Chóng mặt buồn nôn: Nguyên nhân và cách phòng chống

Đôi khi chúng ta gặp triệu chứng chóng mặt buồn nôn, mất thăng bằng kèm theo đau đầu…điều đó khiến ta không thể tiếp tục làm việc, thậm chí bị ngã gây nguy hiểm tính mạng. Chóng mặt được gây ra bởi nhiều rối loạn của cơ thể, có thể là lành tính nhưng cũng có thể là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh lý khác.
I. Quan niệm của Y học hiện đại về Chóng mặt
1. Đại cương
– Chóng mặt là một ảo giác hoàn toàn trái ngược về mặt vận động hoặc về tư thế của người bệnh. Từ chóng mặt dùng để chỉ tất cả những cảm giác mất thăng bằng có nguồn gốc từ cơ quan tiền đình.
– Chóng mặt có thể biểu hiện dưới dạng những cảm giác quay đảo của chính người bệnh hoặc đồ vật xung quanh hoặc cả hai. Khi không có hiện tượng quay, người bệnh thường dùng từ mất thăng bằng. Cảm giác mất thăng bằng cũng là một triệu chứng có nguồn gốc do rối loạn chức năng cơ quan tiền đình mà cảm giác quay chỉ là một biểu hiện đặc biệt của cảm giác mất thăng bằng.
– Chóng mặt ngoại biên: do rối loạn ảnh hưởng đến thần kinh tiền đình hay thần kinh số VIII (bệnh lý mê đạo và sau mê đạo).
– Chóng mặt trung ương: do rối loạn ảnh hưởng đến thân não và tiểu não.
2. Nguyên nhân
– Do bệnh lý mê đạo
+ Bệnh lý thạch nhĩ: Chóng mặt kịch phát lành tính. Thiểu sản thạch nhĩ.
+ Nhiễm độc tiền đình Do thuốc, kháng sinh aminozid.
+ Rò ngoại dịch tai trong: Chấn thương vỡ xương đá, sang chấn vào vùng khớp bàn đạp tiền đình. Sau viêm mê nhĩ do lao, giang mai. Kích thích âm thanh quá mạnh.
+ Bệnh chuyển hóa: Thuốc lợi tiểu. Tăng lipid máu. Rượu.
+ Bệnh viêm tai: Viêm tai mạn tính. Viêm tai giữa cấp tính. Viêm tai thanh dịch. Viêm tai do lao. Sau phẫu thuật tai…
+ Bệnh xốp xơ
+ Bệnh lỏng khớp bàn đạp – tiền đình.
+ Hội chứng Ménière
– Do nguyên nhân sau mê đạo:
+ Viêm dây thần kinh tiền đình.
+ U dây VIII.
+ U góc cầu tiểu não: u màng não, phình mạch, u nang…
– Do nguyên nhân ở trung tâm tiền đình hành não và trên hành não.
+ Bệnh lý mạch máu não: Thiểu năng tuần hoàn động mạch cột sống – thân nền. Hội chứng Wallenberg.
+ Các bệnh lý u não
+ Bệnh thần kinh trung ương: Bệnh xơ cứng rải rác. Bệnh Tabès. Bệnh thất điều gia truyền
3. Triệu chứng
Dấu hiệu và đặc điểm chung:
– Cảm giác ảo giác hay hoang tưởng về cử động của cơ thể hay môi trường
– Bệnh nhân mô tả một cảm giác xoay tròn
+ Cảm giác bị quay tròn hoặc lắc qua lắc lại. Có thể thấy mọi vật xung quanh quay đảo hoặc chạy qua trước mắt theo một hướng nhất định. Hướng quay có thể ngang hoặc có thể dựng đứng.
+ Chóng mặt thường xuất hiện thành từng cơn, mỗi cơn kéo dài chỉ vài phút, tuy nhiên cơn tái phát có thể kéo dài đến vài tuần. Ngoài cơn, người bệnh có thể đi lại được.
– Buồn nôn và nôn ói: Thường nặng nhất trong chóng mặt do nguyên nhân tiền đình ngoại biên, ít nặng trong nguyên nhân trung ương.
– Mắt chuyển động bất thường (Rung giật nhãn cầu).
– Tư thế không vững.
– Ù tai và giảm thính lực
4. Điều trị
– Điều trị nguyên nhân: Tùy theo nguyên nhân chóng mặt mà chọn phương pháp điều trị thích hợp.
