Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách và bổ sung dinh dưỡng phù hợp

Tay – chân – miệng là bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, có khả năng lây lan nhanh và dễ thành dịch. Việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách sẽ giúp trẻ đỡ đau đớn khó chịu và nhanh khỏi bệnh.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chân tay miệng
– Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
– Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
– Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
+ Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
+ Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
+ Sốt nhẹ, nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
– Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
– Vệ sinh răng miệng, nốt phỏng nước đúng cách:
+ Không dùng khăn, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, vì sẽ dễ làm vỡ các nốt phỏng, vết loét thêm nặng hoặc có thể đưa nấm ở bên ngoài vào miệng trẻ.
+ Nên sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, xúc miệng nước muối… là có thể làm sạch răng miệng mà không gây nguy hiểm.
+ Rửa sạch vùng có nốt ở tay chân bằng xà phòng, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm
– Thuốc:
+ Hạ sốt: Khi trẻ sốt trên 38.50C dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại (ví dụ: trẻ nặng 10kg, dùng 100 – 150mg / lần). Ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi.
+ Giảm đau do nốt phỏng trong miệng: có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như grangel, phosphalugel hoặc kin baby,… bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, cho trẻ ngậm hoặc chấm vào vết loét để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn.
– Dinh dưỡng:
+ Với trẻ còn bú: tăng cường cho trẻ bú mẹ
+ Nên ăn nguội, thực phẩm mềm loãng như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, cháo, súp… chia nhiều lần trong ngày
+ Không nên ép trẻ ăn hoặc uống, hạn chế thực phẩm nhiều gia vị chua cay mặn, ăn đồ cứng, thức ăn nóng
+ Bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng: uống nhiều nước trái cây như nước dừa, nước dưa hấu, cam, bưởi… Ngoài ra, các loại quả có màu đỏ, màu vàng như nước ép cà rốt, cà chua,… rất giàu vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh các vết tổn thương của trẻ.
+ Bổ sung kẽm: nấu cháo hoặc súp hàu, ngao, trứng gà, thịt gà…
Việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ và theo dõi diễn biến của bệnh là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ có thể chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên cần chú ý đến các triệu chứng đặc biệt để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.