Chế Độ Ăn Khi Bị Tăng Huyết Áp

Ăn nhiều natri (muối), chất béo là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tăng huyết áp. Vì vậy, khi bị Tăng huyết áp, chế độ ăn hợp lý, khoa học là một nhân tố quan trọng để phòng và chống bệnh hiệu quả.
1. Đại cương
1.1 Một số khái niệm
– Huyết áp động mạch là áp lực của máu trên thành động mạch, tạo thành bởi các yếu tố :
+ Sức co bóp của tim.
+ Lưu lượng máu trong động mạch.
+ Sức cản ngoại vi.
– Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): là áp lực của máu trong động mạch lên tới mức cao nhất khi tim co bóp.
– Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): là áp lực của máu ở điểm thấp nhất khi tim ở thì tâm trương.
– Tăng huyết áp:
+ Khi đo huyết áp theo phương pháp Krotkof cho người lớn, nếu huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg, thì được gọi là tăng HA hệ thống động mạch. Lưu ý: Đo ở 2 lần khám, mỗi lần khám được đo ít nhất 2 lần. Bệnh nhân được nghỉ ngơi trước khi đo 5 -10 phút.
+Tăng huyết áp khi HA trung bình ≥ 110mmHg, hoặc khi đo huyết áp liên tục trong 24 giờ ≥ 135/85mmHg.
HA trung bình = HA tâm trương + 1/3 (HA tâm thu – HA tâm trương)
1.2 Phân loại THA theo con số HA:
Bảng 1. Phân loại THA theo con số HA
Phân loại | HA tâm thu (mmHg) | HA tâm trương (mmHg) |
HA tối ưu | < 120 | < 80 |
HA bình thường | < 130 | < 85 |
HA bình thường cao | 130-139 | 85-89 |
THA độ 1 | 140-159 | 90-99 |
THA độ 2 | 160-179 | 100-109 |
THA độ 3 | ≥ 180 | ≥ 110 |
THA tâm thu đơn độc | ≥ 140 | < 90 |
VD: Huyết áp là 110/70 mmHg chính là huyết áp tâm thu / huyết áp tâm trương, hay huyết áp tối đa / huyết áp tối thiểu
2. Nguyên nhân:
2.1 Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn): thường gặp ở người cao tuổi, chiếm 85 – 90 % tổng số trường hợp tăng huyết áp.
+ Di truyền.
+ Thừa cân, xơ vữa động mạch, chế độ ăn nhiều muối.
+ Tâm lý: căng thẳng thần kinh
Nội tiết: tiền mãn kinh, dùng thuốc tránh thai…
2.2 Tăng huyết áp thứ phát: thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, chiếm 10 – 15 % tổng số trường hợp tăng huyết áp.
+ Thận: Viêm cầu thận, thận đa nang, bệnh mạch thận…
+ Nội tiết: cường giáp, hội chứng Cushing, phì đại thượng thận bẩm sinh…
+ Nguyên nhân khác: nhiễm độc thai nghén, hẹp eo động mạch chủ, bệnh đa hồng cầu…
3. Chế độ ăn khi bị Tăng huyết áp
3.1 Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn khi bị Tăng huyết áp
+ Quản lý cân nặng bệnh nhân phù hợp, nếu bệnh nhân béo phì nên giảm cân.
+ Chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất,
+ Tăng cường thức ăn giàu chất xơ, kali, magie…
+ Hạn chế: Chất béo, muối, đồ ngọt, rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích
+ Đủ nước: 1,5 lít – 2 lít nước trong 1 ngày.
+ Chế biến: tăng cường món luộc, hấp, hạn chế các món xào, rán, nướng.
+ Nhu cầu năng lượng: 30 – 35 Kcal/kg cân nặng/ngày.
+ Protein: 12 – 15% tổng năng lượng. 60 – 70g / ngày
+ Lipid: 15 – 20% tổng năng lượng. 25 – 40g / ngày
+ Glucid: 60 – 70 % tổng năng lượng, 300 – 350g / ngày
+ Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/1000kcal.
+ Lượng natri: 1600 – 2000mg/ngày.
+ Cung cấp đủ vitamin, khoáng chất, đặc biệt là acid folic, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D.
3.2 Các thức ăn nên dùng:
+ Gạo lứt, gạo tẻ, gạo nếp, các loại khoai và các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, lạc, vừng, óc chó…
+ Dầu thực vật, mỡ gà, mỡ cá: dầu oliu, dầu mè, dầu lạc..
+ Thịt ít mỡ: thịt bò, thịt gà ta, thịt lợn nạc…
+ Trứng: Nên ăn trứng gà vì trứng gà có ít lipid hơn trứng vịt, tối đa 2 quả / tuần.
+ Sữa: các loại sữa ít béo, sữa đậu nành, sữa chua.
+ Cá, tôm, cua các loại: cá hồi, cá thu, các trích, cá mòi …
+ Các loại rau củ, quả chứa nhiều kali, canxi, magiê và các vitamin, nhất là các loại rau quả giàu vitamin C, E, bêta caroten: rau họ cải, rau muống, rau lang, bầu, bí, su su, bưởi, cam, chuối, ổi, táo, lê… Nên ăn quả chín dạng miếng hoặc múi, không ép, xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.
+ Nước râu ngô, mã đề, nước hoa hòe, chè sen…
3.3 Các loại thức ăn không nên dùng:
+ Thịt nhiều mỡ, mỡ, nước xương, thịt ninh, cá béo (cá mè).
+ Các loại phủ tạng: thận, óc, tim, gan, lòng… vì có nhiều cholesterol.
+ Bia, rượu: số lượng ít hơn 3 cốc chuẩn/ngày (nam), ít hơn 2 cốc chuẩn/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc chuẩn/tuần (nam), ít hơn 9 cốc chuẩn/tuần (nữ). 1 cốc chuẩn chứa 10g ethanol tương đương với 330ml bia hoặc 120ml rượu vang, hoặc 30ml rượu mạnh.
+ Nước chè đặc, cà phê, thuốc lá, thuốc lào.
+ Thực phẩm chế biến sắn, các thức ăn mặn: cá hộp, thịt muối, cà mặn, dưa mặn, các loại nước sốt, nước chấm mặn…
+ Đường, các loại bánh, mứt, kẹo, mật ong…