– Người bệnh được đặt trong phòng tối yên tĩnh, tránh các cử động, các kích thích tâm lý.
– Thuốc: huyết thanh ngọt ưu trương.
– Thuốc chống nôn: atropin, metoclopramid, dimenhydrinat…
– Thuốc chống chóng mặt: tanganil…
– Thuốc an thần: seduxen.
– Điều trị ngoại khoa:
+ Phẫu thuật thần kinh sọ não: phình mạch, mảng vôi hóa thành mạch hoặc thoái hóa đốt sống cổ gây chèn ép động mạch đốt sống…
+ Phẫu thuật thuộc phạm vi tai mũi họng: cắt dây thần kinh tiền đình, phẫu thuật hủy diệt mê nhĩ…
II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Chóng mặt buồn nôn
Chỉ nên dùng khi thực sự thấy cần thiết và tuân thủ liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm hạn chế tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, lừ đừ, bứt rứt, lo âu, rối loạn giấc ngủ…
III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Chóng mặt
1. Đại cương
Hiện tượng hoa mắt chóng mặt thuộc phạm vi chứng Huyễn vựng của Y học cổ truyền “. “Huyễn” có nghĩa là hoa mắt, trước mắt tối sầm, không nhìn thấy gì; “vựng” là choáng váng, có cảm giác mọi vật quay cuồng, mất thăng bằng không thể đứng vững. Hoa mắt và chóng mặt hay xuất hiện đồng thời, cho nên Đông y gọi chung là “huyễn vựng”.
2. Nguyên nhân
– Do Can hỏa vượng: Can dương vốn thịnh, dương khí bốc lên gây chóng mặt. Tình chí uất ức lâu ngày, uất lâu hóa hỏa làm Can âm hao tổn, Can dương thượng kháng, nhiễu loạn thanh khiếu gây chóng mặt. Thận thủy hư không nuôi dưỡng được Can mộc, Can âm hư Can dương thượng kháng gây chóng mặt.
– Do Khí huyết đều hư: Bệnh lâu ngày, mới ốm nặng dậy hoặc mới sinh đẻ làm khí hư huyết thiếu hoặc tỳ vị hư nhược không sinh được khí huyết làm khí hư thanh dương không lên được não, huyết hư não không được nuôi dưỡng đầy đủ gây huyễn vựng.
– Do Thận tinh bất túc: tuổi cao hoặc do khi còn trẻ phòng sự quá độ làm Thận tinh suy giảm khiến Can âm không được tư dưỡng, âm không đủ tiềm dương làm cho Can dương vượng lên mà gây bệnh. Can dương vượng lên che lấp khiếu trên mà gây ra các chứng như: đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai.
– Do Đàm trệ: ăn nhiều thứ béo ngọt làm Tỳ Vị bị tổn thương không vận hóa được đồ ăn thành tinh chất để nuôi cơ thể mà đọng tụ lại thành đờm thấp. Đờm thấp ngăn trở làm thanh dương không thăng, trọc âm không giáng gây huyễn vựng.
3. Triệu chứng
– Thể Can hỏa vượng: Chóng mặt đau đầu vùng đỉnh, hay tức giận, miệng đắng khát nước, kèm theo tai ù, có tiếng như ve kêu, buồn nôn… Mỗi khi tình cảm biến động mạnh, hoặc tinh thần căng thẳng, thì bệnh phát nặng hơn. Thường ngày hay đau đầu, thỉnh thoảng mặt đỏ bừng từng cơn, bồn chồn, dễ cáu giận, ngủ ít, mộng nhiều, miệng đắng hoặc chua, ngực sườn đầy trướng, nóng rét qua lại, lưỡi không rêu, mạch huyền.
– Thể Khí huyết hư: Chóng mặt khi ngồi xuống đứng dậy, nằm nghỉ thấy đỡ, ăn ngủ kém, Thường ngày người mệt mỏi, tinh thần uể oải, hơi thở yếu, ngại nói, sắc diện không tươi, môi và móng chân tay nhợt nhạt, tóc khô, trống ngực, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, ngủ ít, ăn uống giảm, bụng đầy, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược
– Thể Thận tinh bất túc: Chóng mặt, ù tai, kém trí nhớ, lưng gối yếu…
+ Thận âm hư: người gầy, ngũ tâm phiền nhiệt, nóng trong, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền tế.
