Đái dầm ở trẻ em: ảnh hưởng đến tâm lý không thể coi thường

Đái dầm là rắc rối phổ biến ở trẻ em. Tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng nó khiến trẻ thiếu tự tin, mặc cảm, buồn rầu, cha mẹ lo lắng, cáu giận…
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Đái dầm ở trẻ em
1. Đại cương
– Các bé từ 0 đến 3 tuổi thường chưa tự chủ được ý muốn của bản thân nên tè dầm là chuyện bình thường, khi lớn hơn bé sẽ kêu “bô” hay “đi tè” để người lớn giúp. Nhưng từ 5 tuổi trở lên, thường là trên 7 tuổi mà bé vẫn đi tè dầm ban đêm thì là biểu hiện không bình thường.
– Đái dầm là tình trạng tiểu tiện không tự chủ trong khi ngủ.
– Đái dầm được chia làm 2 loại: tiên phát và thứ phát.
+ Đái dầm tiên phát: Trẻ có thể kiểm soát việc đi tiểu ban ngày đái dầm về đêm trong ít nhất 6 tháng.
+ Đái dầm thứ phát: Trẻ không đái dầm về đêm trong ít nhất 6 tháng nhưng sau đó lại đái dầm.
2. Nguyên nhân
– Di truyền: Nếu cha và mẹ từng đái dầm khi nhỏ, nguy cơ đái dầm của con cái sẽ là 77%. Nếu bố hoặc mẹ bị thì tỉ lệ con bị là 44%,
– Giảm dung tích bàng quang: trẻ có cảm giác bàng quang đầy trước khi túi này đầy thực sự, ban ngày đi tiểu thường xuyên hơn, đôi khi phải chạy vội vào nhà vệ sinh để tránh sự cố. Khi ngủ, khả năng giữ nước tiểu suốt đêm của những trẻ này cũng thấp hơn.
– Tăng sản xuất nước tiểu về đêm: Ban đêm não sản xuất hoóc môn vasopressin, có tác dụng tăng tái hấp thu nước vào dòng máu, nhờ đó giảm lượng nước tiểu sản xuất ở thận nên chúng ta ngủ tới sáng mà không phải dậy đi tiểu, một số trẻ đái dầm vì không sản xuất đủ hoóc môn này.
– Ngủ sâu giấc: trẻ không thể tỉnh giấc khi bàng quang đạt dung tích tối đa.
– Táo bón: Khi trực tràng bị đầy, phân có thể ép vào bàng quang, khiến cơ quan này ‘hiểu nhầm’ và gửi tín hiệu thần kinh tới não như khi bàng quang bị đầy.
– Các yếu tố tâm lý: căng thẳng tâm lý mới xuất hiện như bị cô giáo la mắng, bị bạn bè tách khỏi nhóm, chuyển nhà, chuyển trường, mất người thân, cha mẹ ly dị hay bị lạm dụng tình dục…
– Lạm dụng tình dục: có thể là một yếu tố gây đái dầm ở trẻ trước đó bình thường. Có thể kèm theo: ra nhiều chất tiết vì bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, ngứa hoặc đau ở bộ phận sinh dục…
– Các tình trạng bệnh lý: Đái dầm có thể đi kèm ngừng thở khi ngủ, bệnh thiếu hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường và một số bệnh lý thần kinh
3. Triệu chứng
– Đái dầm có đặc điểm là đi tiểu không tự chủ lúc ngủ đêm hoặc lúc trẻ ngủ trưa.
– Đái dầm ≥ 2 lần/tuần, trong ít nhất 3 tháng liền (trẻ > 5 tuổi).
– Đái dầm 2 lần/tháng (< 7 tuổi) hay 1 lần/tháng (> 7 tuổi).
4. Điều trị
– Liệu pháp tâm lý hoặc thay đổi lối sống và chế độ ăn.
– Khi các phương pháp trên không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc.
+ Thuốc cholinergic để giảm kích thích tại các cơ bàng quang.
+ Thuốc desmopressin dạng xịt mũi.
+ Thuốc chống trầm cảm, thường thì dùng Imipramine.
