vào đun tiếp với dịch thuốc trên trong 5 phút. Bắc ra uống nước thuốc, ăn trứng gà. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn trước kỳ kinh 3 ngày.
+ Thịt dê 500g làm sạch, lọc bỏ màng mỡ, dùng nước nóng rửa sạch hết huyết đọng, thái miếng dài. Đương quy 90g, gừng tươi 150g rửa sạch, thái lát nhỏ. Cho vào nồi cùng đương quy, sinh khương, cho nước đun sôi, vớt bỏ váng bẩn, vặn nhỏ lửa hầm trong 1 giờ tới khi thịt dê chín nhừ là được. Bắc ra ăn thịt, uống nước hầm. Ăn liên tục trong 3 ngày trước khi hành kinh.
– Thuốc Tây y: Naproxen, Meloxicam…
VI. Cách phòng, giảm đau bụng kinh hiệu quả
– Phòng ngừa thống kinh nguyên pháp bằng cách dự phòng tâm lý: người thân nên giải thích, chuẩn bị cho em gái trước khi hành kinh lần đầu tiên để giúp các em hiểu rõ cơ thể mình, bình tĩnh, thoải mái ứng phó với những thay đổi của cơ thể.
– Phòng ngừa thống kinh thứ phát bằng cách đề phòng viêm nhiễm vùng kín bằng cách thường xuyên thay băng vệ sinh (tốt nhất 4 giờ 1 lần), vệ sinh tốt vùng kín khi hành kinh, trước và sau khi quan hệ, chăm sóc tốt cơ thể khi sảy thai hoặc nạo hút thai.
– Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý phụ khoa.
VII. Lời khuyên.
– Một số cách giảm đau bụng kinh:
+ Trước khi đến kỳ kinh nguyệt từ 3 – 5 ngày nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, thực phẩm chua như: bắp cải muối, salad, nộm, canh chua…
+ Tắm nước nóng, Chườm ấm vùng bụng dưới bằng cách sử dụng miếng dán nóng, chai nước nóng, túi chườm…
+ Xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng dưới theo chiều kim đồng hồ.
+ Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giúp ngăn ngừa các vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể gây viêm nhiễm.
+ Nằm ngủ theo tư thế bào thai, giúp các cơ quanh bụng được giãn ra, từ đó làm giảm đau bụng kinh
+ Tránh ăn thực phẩm tươi sống, thực phẩm nhiều gia vị, thực phẩm lạnh có thể kích thích và làm trầm trọng thêm cơn đau.
+ Hạn chế sử dụng: cà phê, trà, thuốc lá… (gây lo lắng, góp phần gây ra sự khó chịu trong thời kỳ kinh nguyệt).
+ Bổ sung các loại trái cây và rau quả, các loại thực phẩm có chứa vitamin E, B1, B6, magie, kẽm và axit béo omega 3… giúp lưu thông máu và khí huyết trong cơ thể.
+ Thường xuyên tập thể dục như yoga, đi bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu…
– Khi đã sử dụng các cách giảm đau bụng kinh thống thường mà vẫn không đỡ, kèm theo các triệu chứng bất thường về kinh nguyệt như đa kinh, rong kinh … bạn nên đi khám chuyên khoa sớm trước khi tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.