+ Thận dương hư: Chóng mặt, ù tai, đau lưng, chân tay lạnh, lưỡi nhạt, mạch trầm tế.
– Thể Đàm trệ: Chóng mặt, buồn nôn, đầu âm u, ngực bụng buồn đầy, người nặng nề, ngại cử động, chân tay tê, ăn kém, ngủ nhiều, chất lưỡu bệu, rêu lưỡi cáu bẩn, mạch hoạt. …
4. Điều trị
– Thể Can hỏa vượng: Tư âm thanh nhiệt, bình Can tức phong.
– Thể Khí huyết đều hư: bổ khí dưỡng huyết kiện tỳ.
– Thể Thận tinh bất túc: bổ thận tư âm hoặc bổ thận trợ dương
– Thể Đàm trệ: kiện tỳ trừ thấp tiêu đàm
IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Chóng mặt buồn nôn
– Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Khi có cơn chóng mặt, nên phối hợp thuốc Tây y để tăng tác dụng điều trị.
V. Phương pháp kết hợp điều trị Chóng mặt buồn nôn
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như: Thiên ma câu đằng ẩm, Quy tỳ thang, Tả quy hoàn, Hữu quy hoàn, Bạch truật bán hạ thiên ma thang…
– Xoa bóp bấm huyệt nhẹ nhàng toàn thân giúp lưu thông khí huyết, day ấn các huyệt: Bách hội, Ấn đường, Phong trì, Thái dương, Túc tam lý, Tam âm giao, Nội quan, Thần môn…
– Khí công dưỡng sinh: Tập các bài tập luyện ý, luyện thở, luyện hình…
– Thuốc Tây y: Taganil
VI. Cách phòng chống chóng mặt buồn nôn hiệu quả
– Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột và quá nhanh, khi chuyển từ tư thế nằm để ngồi, đứng dậy hay xoay đầu, cúi và ngửa đầu phải thực hiện từ từ, chậm rãi. Khi ngủ nên sử dụng nhiều gối để kê đầu được ngay ngắn, nên nằm ngửa, tránh nghiêng về một bên. Không nên ngồi ghế xoay hay ghế có tựa đầu ngửa ra phía sau quá mức, hạn chế động tác nghiêng, cúi người quá mức như để nhặt đồ lên, thắt dây giày.
– Tránh các kích thích tâm lý, giảm stress: tập yoga, thở sâu, thiền định…
– Uống đủ nước: hãy uống tối thiểu 8 ly nước và chất lỏng mỗi ngày, đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục hoặc đang ở trong một môi trường nóng nực…
– Ngủ đủ giấc: Ngủ không đủ giấc có thể gây ra chóng mặt và buồn nôn, cũng như ức chế khả năng tập trung… nên ngủ tối thiểu 6-8 giờ mỗi ngày.
– Chế độ ăn: tránh ăn socola, lạp sườn, xúc xích, mì chính, tránh uống rượu, cocacola, caphê…
– Tập thể dục nhẹ nhàng: có thể giúp kích thích hệ thống thần kinh, tỉnh táo và minh mẫn hơn, làm giảm nhẹ chóng mặt và các triệu chứng liên quan khác.
– Massage: giúp máu và ôxy di chuyển khắp cơ thể của bạn, có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị chóng mặt.
VII. Cách xử trí khi bị chóng mặt buồn nôn
– Khi xảy ra cơn chóng mặt, buồn nôn cần bình tĩnh, nhắm mắt, hạn chế di chuyển hoặc xoay đầu, tìm tư thế thích hợp để nghỉ ngơi ở phòng tối và yên tĩnh. Nếu có cảm giác buồn nôn, nên kìm nén bằng cách hít thở sâu và tập trung vào nhịp thở.
– Không tự mình đi lại xa, làm việc nặng, leo trèo, điều khiển xe cộ hay máy móc khi bị chóng mặt.
– Giữ không gian trong phòng, lối đi thông thoáng, tránh để vật dụng lộn xộn, bừa bãi. Gắn thêm thanh cầm dọc theo cầu thang, trong bồn tắm và nhà vệ sinh để người bệnh có thể men theo khi đột ngột bị chóng mặt.
– Trước khi sử dụng các biện pháp điều trị, bạn nên đến gặp các nhà chuyên môn để được thăm khám, tìm nguyên nhân bệnh và tư vấn xử trí các triệu chứng hiệu quả.