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Đái dầm ở trẻ em
– Không nên tự ý sử dụng hay làm dụng thuốc Tây y để điều trị đái dầm, lưu ý các tác dụng phụ của thuốc như: khô miệng, đắng mồm, mệt mỏi, kém tập trung…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Đái dầm ở trẻ em
1. Đại cương
Đái dầm thuộc chứng Dạ niệu, Niệu sàng trong Y học cổ truyền.
2. Nguyên nhân
– Tiên thiên bất túc hoặc hậu thiên bất điều, dẫn đến thận dương không đủ, hạ nguyên hư lạnh sinh đái dầm. Thận chủ bế tàng, khai khiếu ở tiền âm hậu âm, có chức năng điều khiển đại tiểu tiện. Bàng quang chủ tàng trữ tân dịch, có công năng hóa khí lợi niệu, khiến tiểu tiện đúng giờ. Nếu Thận và Bàng quang đều hư, không khống chế được thủy gây đái dầm.
– Phế hư không thống nhiếp được khí, khí hư hạ hãm, công năng phân bố khí và tân dịc bị trở ngại. Phế và Thận là hai tạng có quan hệ mẹ con, phế khí hư ở trên làm thận ở dưới bị hư, nguyên khí suy kiệt, không khống chế được mà sinh đái dầm.
3. Triệu chứng
– Thể thận khí hư hàn: Đái dầm một hoặc nhiều lần trong đêm, thường kèm theo ngủ mê, chân tay lạnh, sắc mặt nhợt, nước tiểu trong dài, chất lưỡi nhợt bệu, mạch trầm trì vô lực.
– Thể tỳ phế khí hư: Mệt mỏi gầy yếu , sắc mặt vàng nhợt, có thể tiêu chảy ăn kém, hay ra mồ hôi, đái dầm lượng nước tiểu ít. Chất lưỡi nhợt bệu, mạch hoãn vô lực. Trẻ hay mắc các bệnh đường hô hấp .
4. Điều trị
– Thể thận khí hư hàn: Ôn thận cố sáp.
– Thể tỳ phế khí hư: Ích khí cố sáp.
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Đái dầm ở trẻ em
– Trẻ thường không thích mùi vị của thuốc, không hợp tác trong việc điều trị bằng Châm cứu.
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Đái dầm ở trẻ em
– Trị liệu tâm lý, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt tích cực.
– Thuốc Đông y: tùy thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc như Bát vị hoàn gia giảm, Bổ trung ích khí thang…
– Thuốc Nam:
+ Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu) sao đen, tán bột mịn, hòa với ít đường, uống 1 lần / ngày vào buổi chiều.
+ Ngũ bội tử, Hà thủ ô, tán bột mịn, trộn với giấm, đắp vào rốn qua đêm.
– Sử dụng các món ăn có tác dụng hỗ trợ điều trị như: Cháo Hạt sen, Hoài sơn, Cháo Kiếm thực, Củ sen hầm xương dê…
– Châm cứu: trung cực, bàng quang du, thận du, quan nguyên, tam tiêu du, nội quan, thần môn, tam âm giao…
VI. Cách phòng chống Đái dầm ở trẻ em hiệu quả
– Trước khi ngủ: đi tiểu trước khi ngủ, hạn chế uống nước, ăn dưa hấu…
– Không nên sử dụng cà phê, ca cao, sô-cô-la, nước ngọt vào ban đêm.
– Tập cho bé thói quen đi vệ sinh “đúng giờ” .
– Đừng đánh thức bé dậy đi tiểu vào ban đêm, sẽ khiến bé mất ngủ.
– Trò chuyện với bé về tình trạng đái dầm của bé để tìm ra giải pháp tối ưu khắc phục tình trạng này.
– Suy nghĩ tích cực và trấn an bé nếu tình trạng đái dầm vẫn chưa cải thiện. Khen ngợi nếu bé có tiến bộ.
VII. Lời khuyên.
– Khi trẻ đái dầm, người lớn nên hạn chế trách mắng trẻ, tránh gây sự căng thẳng, áp lực khiến cho bệnh thêm trầm trọng đồng thời cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời từ bác sĩ chuyên khoa.